Lưu ý gì để sử dụng tên miền hợp pháp

Lưu ý gì để sử dụng tên miền hợp pháp

Tên miền, hay Domain, đại diện cho địa chỉ của một trang web trên Internet. Đây là nơi mà mọi người sử dụng trình duyệt để tìm kiếm và truy cập vào bất kỳ trang web nào. Tên miền được biểu thị bằng các ký tự hoặc chữ số trong bảng chữ cái thay cho địa chỉ IP của máy chủ.

Để thiết lập một website, doanh nghiệp cần phải lựa chọn và mua cho mình một tên miền để định danh website của mình. Vì vậy, doanh nghiệp cần nắm được khái quát quy định về tên miền website theo pháp luật Việt Nam. Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Apolat Legal để hiểu về những lưu ý để sử dụng tên miền hợp pháp nhé!

Những lưu ý để sử dụng tên miền hợp pháp

1. Tên miền là gì?

Thông thường, tên miền có thể được hiểu là tên của một trang web hoạt động trên internet, là địa chỉ IP cho mỗi website. Tên miền giúp cho người dùng dễ dàng nhận biết và nhớ đến trang web của doanh nghiệp. Có thể hình dung tên miền giống như địa chỉ nhà hay mã zipcode để định vị. Nhờ vào đó mà người dùng có thể tìm đến được website của doanh nghiệp.

Theo khoản 4 Điều 2 Thông tư 24/2015/TT-BTTTT Quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet thì tên miền được định nghĩa như sau:

4. Tên miền là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu chấm “.”. Tên miền bao gồm:

a) Tên miền dùng các kí tự dựa trên cơ sở bảng mã ASCII, sau đây gọi là tên miền mã ASCII;

b) Tên miền dùng bảng chữ cái dựa trên cơ sở ngôn ngữ truyền thống của từng quốc gia, sau đây gọi là tên miền đa ngữ (IDN).”

Đối với tên miền quốc gia Việt Nam (.vn), theo khoản 7 Điều 2 Thông tư 24/2015/TT-BTTTT Quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet thì tên miền .vn được định nghĩa như sau:

7. Tên miền quốc gia Việt Nam là tập hợp tên miền các cấp dưới tên miền quốc gia Việt Nam cấp cao nhất “.vn” (sau đây gọi chung là tên miền “.vn”) và tên miền các cấp dưới tên miền cấp cao nhất khác thuộc quyền quản lý của Việt Nam.

2. Quyền đăng ký tên miền

Căn cứ Điều 6 Thông tư 24/2015/TT-BTTTT (được sửa đổi bởi điểm a, b khoản 6 Điều 1 Thông tư 21/2021/TT-BTTTT) thì việc đăng ký tên miền .vn được thực hiện như sau:

“1. Đăng ký tên miền “.vn” được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước được quyền sử dụng trước, ngoại trừ:

– Các tên miền thuộc phạm vi ưu tiên bảo vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này;

– Các tên miền được dành cho đấu giá theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Tên miền do tổ chức, cá nhân tự chọn để đăng ký, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

– Không có các cụm từ xâm phạm đến chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia hoặc vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

– Rõ ràng, nghiêm túc, không gây hiểu nhầm hoặc xuyên tạc do tính đa âm, đa nghĩa hoặc khi không dùng dấu trong tiếng Việt;

– Tổ chức, cá nhân không liên quan không đăng ký sử dụng tên miền là tên gọi của tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Công đoàn Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam…);

– Tổ chức, cá nhân không liên quan không đăng ký sử dụng các tên miền liên quan đến hoạt động bảo đảm an ninh, quốc phòng, ngoại giao của đất nước;

– Đối với tên miền “.vn” đăng ký: Có ít nhất một hoặc một dãy ký tự dưới tên miền cấp cao “.vn”. Được chứa các ký tự từ a đến z; 0 đến 9; các ký tự tiếng Việt và các ký tự được hệ thống máy chủ tên miền chấp nhận không phân biệt viết hoa hay viết thường. Được chứa dấu gạch nối nhưng không được bắt đầu hoặc kết thúc với ký tự này và không được có hai dấu gạch nối đi liền nhau trong tên miền. Ở mỗi cấp không được nhiều hơn 63 ký tự (đối với tên miền tiếng Việt, số lượng ký tự được tính theo chiều dài sau chuyển đổi thành chuỗi không dấu ASCII);

– Không vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 23b Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

– Không phải là tên miền có các cụm từ dễ gây nhầm lẫn là trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội nếu chủ thể đăng ký sử dụng không phải đối tượng được cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép thiết lập mạng xã hội theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, tổ chức, cá nhân có quyền tự chọn tên miền để đăng ký, nhưng việc thực hiện đăng ký tên miền phải thỏa mãn các yêu cầu trên để được cấp tên miền theo đúng quy định của pháp luật.

