9 việc cần làm ngay sau khi thành lập công ty, doanh nghiệp

Sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ cần thực hiện thêm các thủ tục cần thiết để công ty nhanh chóng đi vào hoạt động, tránh rủi ro liên quan đến pháp luật. 9 việc doanh nghiệp cần làm sau khi thành lập doanh nghiệp bao gồm:

  • Nộp hồ sơ kê khai thuế ban đầu;
  • Mở tài khoản và thông báo số tài khoản ngân hàng;
  • Mua chữ ký số;
  • Treo bảng hiệu công ty;
  • Làm thủ tục phát hành hóa đơn;
  • Hoàn thiện các điều kiện về giấy phép, chứng chỉ, vốn;
  • Tham gia bảo hiểm cho người lao động và các vấn đề về thuế;
  • Khai thuế Giá trị gia tăng VAT;
  • Khai thuế cho công ty.

Các việc cần làm và các thủ tục liên quan được Apolat Legal trình bày chi tiết qua bài viết bên dưới:

các bước sau khi thành lập doanh nghiệp
các bước sau khi thành lập doanh nghiệp

1. Nộp hồ sơ kê khai thuế ban đầu

Hồ sơ khai thuế ban đầu là một thủ tục rất quan trọng mà các doanh nghiệp vừa thành lập cần thực hiện. Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

  • Quyết định bổ nhiệm giám đốc;
  • Quyết định bổ nhiệm kế toán;
  • Mẫu đăng ký phương pháp khấu hao tài sản cố định;
  • Tờ kê khai đăng ký hình thức kế toán và loại hóa đơn được sử dụng;
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản photo);
  • CCCD/CMND/Hộ chiếu của người đại diện pháp luật công ty (bản photo);
  • Phiếu đăng ký trao đổi thông tin doanh nghiệp;
  • Giấy ủy quyền (trường hợp ủy quyền cho cá nhân nộp hồ sơ).

Tải các mẫu “hồ sơ khai thuế ban đầu cho doanh nghiệp mới”:

Sau đó, doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Chi cục Thuế nơi đặt trụ sở chính của công ty.

Dưới đây là 4 kinh nghiệm về kê khai thuế ban đầu mà Apolat Legal đã tích lũy được trong thời gian hoạt động của mình:

Kinh nghiệm khai thuế ban đầu
Kinh nghiệm khai thuế ban đầu

Xem thêm: Các loại thuế phải nộp khi thành lập doanh nghiệp

1.1. Hồ sơ kê khai thuế ban đầu

Hồ sơ khai lệ phí môn bài là thủ tục quan trọng nhất nên ưu tiên thực hiện trước sau khi thành lập doanh nghiệp, trong bộ hồ sơ khai thuế ban đầu thì tờ khai lệ phí môn bài là quan trọng nhất. Vì vậy doanh nghiệp cần ưu tiên hoàn thiện loại giấy tờ này trước. Các tài liệu còn lại có thể thực hiện sau tùy vào yêu cầu của Chi cục Thuế.

Thời hạn nộp hồ sơ và lệ phí môn bài là trước ngày 30/1 năm tiếp theo sau năm thành lập. Nếu không nộp đủ và đúng hạn, doanh nghiệp sẽ bị phạt với mức phạt chậm nộp hồ sơ và lệ phí môn bài, cụ thể theo bảng sau đây:

Thời gian chậm Mức phạt
Từ 1 – 5 ngày Phạt cảnh cáo (nếu có tình tiết giảm nhẹ)
Từ 1 – 10 ngày 400.0001.000.000 đồng
Từ 10 – 20 ngày 800.0002.000.000 đồng
Từ 20 – 30 ngày 1.200.000 – 3.000.000 đồng
Từ 30 – 40 ngày 1.600.0004.000.000 đồng
Từ 40 – 90 ngày 2.000.0005.000.000 đồng

Công thức tính mức phạt chậm nộp tiền lệ phí môn bài theo Thông tư 130/2016/TT-BTC như sau:

Số tiền phạt chậm nộp = Mức lệ phí môn bài x 0.03% x Số ngày chậm nộp

1.2. Về việc miễn lệ phí môn bài

Căn cứ Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và  Nghị định 22/2020/NĐ-CP, các trường hợp được miễn lệ phí môn bài bao gồm:

  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100.000.000 đồng trở xuống.
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
  • Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
  • Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
  • Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp.
  • Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.
  • Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:

a) Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).

b) Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.

c) Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh  được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.

