Phân loại hàng hóa và dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam

Tại hầu hết các quốc gia và kể cả Việt Nam, một nhãn hiệu sẽ chỉ được bảo hộ trong phạm vi của các loại hàng hóa và dịch vụ được xác định trong đơn đăng ký nhãn hiệu. Nguyên nhân chính đằng sau điều này xuất phát từ mục đích chính của việc đăng ký thương hiệu là nhằm đó là bảo vệ sự khác biệt của một nhãn hiệu và ngăn chặn sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ nhất định. Do đó, nếu các nhãn hiệu tương tự được sử dụng cho các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau (ví dụ như nhà hàng và công ty phần mềm) thì thực tế điều này cũng rất khó gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc thương mại của sản phẩm, dịch vụ. Do đó, việc phân loại hàng hóa và dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu là công đoạn phần quan trọng của quá trình đăng ký nhãn hiệu, từ đó xác định phạm vi bảo vệ thương hiệu. 

Phân loại hàng hóa và dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
Phân loại hàng hóa và dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam

1. Bảng phân loại Nice (Ni-xơ) về nhóm hàng hóa và dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu 

Bảng phân loại Nice (Ni-xơ) là một phần của Hiệp định Nice năm 1957. Trong đó, Bảng phân loại Nice (Ni-xơ) đưa ra 45 nhóm hàng hóa và dịch vụ sử dụng để đăng ký nhãn hiệu. Bảng phân loại này cung cấp cơ sở để các cơ quan sở hữu trí tuệ đánh giá đơn đăng ký nhãn hiệu và phạm vi yêu cầu bảo hộ. Trong đó, 34 nhóm đầu tiên bao gồm các sản phẩm vật lý (hàng hóa) và 11 nhóm còn lại đại diện cho các loại dịch vụ khác nhau. Mỗi nhóm chứa hàng ngàn hàng hóa và dịch vụ cụ thể cần được xác định trong đơn đăng ký nhãn hiệu. Việc lựa chọn đúng nhóm hàng hóa và dịch vụ được coi là một trong những phần khó khăn nhất của quá trình đăng ký nhãn hiệu. 

Trước khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu, chủ đơn nên thực hiện việc tra cứu nhãn hiệu nhằm đánh giá khả năng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thành công, giúp chủ đơn tránh mất thời gian, tiền bạc và công sức để tránh bị từ chối đăng ký bảo hộ nhãn hiệu về sau.

2. Đơn đăng ký nhãn hiệu cần đăng ký bao nhiêu nhóm hàng hóa và dịch vụ 

Số lượng các nhóm hàng hóa và dịch vụ cần thiết trong đơn đăng ký nhãn hiệu tùy thuộc vào phạm vi sử dụng của nhãn hiệu đó. Trung bình, chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký từ 2-3 nhóm hàng hóa và dịch vụ liên quan, nhưng thực tế có nhiều nhãn hiệu được đăng ký cho nhiều hơn 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ. 

Mặc dù việc đăng ký nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ giúp mở rộng phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu, nhưng điều này cũng có những hạn chế đi kèm. Đầu tiên, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ sẽ làm gia tăng chi phí đăng ký nhãn hiệu. Tại Việt Nam, lệ phí cho việc đăng ký cho mỗi nhóm từ nhóm thứ 2 trở lên hiện tại khoảng bằng 75% so với lệ phí đăng ký nhóm đầu tiên. Tại Mỹ, chi phí cho mỗi nhóm bổ sung gần như tương đương với phí đăng ký cho nhóm đầu tiên.  