3. Mối liên hệ giữa tên miền và quyền sở hữu trí tuệ

Tên miền không nằm trong phạm vi được bảo hộ theo Luật Sở hữu Trí tuệ. Việc đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu không đồng nghĩa với việc được bảo hộ tên miền trên Internet. Dù các đối tượng sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp đã được chấp nhận để được bảo hộ, điều đó không đồng nghĩa với việc tên miền của họ cũng tự động được bảo hộ, ngay cả khi tên miền đó liên quan đến các đối tượng sở hữu trí tuệ của họ.

Tuy nhiên, tên miền có mối liên hệ chặt chẽ với các đối tượng được bảo hộ trí tuệ như nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. 

Nhãn hiệu, tên thương mại và tên miền đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển một doanh nghiệp. Để xây dựng thương hiệu và tạo lòng tin trong khách hàng và đối tác, việc đăng ký tên miền chứa tên thương mại và nhãn hiệu của doanh nghiệp trở thành một yếu tố cần thiết.

Ngày nay, trong thời đại số hóa, các giao dịch mua bán trên mạng thông qua trang web của các doanh nghiệp ngày càng phổ biến. Để tạo sự nhận diện cho nhãn hiệu của mình trên Internet, các doanh nghiệp thường sử dụng tên nhãn hiệu là một yếu tố quan trọng trong tên miền. Việc tích hợp nhãn hiệu vào tên miền giúp tăng tính dễ nhớ và dễ nhận biết của nó. Người dùng Internet thường có thói quen truy cập vào trang web thông qua tên miền tương ứng với nhãn hiệu của doanh nghiệp để tìm kiếm sản phẩm và dịch vụ của họ. Vì vậy, việc kết hợp nhãn hiệu vào tên miền giúp tăng khả năng tìm kiếm tên miền một cách dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, nguyên tắc đăng ký nhãn hiệu không hạn chế một cá nhân hoặc tổ chức trong việc đăng ký tên miền. Điều này dẫn đến việc một số cá nhân hoặc tổ chức có thể chiếm giữ hàng trăm nhãn hiệu được bảo hộ bằng cách sử dụng các tên miền tương tự hoặc trùng khớp với các nhãn hiệu nổi tiếng trước khi họ đăng ký tên miền đó. Tranh chấp tên miền là không thể tránh khỏi và ngày càng gia tăng cả về số lượng và phức tạp, khiến cho việc giải quyết tranh chấp trở nên khó khăn hơn.

Có thể thấy rằng, dù tên miền chưa phải là một đối tượng được Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ, nhưng lại có một ý nghĩa rất quan trọng đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và sự phát triển nhãn hiệu của doanh nghiệp.

4. Căn cứ xác định một tên miền có đang vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác hay không?

Tranh chấp tên miền xảy ra khi một chủ thể đăng ký một tên miền và phát hiện rằng tên miền đó đã được sử dụng bởi một chủ thể khác. Do đó, trong trường hợp xảy ra tranh chấp tên miền liên quan đến nhãn hiệu, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể áp dụng các biện pháp thích hợp theo quy định pháp luật để bảo vệ thương hiệu mà họ đã xây dựng.

Theo quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, hành vi được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh như sau:

Chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng với dụng ý xấu, lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng nhằm thu lợi bất chính

Căn cứ theo quy định trên, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể xác định hành vi chiếm hữu, sử dụng tên miền của các chủ thể khác gây tổn hại đối với nhãn hiệu của mình là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, tranh chấp tên miền được giải quyết theo quy định của pháp luật.

5. Hậu quả nếu sử dụng tên miền xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

  • Xử phạt vi phạm hành chính

Tại Điều 4 Thông tư liên tịch 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN hướng dẫn trình tự, thủ tục, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ có quy định nguyên tắc chung như sau:

Điều 4. Nguyên tắc chung

  1. Việc xác định hành vi đăng ký và sử dụng tên miền “.vn” vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ và áp dụng biện pháp buộc thay đổi thông tin tên miền, buộc trả lại tên miền, thu hồi tên miền “.vn” được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, viễn thông, do cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ kết luận hoặc quyết định.
  2. Biện pháp buộc thay đổi thông tin tên miền, buộc trả lại tên miền, thu hồi tên miền “.vn” vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ được xem xét, áp dụng trong trường hợp sau:

a) Tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với đối tượng sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ và nội dung đăng tải trên trang thông tin điện tử đi kèm theo tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

b) Tên miền được sử dụng để đăng tải các nội dung thông tin vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.”

