
1. Phá sản doanh nghiệp là gì?
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Luật Phá sản 2014 nêu rõ: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”.
Theo đó, doanh nghiệp được tuyên bố phá sản khi đáp ứng đủ hai điều kiện sau:
- Đã mất khả năng thanh toán;
- Bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Ngoài ra, khoản 1, Điều 4 của luật này cũng quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ của mình trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
2. Đối tượng có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
2.1. Đối tượng có quyền mở thủ tục phá sản
Theo quy định tại khoản 1, 2, 5 và 6 của Điều 5, Luật Phá sản 2014 nêu rõ các đối tượng có quyền mở thủ tục phá sản gồm:
- Chủ nợ không có bảo đảm
- Chủ nợ có bảo đảm một phần
- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở
- Cổ đông (nhóm cổ đông) có sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian kéo dài liên tục ít nhất 6 tháng
- Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã
2.2. Đối tượng có nghĩa vụ mở thủ tục phá sản

Theo quy định tại khoản 3 và 4 thuộc Điều 5, Luật Phá sản 2014 nêu rõ các đối tượng có nghĩa vụ mở thủ tục phá sản gồm:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã
- Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh
3. Thủ tục phá sản
3.1. Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Các đối tượng có quyền, nghĩa vụ nộp đơn được quy định rõ tại Điều 5, Luật Phá sản 2014 nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án.
3.2. Bước 2: Tòa án xem xét, thụ lý yêu cầu
Tòa án sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ bắt đầu xem xét để xử lý và phản hồi cho đối tượng nộp đơn.
- Nếu đơn đã hợp lệ: Thông báo nộp lệ phí và tạm ứng phí phá sản như quy định.
- Nếu đơn chưa hợp lệ: Thông báo và yêu cầu sửa đổi, bổ sung lại thông tin cần thiết.
- Trường hợp người nộp đơn không thuộc các đối tượng có quyền, nghĩa vụ nộp đơn hoặc người nộp đơn không đồng ý sửa lại đơn chưa hợp lệ: Tòa án trả lại đơn đã nộp.
3.3. Bước 3: Tòa án thụ lý đơn
Sau khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản và biên lai tạm ứng chi phí phá sản, Tòa án nhân dân bắt đầu thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tiếp theo, Tòa án sẽ ra quyết định có mở hoặc không mở thủ tục phá sản (chỉ trừ trường hợp doanh nghiệp hoặc hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn).
3.4. Bước 4: Mở thủ tục phá sản
Tòa án sẽ gửi thông báo có quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản đến các đối tượng liên quan. Trong quá trình chờ giải quyết yêu cầu, đối tượng nộp đơn có thể yêu cầu Tòa án thực hiện các biện pháp bảo toàn tài sản. Ví dụ như: tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng, tuyên bố giao dịch vô hiệu,…
Đặc biệt, Tòa án sẽ tiến hành kiểm kê tài sản, lập danh sách chủ nợ và danh sách người mắc nợ,…
3.5. Bước 5: Hội nghị chủ nợ
Hội nghị chủ nợ là cuộc họp với sự tham gia của các chủ nợ do Tòa án triệu tập và chủ trì với mục đích thảo luận và ra quyết định những vấn đề liên quan đến việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp như phương án hòa giải, giải pháp tổ chức lại hoạt động doanh nghiệp hoặc kiến nghị phương án phân chia tài sản sau khi phá sản doanh nghiệp.
Thời hạn để Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ là 20 ngày, kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc sau việc lập danh sách chủ nợ; hoặc kể từ ngày kết thúc việc lập danh sách chủ nợ trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc trước việc lập danh sách chủ nợ; trừ trường hợp không phải tổ chức Hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 105 Luật Phá sản 2014.