Thứ hai, việc lựa chọn danh mục hàng hóa và dịch vụ rộng hơn khi đăng ký nhãn hiệu sẽ tăng nguy cơ đơn đăng ký bị phản đối bởi bên khác hoặc tăng tỷ lệ tương tự với nhãn hiệu đã nộp trước đó. Nói cách khác, khả năng nhãn hiệu giống hoặc trùng với nhãn hiệu khác đã được đăng ký tăng lên khi số lượng nhóm hàng hóa và dịch vụ trong đơn đăng ký càng tăng. Do đó, gợi ý quan trọng cho chủ đơn khi đăng ký nhãn hiệu là tập trung vào các nhóm hàng hóa và dịch vụ cốt lõi cho nhãn hiệu và các nhóm mà nhãn hiệu định mở rộng trong tương lai gần. Việc thu hẹp phạm vi danh mục hàng hóa và dịch vụ (ví dụ “tư vấn công nghệ liên quan đến vận hành nhà máy” thay vì “tư vấn công nghệ”) cũng giúp gia tăng khả năng thành công của đơn đăng ký nhãn hiệu.  

Thứ ba, việc đăng ký cho nhóm hàng hóa và dịch vụ quá rộng cũng sẽ làm gia tăng khả năng nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực do nhãn hiệu không được sử dụng trong nhóm hàng hóa và dịch vụ đăng ký trong thời gian 5 năm kể từ ngày được cấp văn bằng bảo hộ.  

3. Những điều cần ghi nhớ khi phân loại hàng hóa và dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu 

  1. Nên chọn những hàng hóa và dịch vụ mà bạn muốn sử dụng nhãn hiệu hiện tại hoặc trong tương lai gần. 
  2. Bạn sẽ phải trả thêm phí cho mỗi nhóm hàng hóa và dịch vụ mà bạn thêm vào đơn đăng ký nhãn hiệu của mình. 
  3. Đối với nhãn hiệu trong lĩnh vực sản xuất, bạn nên đăng ký cả các nhóm dịch vụ liên quan đến bán và tiếp thị hàng hóa đó. 
  4. Việc lựa chọn danh mục hàng hóa và dịch vụ rộng hơn khi đăng ký nhãn hiệu sẽ tăng nguy cơ đơn đăng ký bị phản đối bởi bên khác hoặc tăng tỷ lệ tương tự với nhãn hiệu đã nộp trước đó 

Tham khảo: Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam của Apolat Legal

4. Nguyên tắc phân loại sản phẩm (từ nhóm 01 đến nhóm 34) nếu không tìm thấy trong bảng phân loại Nice 

  1. Về nguyên tắc, sản phẩm được phân loại theo chức năng hoặc mục đích sử dụng. Nếu chức năng hoặc mục đích của sản phẩm không được đề cập trong bất kỳ nhóm nào, thì sản phẩm đó được phân loại tương tự với các sản phẩm tương đương khác, được chỉ ra trong Danh mục theo vần chữ cái. Nếu không tìm thấy, thì sẽ áp dụng các tiêu chí phụ khác, ví dụ như: vật liệu tạo ra sản phẩm hoặc phương thức hoạt động của nó. 
  2. Nếu sản phẩm có nhiều mục đích sử dụng (ví dụ: Đồng hồ kết hợp Rađio) thì sẽ được phân vào tất cả các nhóm tương thích về chức năng hoặc công dụng. 
  3. Nguyên vật liệu thô, chưa chế biến hoặc bán chế, về nguyên tắc được phân loại phụ thuộc vào nguyên vật liệu cấu tạo nên chúng. 
  4. Một hàng hoá là một bộ phận của một sản phẩm khác, về nguyên tắc được phân cùng nhóm với sản phẩm đó chỉ trong trường hợp hàng hoá đó không được sử dụng cho một mục đích khác. Trong các trường hợp ngược lại, nguyên tắc nêu trong mục (1) được áp dụng. 
  5. Khi một sản phẩm, hoàn chỉnh hay chưa được hoàn chỉnh, được phân loại theo chất liệu làm nên nó, xét về nguyên tắc sản phẩm đó sẽ được phân loại theo chất liệu chiếm chủ yếu trong sản phẩm. 
  6. Các hộp dùng đựng một loại sản phẩm thì về nguyên tắc được phân loại cùng nhóm với sản phẩm đó. (ví dụ: Hộp đựng bút-nhóm 16; Hộp đựng kim-nhóm 26). 