Theo đó, Điều 5, 6 thông tư 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN, các biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ bao gồm:

“Điều 5. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi thông tin tên miền “.vn”

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi thông tin tên miền trong trường hợp trang thông tin điện tử đi kèm theo tên miền có đăng tải các thông tin vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ như thông tin quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào hàng, bán hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan, làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng hoặc vật chất đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ.

Điều 6. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại tên miền “.vn”

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính áp dụng biện pháp buộc trả lại tên miền “.vn” trong trường hợp chủ thể sử dụng tên miền “.vn” thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ, đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:

1. Tên miền “.vn” trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ mà chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý là người có quyền hoặc lợi ích hợp pháp.

2. Chủ thể sử dụng tên miền “.vn” không có quyền và lợi ích hợp pháp đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ.

3. Nội dung trang thông tin điện tử đi kèm theo tên miền “.vn” có chứa các thông tin quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào bán hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan, làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng hoặc vật chất đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý; hoặc chứa các thông tin bôi nhọ, nói xấu sản phẩm, hàng hóa; dịch vụ tương ứng của chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý.”

Bên cạnh đó, thông tư 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN quy định tại Điều 7 về biện pháp thu hồi tên miền trong các trường hợp sau:

“Điều 7. Biện pháp thu hồi tên miền “.vn”

1. Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm áp dụng biện pháp thu hồi tên miền “.vn” trong các trường hợp sau đây:

a) Chủ thể sử dụng tên miền “.vn” vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là thay đổi thông tin tên miền “.vn” hoặc trả lại tên miền “.vn” theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành.

b) Chủ thể sử dụng tên miền “.vn” không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trên trang thông tin điện tử đi kèm theo tên miền “.vn” theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Việc áp dụng biện pháp thu hồi tên miền “.vn” và yêu cầu cơ quan quản lý tên miền thực hiện các nghiệp vụ kỹ thuật liên quan đến tên miền “.vn” trên hệ thống máy chủ tên miền quốc gia được nêu rõ trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.”

  • Giải quyết tranh chấp

Theo quy định tại Điều 76 Luật Công nghệ thông tin 2006, tranh chấp tên miền được giải quyết theo các hình thức sau đây:

Tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được giải quyết theo các hình thức sau đây:

1.Thông qua thương lượng, hòa giải;

2. Thông qua trọng tài;

3. Khởi kiện tại Tòa án.

Theo quy định, khi giải quyết tranh chấp tên miền thông qua thương lượng, hòa giải, các bên phải lập Biên bản hòa giải thành và Biên bản này phải được gửi đến Nhà đăng ký tên miền “.vn” liên quan hoặc VNNIC để làm cơ sở xử lý tên miền tranh chấp. 

Nếu tranh chấp tên miền được giải quyết thông qua trọng tài, các bên phải đạt được thỏa thuận trọng tài bằng văn bản trong đó có chỉ định rõ Trung tâm trọng tài sẽ giải quyết vụ việc tranh chấp trước khi hồ sơ vụ việc được xử lý theo thủ tục trọng tài. 

Đối với hình thức khởi kiện tại Tòa án, thủ tục giải quyết các tranh chấp tên miền trong quan hệ dân sự hay hoạt động thương mại tại tòa án nhân dân sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự liên quan.

Chúng tôi hy vọng rằng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về tên miền; đăng ký, sử dụng tên miền; tranh chấp tên miền và hành vi sử dụng tên miền vi phạm Luật sở hữu trí tuệ cũng như hậu quả pháp lý dựa trên pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thức rằng có thể vẫn còn một số thắc mắc hoặc nhu cầu giải đáp về các vấn đề pháp lý liên quan đến tên miền.

Đừng ngần ngại liên hệ ngay với Apolat Legal nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay vấn đề cần được tư vấn. Chúng tôi sẽ cung cấp sự hỗ trợ tốt nhất để giải đáp các thắc mắc của bạn. Hãy để Apolat Legal là đối tác đáng tin cậy của bạn trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý!

 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Sở hữu trí tuệ và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.