  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

a) Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.

b) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc diện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được thành lập trước thời điểm Nghị định 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì thời gian miễn lệ phí môn bài của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được tính từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.

c) Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thực hiện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 và Điều 35 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

  • Cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Tóm lại, việc miễn lệ phí môn bài được quy định rõ ràng trong pháp luật và có áp dụng cho nhiều đối tượng và hoạt động kinh doanh khác nhau. Việc này hỗ trợ đáng kể cho sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, và đóng góp vào việc thúc đẩy kinh tế.

1.3. Trường hợp doanh nghiệp thành lập trước ngày 25/02/2020

Hạn cuối cùng để nộp tờ khai và lệ phí môn bài là ngày cuối của tháng khi doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động. Thông tin về ngày chính thức hoạt động kinh doanh có thể tìm thấy trong phần “Thông tin đăng ký thuế” trên đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

1.4 Trường hợp ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh

Nếu doanh nghiệp thành lập vào những ngày cuối tháng thì nên đăng ký bắt đầu hoạt động vào ngày đầu của tháng sau. Điều này sẽ giúp giảm bớt hồ sơ và các thủ tục khác liên quan đến thuế.

2. Mở tài khoản và thông báo số tài khoản ngân hàng

Sau khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể liên hệ với các Ngân hàng thương mại hoặc các Chi nhánh của Ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để mở tài khoản thanh toán. Lựa chọn ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức phí dịch vụ, tiện ích ngân hàng trực tuyến, hỗ trợ vay vốn, và các yếu tố khác có thể phù hợp với hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp. Một số ngân hàng phổ biến tại Việt Nam mà doanh nghiệp thường xuyên sử dụng:

  • Các ngân hàng thương mại cổ phần nội địa như: Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank),…
  • Các ngân hàng thương mại quốc doanh như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Quân đội (MBBank),…..
  • Các ngân hàng thương mại cổ phần nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: HSBC (Hongkong and Shanghai Banking Corporation), ANZ (Australia and New Zealand Banking Group), Shinhan Bank,… và nhiều ngân hàng nước ngoài khác.

Doanh nghiệp có thể lựa chọn ngân hàng dựa trên nhu cầu, dịch vụ, chi phí và tiện ích mà mỗi ngân hàng cung cấp.

Việc mở tài khoản ngân hàng hiện tại mang đến cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích khác nhau, trong cả việc nộp thuế hay thực hiện các giao dịch kinh doanh khác. Ngoài ra, với các giao dịch trên 20 triệu đồng thì bắt buộc phải thực hiện chuyển khoản, do đó mở tài khoản ngân hàng cũng là một trong những thủ tục sau khi thành lập mà doanh nghiệp phải làm.

Một tài khoản ngân hàng chỉ được phép sử dụng cho một doanh nghiệp duy nhất, tuy nhiên 1 doanh nghiệp lại có thể sở hữu nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau tùy vào nhu cầu, các ưu đãi, dịch vụ của ngân hàng mà doanh nghiệp lựa chọn. Ngoài ra doanh nghiệp cần chú ý một số điều kiện sau

Một số lưu ý khi mở và thông báo tài khoản ngân hàng
Một số lưu ý khi mở và thông báo tài khoản ngân hàng

3. Mua chữ ký số

Mua chữ ký số, hay còn được gọi là chữ ký điện tử, token có hình dáng khá giống với USB, là một trong những việc cần làm sau khi thành lập doanh nghiệp, được dùng để thực hiện các thủ tục, hồ sơ trực tuyến như ký kết hợp đồng online, giao dịch mua bán qua ngân hàng hay bảo hiểm xã hội… mà không cần phải đi lại, in ấn hay đóng dấu.

Cũng giống như tài khoản ngân hàng, 1 doanh nghiệp có thể sở hữu nhiều chữ ký số, nhưng 1 chữ ký số chỉ được sử dụng duy nhất cho 1 doanh nghiệp.