5. Nguyên tắc phân loại dịch vụ nếu không tìm thấy trong bảng phân loại Nice 

  1. Các dịch vụ về nguyên tắc được phân loại dựa vào các ngành hoạt động được chỉ rõ trong tiêu đề của các nhóm dịch vụ trong Danh mục các nhóm hoặc theo Phần giải thích, nếu không có thì được phân loại theo một dịch vụ tương tự nêu trong Danh mục theo vần chữ cái. 
  2. Các dịch vụ cho thuê về nguyên tắc được phân cùng nhóm với dịch vụ được cung cấp bởi phương tiện cho thuê (ví dụ: “Cho thuê điện thoại” sẽ thuộc dịch vụ Nhóm 38). 
  3. Các dịch vụ cung cấp tư vấn, thông tin về nguyên tắc được phân loại vào cùng nhóm với các dịch vụ tương ứng với lĩnh vực tư vấn, thông tin [ví dụ: Tư vấn về giao thông (Nhóm 39), tư vấn quản lý kinh doanh (Nhóm 35), tư vấn tài chính (nhóm 36), tư vấn làm đẹp (nhóm 44)]. 
  4. Việc tiến hành các dịch vụ tư vấn, thông tin bằng các phương tiện điện tử (ví dụ: điện thoại, máy tính…) sẽ không làm ảnh hưởng đến nguyên tắc phân loại trên. 
  5. Các dịch vụ được cung cấp trong khuôn khổ nhượng quyền thương mại về nguyên tắc được phân loại cùng loại với các dịch vụ cụ thể do bên nhượng quyền cung cấp (ví dụ: tư vấn kinh doanh liên quan đến nhượng quyền (Nhóm 35), dịch vụ tài chính liên quan đến nhượng quyền (Nhóm 36), dịch vụ pháp lý liên quan đến nhượng quyền thương mại (Nhóm 45). 

6. Tóm lược các nhóm hàng hóa và dịch vụ của Bảng phân loại Nice (Ni-xơ) 

 Hàng hóa:  

