1. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên và nguyên tắc sử dụng đầu tiên
Về nguyên tắc, hệ thống pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chỉ công nhận bảo hộ đối với nhãn hiệu đã được đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam theo thể thức đăng ký quốc gia hoặc theo thể thức đăng ký quốc tế, ngoại trừ các nhãn hiệu nổi tiếng mà theo pháp luật là không cần đăng ký. Cụ thể, theo Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổi sung 2009, 2019 (Luật SHTT) và Điều 6 Nghị định 103/2006/NĐ-CP[1] về căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, thì quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu (ngoại trừ nhãn hiệu nổi tiếng) được xác lập trên cơ sở quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp Văn bằng bảo hộ cho người nộp đơn đăng ký theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hoặc theo sự công nhận của cơ quan quản lý nhà nước đối với đăng ký quốc tế. Hiện nay, trong pháp luật về Sở hữu trí tuệ thế giới tồn tại và sử dụng song song hai nguyên tắc nộp đơn khi đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu nói riêng đó là nguyên tắc nộp đơn đầu tiên “first to file” và nguyên tắc ưu tiên cho người sử dụng trước “first to use”.
1.1. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên
Đối với nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, pháp luật Việt Nam cũng đã cụ thể hóa nguyên tắc này tại khoản 2 Điều 90 Luật Sở hữu Trí tuệ đối với việc đăng ký nhãn hiệu. Cụ thể, trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký cho nhãn hiệu có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ. Với nguyên tắc này, pháp luật chỉ bảo hộ cho chủ thể nộp đơn hợp lệ có ngày ưu tiên sớm nhất/có ngày nộp đơn sớm nhất đối với cùng một đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp chứ không phải là bảo hộ cho người đầu tiên sáng tạo ra đối tượng đó.
1.2. Nguyên tắc sử dụng đầu tiên
Nguyên tắc ưu tiên cho người sử dụng trước được hiểu là quyền sở hữu công nghiệp được trao cho những người đầu tiên sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, không phải người đầu tiên nộp đơn đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp. Theo đó, khi xem xét hai hay nhiều đơn đăng ký cho cùng một nhãn hiệu hoặc khi phát sinh tranh chấp trong việc đăng ký nhãn hiệu thì cơ quan đăng ký nhãn hiệu sẽ xem xét thời điểm sử dụng nhãn hiệu của các bên có liên quan. Bên nào chứng minh được việc mình sử dụng nhãn hiệu trước thì sẽ được cấp đăng ký bảo hộ đối với nhãn hiệu.
Pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam không áp dụng nguyên tắc này trong xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu, thay vào đó là sử dụng nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”. Do vậy, khi có tranh chấp phát sinh, hoặc có vấn đề liên quan đến việc xác định chủ thể có quyền đăng ký nhãn hiệu thì nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được áp dụng thay vì nguyên tắc sử dụng đầu tiên.
2. Quyền ưu tiên là gì?
Luật sở hữu trí tuệ không quy định khái niệm về quyền ưu tiên. Tuy nhiên dựa trên Điều 90[2] và 91[3] Luật Sở hữu Trí tuệ thì quyền ưu tiên đối với nhãn hiệu được hiểu là quyền mà khi chủ sở hữu nhãn hiệu tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu được áp dụng các nguyên tắc ưu tiên theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ để cấp văn bằng bảo hộ. Nói cách khác, trong trường hợp có nhiều chủ đơn khác nhau cùng nộp các đơn đăng ký nhãn hiệu trùng/tương tự với nhau cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự nhau thì đơn nào có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn đầu tiên sẽ được chấp nhận bảo hộ.
Nguyên tắc ưu tiên được được áp dụng cho các trường hợp sản phẩm, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu có xuất xứ từ các quốc gia khác mà cùng tham gia vào các Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ. Đối với Việt Nam, nguyên tắc ưu tiên được áp dụng theo Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp và một số Điều ước quốc tế khác.
3. Điều kiện hưởng quyền ưu tiên của người nộp đơn trong đăng ký nhãn hiệu
Theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Luật Sở hữu Trí tuệ và khoản 1 Điều 10 Nghị định 103/2006/NĐ-CP, người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Người nộp đơn là công dân Việt Nam hoặc công dân của nước là thành viên của Công ước Paris hoặc cư trú, có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước là thành viên của Công ước.
- Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên của Công ước và đơn đó có phần yêu cầu hưởng quyền ưu tiên đăng ký nhãn hiệu.
- Đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên và thời hạn ưu tiên được tính kể từ ngày nộp đơn đầu tiên, ngày nộp đơn đầu tiên không tính trong thời hạn ưu tiên.
- Trong đơn đăng ký người nộp đơn nêu rõ yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và phải nộp bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của Cơ quan nhận đơn đầu tiên trong trường hợp nộp tại nước ngoài.
- Nộp đủ lệ phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
4. Các lưu ý cần biết về việc áp dụng quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
Nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên được chấp nhận thì theo khoản 3 Điều 91 Luật Sở hữu trí tuệ, ngày ưu tiên được xác định là ngày nộp đơn của đơn đầu tiên.
Theo khoản 3 Điều 90 Luật Sở hữu Trí tuệ, trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ, cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất: Chỉ cấp văn bằng bảo hộ cho một đơn duy nhất theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn. Nếu không thoả thuận được thì tất cả các đơn sẽ đều bị từ chối.
Trong một đơn đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở nhiều đơn khác nhau được nộp sớm hơn với điều kiện phải chỉ ra nội dung tương ứng giữa các đơn nộp sớm hơn ứng với nội dung trong đơn.
Ngày nộp đơn đầu tiên của quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu được xác định như sau:
- Ngày nộp đơn là ngày đơn được Cục SHTT tiếp nhận. Ghi trong dấu nhận đơn đóng trên tờ khai đăng ký nhãn hiệu;
- Đối với đơn quốc tế có chỉ định. Hoặc/và chọn Việt Nam, ngày nộp đơn là ngày nộp đơn quốc tế.
[1] Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
[2] “Điều 90. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên[28]
- Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
- Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
- Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thỏa thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thỏa thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.”
[3] “Điều 91. Nguyên tắc ưu tiên
- Người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối tượng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên hoặc có thỏa thuận áp dụng quy định như vậy với Việt Nam;
- Người nộp đơn là công dân Việt Nam, công dân của nước khác quy định tại điểm a khoản này cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước khác quy định tại điểm a khoản này;
- Trong đơn có nêu rõ yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;
- Đơn được nộp trong thời hạn ấn định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Trong một đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu, người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở nhiều đơn khác nhau được nộp sớm hơn với điều kiện phải chỉ ra nội dung tương ứng giữa các đơn nộp sớm hơn ứng với nội dung trong đơn.
- Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên có ngày ưu tiên là ngày nộp đơn của đơn đầu tiên.”