Sau khi doanh nghiệp mua chữ ký số tại các đơn vị uy tín cung cấp như Viettel, FPT, BKAV, CK, Vina, Newtel, CA2 (Nacencomm), Safe-CA… thì phải tiến hành đăng ký với cơ quan thuế, lấy xác nhận từ ngân hàng thì mới có thể sử dụng được. Hiện nay, nhà mạng Viettel đang là đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số ổn định nhất với 3 gói như sau:

Gói/Thời hạn sử dụng Giá thành
1 năm 1.350.000 đồng
2 năm 1.900.000 đồng
3 năm 2.100.000 đồng

* Bảng trên chỉ có giá trị tham khảo

4. Treo bảng hiệu công ty

Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, tên công ty cần được viết hoặc treo tại trụ sở giao dịch chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

Biển hiệu có thể được thiết kế theo hình dạng ngang hoặc dọc, với các giới hạn về kích thước sau đây:

  • Đối với biển hiệu ngang: chiều cao không được vượt quá 2 mét (m), và chiều dài cũng không được lớn hơn chiều ngang của mặt tiền toà nhà.
  • Đối với biển hiệu dọc: chiều ngang không được vượt quá 1 mét (m), còn chiều cao không quá 4 mét (m) và phải nhỏ hơn chiều cao của tầng nơi biển hiệu được đặt.

Ngoài ra, biển hiệu cũng phải đảm bảo không che chắn các lối thoát hiểm và cứu hỏa, không được lấn chiếm vỉa hè hay lòng đường, và không ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

Các doanh nghiệp không thực hiện đúng theo quy định sẽ phải chịu phạt từ 10 đến 15 triệu đồng, nặng hơn sẽ bị khóa mã số thuế căn cứ theo Điều 34 Nghị định 50/2016/NĐ-CP.

5. Làm thủ tục phát hành hóa đơn

Theo Nghị định 123Thông tư 78, tất cả các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử. Dưới đây là bảng giá dịch vụ của các đơn vị cung cấp hóa đơn điện từ phổ biến hiện nay, bao gồm Easyinvoice, SInvoice Viettel và Mobiphone Invoice:

Tên đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử Chi phí đã bao gồm VAT (*)
Easyinvoice Từ 325.000 đồng
SInvoice Viettel Từ 143.000 đồng
Mobiphone Invoice Từ 270.000 đồng

* Bảng trên chỉ có giá trị tham khảo

6. Hoàn thiện các điều kiện về giấy phép, chứng chỉ, vốn

Một trong các bước sau khi thành lập doanh nghiệp tiếp theo mà bạn phải thực hiện chính là hoàn thiện các thông tin còn thiếu trong quá trình đăng ký doanh nghiệp, ví dụ như giấy phép con hay chứng chỉ ngành nghề (đối với các ngành kinh doanh có điều kiện). Doanh nghiệp cần nhanh chóng thực hiện để tránh gặp rủi ro về pháp lý trong trường hợp có thanh tra.

Bên cạnh đó, với các loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh… cần phải góp đúng số vốn điều lệ đã cam kết trong thời gian 90 ngày để từ khi có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp phát sinh các vấn đề không mong muốn ảnh hưởng đến tài chính và thời hạn cam kết số vốn góp, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ.

thủ tục sau thành lập doanh nghiệp
Hoàn thiện các điều kiện về giấy phép, chứng chỉ, vốn

7. Tham gia bảo hiểm cho người lao động và các vấn đề về thuế

7.1 .Chế độ bảo hiểm dành cho người lao động

Tham gia bảo hiểm dành cho người lao động là một trong các công việc sau khi thành lập doanh nghiệp cần phải làm. Tuy nhiên, đây lại là thủ tục thường thiếu sót nhiều nhất. Căn cứ theo quyết định 772/QĐ-BHXH, trong thời gian 30 ngày kể từ khi ký kết hợp đồng lao động chính thức, doanh nghiệp cần phải tiến hành nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm cho người lao động. Hồ sơ sẽ bao gồm:

  • Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh nội dung BHXH, BHYT;
  • Danh sách người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN.
Lưu ý về chế độ bảo hiểm cho người lao động
Lưu ý về chế độ bảo hiểm cho người lao động

7.2. Các vấn đề về thuế

Đối với các loại thuế như tờ khai thuế GTGT, tờ khai thuế TNCN (trường hợp có phát sinh) hàng quý, thuế TNCN, thuế TNDN (nếu có), báo cáo quyết toán cuối năm… doanh nghiệp bắt buộc phải kê khai và tiến hành nộp theo quy định hiện hành để tránh bị xử phạt hoặc khóa mã số thuế.