  • Nhóm 1: Hóa chất dùng trong công nghiệp, khoa học, nhiếp ảnh, cũng như trong nông nghiệp, nghề làm vườn và lâm nghiệp; Nhựa nhân tạo dạng thô, chất dẻo dạng thô; Hợp phần chữa cháy và phòng cháy; Chế phẩm dùng để tôi, ram và hàn kim loại; Chất để thuộc da sống và da động vật; Chất dính dùng trong công nghiệp; Mát tít và các loại bột nhão bít kín khác; Phân ủ, phân chuồng, phân bón; Chế phẩm sinh học dùng trong công nghiệp và khoa học. 
  • Nhóm 2: Sơn, véc-ni, sơn mài; Chất chống rỉ và chất bảo quản gỗ; Chất nhuộm màu, màu nhuộm; Mực để in, đánh dấu và chạm khắc; Nhựa tự nhiên dạng thô; Kim loại dạng lá và dạng bột để sử dụng trong hội họa, trang trí, nghề in và nghệ thuật. 
  • Nhóm 3: Mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh không chứa thuốc; Chế phẩm đánh răng không chứa thuốc; Nước hoa, tinh dầu; Chế phẩm tẩy trắng và các chất khác dùng để giặt; Chế phẩm để tẩy rửa, đánh bóng, tẩy dầu mỡ và mài mòn. 
  • Nhóm 4: Dầu và mỡ công nghiệp, sáp; Chất bôi trơn; Chất để thấm hút, làm ướt và làm dính bụi; Nhiên liệu và vật liệu cháy sáng; Nến và bấc dùng để thắp sáng. 
  • Nhóm 5: Các chế phẩm dược, y tế và thú y; Chế phẩm vệ sinh dùng cho mục đích y tế; Thực phẩm và chất dinh dưỡng phù hợp cho việc sử dụng trong y tế hoặc thú y, thực phẩm cho em bé; Chất bổ sung ăn kiêng cho người và động vật; Cao dán, vật liệu dùng để băng bó; Vật liệu để hàn răng, sáp nha khoa; Chất tẩy uế; Chất diệt động vật có hại; Chất diệt nấm, chất diệt cỏ. 
  • Nhóm 6: Kim loại thường và quặng, hợp kim của chúng; Vật liệu xây dựng bằng kim loại; Cấu kiện bằng kim loại vận chuyển được; Cáp và dây kim loại thường không dùng để dẫn điện; Hàng ngũ kim và các vật dụng nhỏ làm bằng sắt; Đồ chứa đựng bằng kim loại để lưu giữ hoặc vận chuyển; Két sắt. 
  • Nhóm 7: Máy, máy công cụ, dụng cụ vận hành bằng điện; Ðộng cơ và đầu máy, trừ loại dùng cho phương tiện giao thông trên bộ; Các bộ phận ghép nối và truyền động, trừ loại dùng cho phương tiện giao thông trên bộ; Nông cụ, trừ loại dụng cụ cầm tay thao tác thủ công; Máy ấp trứng; Máy bán hàng tự động. 
  • Nhóm 8: Công cụ và dụng cụ cầm tay thao tác thủ công; Dao, kéo, thìa và dĩa; Vũ khí đeo cạnh sườn, trừ súng cầm tay; Dao cạo. 
  • Nhóm 9: Thiết bị và dụng cụ khoa học, nghiên cứu, hàng hải, trắc địa, nhiếp ảnh, điện ảnh, nghe nhìn, quang học, cân, đo, báo hiệu, dò tìm, kiểm tra, giám sát, cấp cứu và giảng dạy; Thiết bị và dụng cụ dùng để truyền dẫn, chuyển mạch, biến đổi, tích, điều chỉnh hoặc điều khiển sự phân phối hoặc sử dụng năng lượng điện; Thiết bị hoặc dụng cụ dùng để ghi, truyền, tái tạo hoặc xử lý âm thanh, hình ảnh hoặc dữ liệu; Các phương tiện chứa dữ liệu và có thể tải xuống được, phần mềm máy tính, các phương tiện ghi và lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số hoặc tương tự chưa có dữ liệu; Cơ cấu cho thiết bị vận hành bằng đồng xu; Máy tính tiền, máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính; Bộ quần áo lặn, mặt nạ lặn, tai nghe dùng cho thợ lặn, kẹp mũi dùng cho thợ lặn và người bơi lội, găng tay dùng cho thợ lặn, thiết bị thở dùng để bơi; Thiết bị dập lửa. 
  • Nhóm 10: Thiết bị và dụng cụ phẫu thuật, y tế, nha khoa và thú y; Chân, tay, mắt và răng giả; Dụng cụ chỉnh hình; Vật liệu khâu vết thương; Thiết bị trợ giúp và trị liệu dùng cho người tàn tật; Thiết bị xoa bóp; Thiết bị, dụng cụ và vật dụng để chăm sóc trẻ sơ sinh; Thiết bị, dụng cụ và vật dụng kích thích hoạt động tình dục. 
  • Nhóm 11: Thiết bị và hệ thống để chiếu sáng, sưởi nóng, làm mát, sinh hơi nước, nấu nướng, sấy khô, thông gió, cấp nước và dùng cho mục đích vệ sinh. 
  • Nhóm 12: Xe cộ; Phương tiện giao thông trên bộ, trên không hoặc dưới nước. 
  • Nhóm 13: Súng cầm tay; Đạn dược và đầu đạn; Chất nổ; Pháo hoa. 
  • Nhóm 14: Kim loại quý và hợp kim của chúng; Ðồ trang sức, đồ kim hoàn, đá quý và bán quý; Ðồng hồ và dụng cụ đo thời gian. 
