Thủ tục xử lý vi phạm nhãn hiệu tại Trung Quốc

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế diễn ra ngày càng sôi động, việc xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trở thành một trong những vấn đề đáng lo ngại mà mọi doanh nghiệp phải đối mặt để bảo vệ quyền và lợi ích tối đa cho hoạt động kinh doanh của mình. Là một quốc gia nơi có ngành công nghiệp và thị trường phát triển mạnh mẽ, Trung Quốc đã xây dựng và thực thi một hệ thống thủ tục xử lý vi phạm nhãn hiệu chặt chẽ và nghiêm minh. Bài viết này nhằm giới thiệu một số thủ tục xử lý vi phạm đối với nhãn hiệu tại Trung Quốc để người đọc có được cái nhìn khái quát về các cách thức bảo vệ nhãn hiệu của mình trong môi trường thương mại quốc tế tại đất nước tỷ dân. 

Thủ tục xử lý vi phạm nhãn hiệu tại Trung Quốc

1. Các biện pháp xử lý vi phạm nhãn hiệu tại Trung Quốc và thủ tục áp dụng

Pháp luật Trung Quốc hiện hành cho phép thực hiện 03 phương thức chính sau đây nhằm xử lý hành vi vi phạm đối với nhãn hiệu, bao gồm:  

  • Biện pháp hành chính;
  • Biện pháp dân sự;  
  • Biện pháp hình sự.  

Tùy thuộc vào từng đối tượng áp dụng mà mỗi biện pháp có những đặc điểm, thủ tục xử lý khác nhau. 

1.1. Biện pháp hành chính 

Biện pháp hành chính là hình thức xử lý vi phạm đối với nhãn hiệu phổ biến tại Trung Quốc nhờ tính hiệu quả về chi phí, thời gian cũng như tính ràng buộc về mặt pháp lý tương đối cao đối với các bên liên quan. Một trong những cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý vi phạm đối với nhãn hiệu tại Trung Quốc là Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường (AMR) và các cơ quan trực thuộc tại địa phương. 

Về mặt thủ tục, bên bị xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nộp đơn yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp hành chính và các bằng chứng về quyền của mình đối với nhãn hiệu bị xâm phạm tới cơ quan hành chính địa phương. Cơ quan hành chính dựa trên cơ sở đơn yêu cầu sẽ xem xét áp dụng/không áp dụng các biện pháp theo quy định pháp luật để phục vụ công tác điều tra, chẳng hạn như: kiểm tra và/hoặc sao chép các tài liệu liên quan, niêm phong và/hoặc thu giữ các sản phẩm bị nghi ngờ là hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu. Nếu kết quả điều tra cho thấy có tồn tại hành vi vi phạm, cơ quan này sẽ áp đặt các hình thức xử lý lên bên vi phạm (ví dụ như hình phạt tiền, hình phạt cấm sản xuất một mặt hàng nhất định trong một khoảng thời gian, v.v.). Việc yêu cầu áp dụng biện pháp hành chính kéo dài trung bình từ 03 đến 06 tháng và có thể tốn khoảng 20.000 đến 50.000 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 68.000.000 đến 170.000.000 Việt Nam đồng). 

1.2. Biện pháp dân sự  

Biện pháp dân sự hay còn gọi là khởi kiện vụ án dân sự, thường được sử dụng nhằm mục đích yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn thiệt hại lớn hơn có thể xảy ra. Quá trình áp dụng biện pháp này tương đối mất thời gian và tốn kém nhiều chi phí, song quyết định của tòa án có tính cưỡng chế thực thi cao đối với bên thực hiện hành vi vi phạm, từ đó giảm thiểu rủi ro nhãn hiệu bị xâm phạm trong tương lai. Kể cả khi vụ án không được đưa ra xét xử, nếu tòa án đã quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, thiệt hại cũng phần nào được giảm thiểu.  