8. Khai thuế Giá trị gia tăng VAT

8.1. Khai thuế theo phương pháp khấu trừ

  • Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp mới thành lập sẽ không cần nộp mẫu 06 và mặc định doanh nghiệp chuyển sang áp dụng phương pháp tính thuế khấu trừ.
  • Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:
    • Tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT hoặc mẫu 02/GTGT
    • Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa dịch vụ bán ra theo mẫu 01-1/GTGT
    • Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa dịch vụ mua vào theo mẫu 04-1/GTGT
    • Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn mẫu BC26 theo tháng hoặc quý

8.2. Khai thuế theo phương pháp tính trực tiếp

  • Đây là phương pháp tính thuế GTGT dựa trên doanh thu thực tế của doanh nghiệp.
  • Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:
    • Tờ khai thuế GTGT mẫu 03/GTGT hoặc mẫu 04/GTGT
    • Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa dịch vụ bán ra theo mẫu 04-1/GTGT
các bước sau khi thành lập doanh nghiệp
Cách kê khai thuế GTGT của doanh nghiệp mới thành lập

8.3. Thời hạn kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng

Hạn chót để doanh nghiệp mới thành lập nộp hồ sơ kê khai thuế GTGT theo quý chậm nhất ngày 30 sau khi kết thúc quý.

Các công ty mới thành lập thường sẽ chưa phát sinh nghiệp vụ mua bán hàng hóa, dịch vụ nhưng doanh nghiệp vẫn cần nộp tờ khai thuế GTGT.

9. Khai thuế cho công ty

9.1. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp

  • Doanh nghiệp sẽ thực hiện kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý; theo quyết toán năm; theo thời điểm có quyết định về việc thực hiện chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức, giải thể, chấm dứt hoạt động.
    • Khai thuế TNDN theo quý: Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
    • Khai quyết toán thuế TNDN: Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm tài chính hoặc năm dương lịch.
  • Hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN gồm: Tờ khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu 03/TNDN và một số phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 159/2013/TT-BTC.

9.2. Thuế thu nhập cá nhân

  • Doanh nghiệp có chi trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp thuế TNCN theo tháng, quý hoặc theo các lần phát sinh.
  • Nếu doanh nghiệp không phát sinh việc chi trả thu nhập trong năm thì không cần kê khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

10. Các câu hỏi thường gặp sau khi thành lập doanh nghiệp

Bên cạnh những việc cần làm sau khi thành lập doanh nghiệp nói trên, Apolat Legal còn nhận được rất nhiều các câu hỏi liên quan như:

Thời hạn nộp tờ khai thuế môn bài cho doanh nghiệp mới thành lập

Thời hạn nộp tờ khai lệ phí môn bài cho doanh nghiệp mới thành lập là trước ngày 30/01 năm tiếp theo sau khi doanh nghiệp được thành lập.

Doanh nghiệp mới thành lập có cần mua hóa đơn điện tử?

Mua hóa đơn điện tử là một trong những thủ tục sau thành lập doanh nghiệp cần phải làm. Việc đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử sẽ tuân theo những quy định trong Nghị định 123 và Thông tư 78.

Doanh nghiệp nhỏ vừa thành lập có phải tham gia BHXH không?

Doanh nghiệp nhỏ vừa thành lập cũng cần phải tham gia BHXH. Thời hạn là 30 ngày kể từ khi ký hợp đồng chính thức với người lao động, công ty phải tiến hành nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm đúng theo quy định.

Thủ tục khai báo thuế công ty mới thành lập

Doanh nghiệp thực hiện thủ tục khai báo thuế công ty mới thành lập gồm các hồ sơ sau:

  • Tờ kê khai đăng ký hình thức kế toán;
  • Quyết định bổ nhiệm giám đốc;
  • Quyết định bổ nhiệm kế toán;
  • Tờ khai lệ phí môn bài;
  • Phương thức trích khấu hao tài sản cố định;
  • Phiếu đăng ký trao đổi thông tin qua hình thức điện tử.

Trên đây là những việc cần làm sau khi thành lập doanh nghiệp để hạn chế bị phạt hoặc khóa mã số thuế. Nếu bạn không có đủ thời gian để tự mình thực hiện hoặc chưa thực sự hiểu hết những thủ tục này thì có thể liên hệ với Apolat Legal để được tư vấn và giải đáp thắc mắc đầy đủ.

Thông tin liên hệ

  • Địa chỉ:
    • HCM: Tầng 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hồ Chí Minh.
    • HN: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
  • Điện thoại: 0911 357 447
  • Email: info@apolatlegal.com
  • Website: apolatlegal.com

Tham khảo các bài viết liên quan đến những việc cần làm sau khi thành lập doanh nghiệp

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.