  • Nhóm 15: Dụng cụ âm nhạc; Giá để bản nhạc và giá giữ nhạc cụ; Que để đánh nhịp của nhạc trưởng. 
  • Nhóm 16: Giấy, bìa cứng; Ấn phẩm; Vật liệu để đóng sách; Ảnh chụp; Văn phòng phẩm và đồ dùng văn phòng, trừ đồ đạc; Keo dán dùng cho văn phòng hoặc dùng cho mục đích gia dụng; Vật liệu dùng để vẽ và vật liệu dùng cho nghệ sĩ; Bút lông; Ðồ dùng để hướng dẫn và giảng dạy; Tấm, màng mỏng, túi bằng chất dẻo dùng để bọc và bao gói; Chữ in, bản in đúc (clisê). 
  • Nhóm 17: Cao su, nhựa pec-ca, gôm, amiang, mi-ca bán thành phẩm và chưa xử lý và các vật liệu thay thế cho những vật liệu này; Chất dẻo và nhựa ở dạng đùn ép, sử dụng trong sản xuất; Vật liệu để bao gói, bịt kín và cách ly; Ống mềm phi kim loại. 
  • Nhóm 18: Da và giả da; Da động vật và da sống; Túi hành lý và túi xách; Ô và dù; Gậy chống đi bộ; Roi ngựa và yên cương; Vòng cổ, dây buộc và trang phục cho động vật. 
  • Nhóm 19: Vật liệu, không bằng kim loại, dùng trong xây dựng; Ống cứng, phi kim loại, dùng cho xây dựng; Asphan, hắc ín, nhựa đường và bitum; Công trình xây dựng vận chuyển được, phi kim loại; Ðài kỷ niệm, phi kim loại. 
  • Nhóm 20: Ðồ đạc, gương, khung tranh; Thùng chứa, không bằng kim loại, dùng để lưu trữ hoặc vận chuyển; Xương, sừng, phiến sừng ở hàm cá voi hoặc xà cừ dạng thô hoặc bán thành phẩm; Vỏ sò, vỏ ốc; Đá bọt; Hổ phách vàng. 
  • Nhóm 21: Dụng cụ và đồ chứa dùng cho gia đình hoặc bếp núc; Dụng cụ nấu nướng và bộ đồ ăn, trừ dĩa, dao và thìa; Lược và bọt biển; Bàn chải, không kể bút lông;  Vật liệu dùng để làm bàn chải; Ðồ lau dọn; Thuỷ tinh thô hoặc bán thành phẩm, trừ kính xây dựng; Ðồ thuỷ tinh, sành, sứ và đất nung. 
  • Nhóm 22: Dây và dây thừng; Lưới; Lều (trại) và vải dầu/vải nhựa/vải bạt; Mái che bằng chất liệu dệt hoặc tổng hợp; Buồm; Bao bì đựng để vận chuyển và lưu giữ nguyên liệu dạng rời; Vật liệu để đệm (lót) và nhồi, trừ giấy, bìa cứng, cao su hoặc chất dẻo; Vật liệu sợi dệt dạng thô và vật liệu thay thế chúng. 
  • Nhóm 23: Các loại sợi dùng để dệt. 
  • Nhóm 24: Vải và hàng dệt; Vải lanh dùng trong nhà; Rèm che bằng vải dệt hoặc bằng chất dẻo. 
  • Nhóm 25: Quần áo, đồ đi chân, đồ đội đầu. 
  • Nhóm 26: Ðăng ten, dải và đồ để thêu trang trí, ruy băng và nơ dùng để may vá; Khuy, ghim móc và khuyết, kẹp và kim khâu; Hoa nhân tạo; Đồ trang trí cho tóc; Tóc giả. 
  • Nhóm 27: Thảm, chiếu, thảm chùi chân, vải sơn và các vật liệu trải sàn khác, giấy dán tường, không dệt. 
  • Nhóm 28: Trò chơi, đồ chơi; Thiết bị chơi trò chơi video; Dụng cụ thể dục thể thao; Ðồ trang hoàng cây Noel. 
  • Nhóm 29: Thịt, cá, gia cầm và thú săn; Chất chiết ra từ thịt; Rau, quả được bảo quản, phơi khô hoặc nấu chín; Nước quả nấu đông, mứt ướt, mứt quả ướt; Trứng; Sữa, pho mát, bơ, sữa chua và các sản phẩm sữa khác; Dầu thực vật và mỡ dùng cho thực phẩm. 
  • Nhóm 30: Cà phê, chè, ca cao và cà phê nhân tạo; Gạo, mì sợi và mì ống; Bột sắn và bột cọ; Bột và chế phẩm làm từ ngũ cốc; Bánh mì, bánh ngọt và bánh kẹo; Sô cô la; Kem, kem trái cây và các loại đá lạnh khác ăn được; Đường, mật ong, nước mật đường; Men, bột nở; Muối, gia vị, thảo mộc đã bảo quản; Dấm, nước xốt và các loại gia vị khác; Kem (nước đông lạnh). 
  • Nhóm 31: Các sản phẩm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm vườn và lâm nghiệp dạng thô và chưa xử lý; Các loại ngũ cốc và hạt dạng thô và chưa xử lý; Rau, củ và quả tươi, thảo mộc tươi; Cây và hoa tự nhiên; Củ, cây con và hạt giống để trồng; Động vật sống; Thức ăn và đồ uống cho động vật; Mạch nha. 
  • Nhóm 32: Bia; Đồ uống không có cồn; Nước khoáng và nước ga; Ðồ uống hoa quả và nước ép hoa quả; Xi-rô và các chế phẩm không có cồn khác để làm đồ uống. 
  • Nhóm 33: Ðồ uống có cồn, trừ bia; Các chế phẩm có cồn dùng để làm đồ uống. 
  • Nhóm 34: Thuốc lá và các sản phẩm thay thế thuốc lá; Thuốc lá điếu và xì gà; Thuốc lá điện tử và bình sinh hơi cho người hút thuốc; Vật dụng cho người hút thuốc; Diêm. 