Về mặt thủ tục, quá trình khởi kiện và giải quyết vụ án dân sự liên quan đến nhãn hiệu có thể kéo dài khoảng 12 tháng. Thủ tục khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định về tố tụng dân sự tại Trung Quốc. Tuy nhiên, một trong những điểm cần lưu ý trong quá trình khởi kiện là việc thu thập chứng cứ chứng minh sự tồn tại của hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu trong thị trường. Như đã đề cập ở trên, bằng chứng được tòa án Trung Quốc chấp nhận chỉ khi bằng chứng đó được công chứng/chứng thực.  

Vì vậy, trong một số trường hợp khi không có/không đủ bằng chứng hợp pháp, bên khởi kiện có thể yêu cầu tòa án ra Lệnh Bảo Toàn Bằng Chứng (tiếng Anh: Evidence Perservation Order – EPO) nhằm niêm phong và/hoặc chụp ảnh hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu tại cơ sở sản xuất của bên vi phạm làm bằng chứng, đồng thời thu thập bản sao của báo cáo kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu thương mại khác để phục vụ việc giải quyết vụ việc. Bên yêu cầu áp dụng, hay bên có nhãn hiệu bị xâm phạm, sẽ phải chịu phí bảo đảm từ việc áp dụng lệnh trên từ khoảng 20.000 cho đến 1.000.000 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 68.000.000 đến 3.400.000.000 Việt Nam đồng), tùy thuộc vào yêu cầu của từng tòa án và khối lượng hàng hóa liên quan.  

Mặt khác, trong trường hợp đã thu thập đủ chứng cứ, bên bị xâm phạm có thể yêu cầu tòa án ra Lệnh Bảo Toàn Tài Sản (tiếng Anh: Asset Preservation Order – APO) nhằm niêm phong tài khoản ngân hàng và/hoặc các tài sản khác của bên vi phạm để ngăn chặn thiệt hại lớn hơn có thể xảy ra. Tương tự như EPO, APO cũng yêu cầu bên bị xâm phạm chịu một khoản phí bảo đảm. Khoản phí này sẽ được giữ lại cho đến khi vụ việc được giải quyết. 

1.3. Biện pháp hình sự  

Khi hành vi vi phạm đối với nhãn hiệu có thể cấu thành tội phạm được quy định tại các Điều 213, 214 và 215 Luật Hình sự Trung Quốc, hình phạt hình sự có thể được áp dụng lên bên thực hiện hành vi vi phạm. Đây là biện pháp có tính cưỡng chế thực hiện, song đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực và chi phí để áp dụng.  

Về mặt thủ tục, có 03 cách thức để yêu cầu áp dụng hình phạt hình sự đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu, cụ thể: 

  • Chủ thể của quyền Sở hữu trí tuệ báo cáo lên Bộ Công an; 
  • Một cơ quan hành chính chuyển vụ việc tới cơ quan hình sự với nghi ngờ rằng thiệt hại gây ra vượt quá khung hình phạt hành chính; 
  • Chủ sở hữu nhãn hiệu tự khởi kiện vụ án hình sự (trường hợp này không phổ biến do không đủ bằng chứng hợp lệ). 

Khi đó, Bộ Công an sẽ quyết định chấp thuận/không chấp thuận giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp chấp thuận, Bộ Công an sẽ tiến hành thu thập chứng cứ và chuyển vụ án cho cơ quan khởi tố để tiếp tục giải quyết.  

2. Một số chú ý lưu ý trong quá trình thực hiện thủ tục xử lý vi phạm đối với nhãn hiệu tại Trung Quốc 

Bên bị xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu có thể cân nhắc áp dụng đồng thời biện pháp hành chính và biện pháp dân sự để tăng hiệu quả giải quyết hành vi vi phạm. Tòa án có thể dựa vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính để đưa ra quyết định có lợi cho bên bị xâm phạm.  

Ngoài ra, trong trường hợp nhãn hiệu xâm phạm được đăng ký bảo hộ, bên bị xâm phạm có quyền yêu cầu Ban Giải quyết tranh chấp Nhãn hiệu thuộc Tổng cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc ra quyết định hủy bỏ nhãn hiệu đã đăng ký đó trong vòng một năm kể từ ngày phê duyệt đăng ký nhãn hiệu theo quy định tại Điều 27 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc.  

 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở Hữu Trí Tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.