3.6. Bước 6: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản
Thẩm phán sẽ tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản trong những trường hợp sau:
- Doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh;
- Sau khi hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi kinh doanh nhưng doanh nghiệp vẫn mất khả năng thanh toán.
3.7. Bước 7: Thi hành tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản
Tòa án sẽ thi hành các hoạt động sau khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản:
- Thanh lý các tài sản phá sản;
- Phân chia tiền thu được từ việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.
4. Hậu quả pháp lý của việc tuyên bố doanh nghiệp phá sản
4.1. Nghĩa vụ về tài sản sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản
Theo quy định tại Điều 110, Luật Phá sản 2014 có nêu rõ Nghĩa vụ về tài sản sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản như sau:
- Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản quy định tại các điều 105, 106 và 107 của Luật này không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, trừ trường hợp người tham gia thủ tục phá sản có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
- Nghĩa vụ về tài sản phát sinh sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản được giải quyết theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4.2. Cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản
Theo quy định tại Điều 130, Luật Phá sản 2014 nêu rõ nội dung Cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản như sau:
- Người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào kể từ ngày doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản.
- Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước.
- Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật Phá sản 2014 thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.
5. Dịch vụ tư vấn Thủ tục phá sản tại Công ty luật Apolat Legal
Giải quyết những thủ tục, hồ sơ về phá sản doanh nghiệp là một vấn đề phức tạp. Vì vậy, quý khách hàng hoàn toàn có thể lựa chọn dịch vụ tư vấn Thủ tục phá sản tại Công ty luật Apolat Legal để nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ luật sư, chuyên viên giàu kinh nghiệm về lĩnh vực doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ mang đến những dịch vụ pháp lý cho quý khách gồm:
- Tư vấn trình tự và thủ tục phá sản doanh nghiệp
- Hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát cũng như đánh giá tình trạng hoạt động của mình
- Tư vấn và đề xuất các phương án đảm bảo tối đa lợi ích của công ty
- Tư vấn và chuẩn bị hồ sơ pháp lý để yêu cầu phá sản
- Đại diện khách hàng thương lượng đàm phán với bên thứ ba cũng như làm việc cùng cơ quan Tòa án có thẩm quyền.
6. Các câu hỏi thường gặp về Phá sản doanh nghiệp
6.1. Doanh nghiệp được phá sản khi nào?
Doanh nghiệp được phá sản khi kinh doanh thua lỗ hoặc tài sản còn lại không đủ để chi trả các khoản nợ đến hạn, do đó mất khả năng thanh toán. Đồng thời doanh nghiệp phải bị Tòa án nhân dân đưa ra quyết định tuyên bố phá sản thì mới được xem là phá sản doanh nghiệp.

6.2. Doanh nghiệp bị phá sản thì ai trả nợ?
Khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản hiện có đối với các khoản còn đang nợ của doanh nghiệp đó. Ngoài ra tùy vào từng loại hình doanh nghiệp sẽ có các chế độ chịu trách nhiệm tài sản khác nhau là: chế độ trách nhiệm vô hạn (có nghĩa vụ trả nợ cho đến khi nào thanh toán được hết nợ) và chế độ trách nhiệm hữu hạn (chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản phát sinh bằng với phạm vi phần vốn góp của mình)
Như vậy, theo loại hình doanh nghiệp thì ta có các trường hợp sau:
- Thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên khi chưa góp vốn hoặc chưa đủ số vốn, cổ đông công ty cổ phần: chịu trách nhiệm hữu hạn
- Thành viên hợp doanh trong công ty hợp doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân: chịu trách nhiệm vô hạn
6.3. Nếu doanh nghiệp phá sản thì cổ đông như thế nào?
Theo quy định tại Điều 115, Luật Doanh nghiệp 2020 nêu rõ, khi công ty giải thể hoặc phá sản cổ đông sẽ được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.
Trên đây là những thông tin chi tiết về phá sản doanh nghiệp. Nếu có bất kỳ băn khoăn gì về nội dung này thì hãy liên hệ với Apolat Legal để được hỗ trợ chi tiết hơn.
Thông tin liên hệ
- Địa chỉ
- HCM: Tầng 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hồ Chí Minh.
- Hà Nội: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
- Phone: 0911 357 447
- Email: info@apolatlegal.com
- Website: apolatlegal.com
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.