Nhóm dịch vụ: 

  • Nhóm 35: Quảng cáo; Quản lý, tổ chức và quản trị kinh doanh; Hoạt động văn phòng. 
  • Nhóm 36: Dịch vụ tài chính, tiền tệ và ngân hàng; Dịch vụ bảo hiểm; Bất động sản. 
  • Nhóm 37: Dịch vụ xây dựng; Dịch vụ lắp đặt và sửa chữa; Dịch vụ khai thác mỏ, khoan dầu và khí. 
  • Nhóm 38: Dịch vụ viễn thông. 
  • Nhóm 39: Vận tải; Ðóng gói và lưu giữ hàng hoá; Du lịch. 
  • Nhóm 40: Xử lý vật liệu; Tái chế chất thải và rác thải; Lọc không khí và xử lý nước; Dịch vụ in ấn; Bảo quản thực phẩm và đồ uống. 
  • Nhóm 41: Giáo dục; Ðào tạo; Giải trí; Tổ chức các hoạt động thể thao và văn hoá. 
  • Nhóm 42: Dịch vụ khoa học và công nghệ và nghiên cứu và thiết kế liên quan đến chúng; Dịch vụ nghiên cứu công nghiệp, dịch vụ phân tích công nghiệp và dịch vụ thiết kế công nghiệp; Dịch vụ kiểm soát và xác thực chất lượng; Thiết kế và phát triển phần cứng và phần mềm máy tính. 
  • Nhóm 43: Dịch vụ cung cấp thực phẩm và đồ uống; Chỗ ở tạm thời. 
  • Nhóm 44: Dịch vụ y tế; Dịch vụ thú y; Chăm sóc vệ sinh và sắc đẹp cho người hoặc động vật; Dịch vụ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ làm vườn và dịch vụ lâm nghiệp. 
  • Nhóm 45: Dịch vụ pháp lý; Dịch vụ an ninh thực thể nhằm bảo vệ người và tài sản hữu hình; Dịch vụ cá nhân và xã hội được cung cấp bởi người khác để phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của cá nhân. 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Sở hữu trí tuệ và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.