Ký ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

1. Các trường hợp hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ

Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp.

Trong đó, Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN quy định chi tiết những trường hợp cụ thể văn bằng bảo hộ sáng chế bị hủy bỏ hiệu lực do sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 96 của Luật Sở hữu trí tuệ và văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị hủy bỏ hiệu lực do người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 96 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Văn bằng bảo hộ sáng chế bị huỷ bỏ hiệu lực khi người nộp đơn bổ sung dấu hiệu kỹ thuật, thông tin không thể xác định được một cách trực tiếp và rõ ràng từ phần mô tả ban đầu và/hoặc yêu cầu bảo hộ ban đầu, các dấu hiệu kỹ thuật liên quan đến thông số về kích thước thu được bằng cách đo thông số về kích thước trên các hình vẽ, bản mô tả chi tiết và thành phần không được đề cập đến trong bản mô tả ban đầu của đơn dẫn đến những hiệu quả và/hoặc tác dụng đặc biệt không có trong đơn ban đầu, những hiệu quả và/hoặc tác dụng (lợi ích) mà người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng không thể xác định được từ đơn ban đầu, nội dung mới bằng cách thay đổi các nội dung không xác định thành các nội dung xác định và cụ thể; người nộp đơn thay đổi dấu hiệu kỹ thuật của yêu cầu bảo hộ mà thay đổi không được bộc lộ hay được xác định một cách trực tiếp và rõ ràng từ hay khác với đơn/bản mô tả ban đầu; người nộp đơn đưa vào nội dung mới bằng cách thay đổi các nội dung không xác định thành các nội dung xác định và cụ thể, kết hợp các dấu hiệu kỹ thuật riêng biệt của đơn ban đầu lại thành một dấu hiệu kỹ thuật mới trong khi mối quan hệ giữa các dấu hiệu kỹ thuật này không được bộc lộ trong đơn ban đầu hoặc loại bỏ một dấu hiệu kỹ thuật ra khỏi điểm yêu cầu bảo hộ mà cần thiết đối với đối tượng yêu cầu bảo hộ để đạt được mục đích đề ra và/hoặc việc loại bỏ này làm thay đổi dấu hiệu kỹ thuật này hoặc dấu hiệu kỹ thuật khác.

Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị huỷ bỏ hiệu lực khi người nộp đơn biết hoặc có cơ sở để biết nhãn hiệu mình đăng ký trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với một nhãn hiệu đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam hoặc nhãn hiệu nổi tiếng tại các nước khác cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự tại thời điểm nộp đơn và việc nộp đơn này nhằm lợi dụng danh tiếng, uy tín của nhãn hiệu đó nhằm thu lợi, bán lại, cấp phép, chuyển giao quyền đăng ký, ngăn chặn khả năng gia nhập thị trường, thực hiện hành vi trái với tập quán thương mại lành mạnh khác.

2. Quy trình xử lý ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Quy trình xử lý ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp theo Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN yêu cầu có sự phản hồi của của người nộp đơn đối với ý kiến phản đối và của người phản đối đối với ý kiến phản hồi của người nộp đơn, thời hạn ấn định cho mỗi bên là 02 tháng. Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến phản đối và thông báo kết quả xử lý dựa trên chứng cứ, lập luận, kết quả đối thoại,… giữa hai bên.

Lưu ý, ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt. Tài liệu kèm theo ý kiến phản đối có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi có yêu cầu.

3. Sử dụng kết quả thẩm định nội dung đăng ký sáng chế của cơ quan sáng chế nước ngoài

Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN quy định một số trường hợp mà kết quả thẩm định nội dung đăng ký sáng chế của cơ quan sáng chế nước ngoài có thể được sử dụng như: Cục Sở hữu trí tuệ có thể tham khảo trong quá trình thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế hoặc người nộp đơn có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả thẩm định nội dung của một đơn sáng chế nộp ở nước ngoài để đánh giá khả năng bảo hộ nếu đáp ứng một số điều kiện theo luật định.

Tải Bản tin pháp lý bản PDF tại đây.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.