Trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, của cá nhân, bên cạnh những yếu tố về chi phí và lợi nhuận thì nhãn hiệu cũng là một trong số nhiều yếu tố khác mà không chỉ doanh nghiệp mà cả những cá nhân kinh doanh cần phải chú trọng đến ngay từ khi thực hiện những công việc đầu tiên của hoạt động kinh doanh. Bởi lẽ, nhãn hiệu có thể gắn với sản phẩm, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, của cá nhân trong một khoảng thời gian dài, và cũng có thể sẽ mang trong mình danh tiếng của doanh nghiệp, của cá nhân đó. Do vậy, việc chú trọng đến đăng ký nhãn hiệu ngay từ giai đoạn đầu của hoạt động kinh doanh là một điều vô cùng quan trọng và cần thiết.
1. Định nghĩa về nhãn hiệu
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019 (SHTT), thì có thể hiểu nhãn hiệu[1] là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ do một doanh nghiệp, cá nhân sản xuất hoặc cung cấp với hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, cá nhân khác. Nhãn hiệu cần có khả năng phân biệt, và giúp người tiêu dùng phân biệt được một sản phẩm (một hàng hóa hoặc dịch vụ) với một sản phẩm giống hoặc tương tự do các doanh nghiệp, cá nhân khác cung cấp.
2. Phân loại nhãn hiệu
Hiện nay, về cơ bản, nhãn hiệu có thể được phân thành hai loại, đó là nhãn hiệu dùng cho hàng hóa và nhãn hiệu dùng cho dịch vụ. Nhãn hiệu hàng hóa là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh khác nhau nhằm mục đích cung cấp thông tin đơn vị, tổ chức nào là đơn vị, tổ chức sản xuất ra những loại hàng hóa đó. Tương tự, nhãn hiệu dịch vụ được sử dụng để phân biệt dịch vụ do tổ chức, cá nhân cung cấp với các tổ chức, cá nhân khác. Hai nhãn hiệu này có thể phân thành các loại nhãn hiệu cụ thể khác theo quy định của Luật SHTT: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết (đã loại bỏ trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ 01/01/2023) và nhãn hiệu nổi tiếng.
Nhãn hiệu tập thể: dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.[2]
Nhãn hiệu chứng nhận: là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.[3] Ví dụ như tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000 được công nhận trên toàn thế giới là loại nhãn hiệu chứng nhận.
Nhãn hiệu liên kết: là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.[4] Nhãn hiệu liên kết tạo sự yên tâm cho người sử dụng sản phẩm, dịch vụ bởi nó có mối liên kết với các sản phẩm, dịch vụ họ đã sử dụng trước đây.
Nhãn hiệu nổi tiếng: là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.[5] Nhãn hiệu nổi tiếng khác với nhãn hiệu thông thường là ở danh tiếng trong bộ phận người tiêu dùng, được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, và đã có một số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ hoặc thông qua quảng cáo…
3. Quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu
Chủ sở hữu có các quyền sau:
- Quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu[6];
- Ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu[7];
- Quyền chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu[8]
- Quyền chuyển nhượng nhãn hiệu[9]
- Quyền tự bảo vệ[10], bao gồm:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật;
- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
4. Tầm quan trọng của đăng ký nhãn hiệu trong kinh doanh
Lợi ích đầu tiên mà có thể dễ dàng nhận thấy được việc đăng ký nhãn hiệu chính là việc giúp khách hàng, người tiêu dùng có thể phân biệt sản phẩm của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh này với sản phẩm tương tự của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh khác có trên thị trường.
Bên cạnh đó, đăng ký nhãn hiệu đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển sản phẩm và tiếp thị sản phẩm của các doanh nghiệp, góp phần xây dựng hình ảnh và danh tiếng sản phẩm của doanh nghiệp trong con mắt người tiêu dùng. Hình ảnh và danh tiếng của sản phẩm tạo niềm tin, làm cơ sở để hình thành và nâng cao danh tiếng của doanh nghiệp. Trong quá trình sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp, người tiêu dùng thường sẽ có xu hướng sử dụng lại nhiều lần sản phẩm của doanh nghiệp đó nếu họ cảm thấy hài lòng. Do vậy, nhãn hiệu có thể được xem như một yếu tố giúp người tiêu dùng có thể nhận diện được sản phẩm của doanh nghiệp mà họ muốn sử dụng.
Ngoài ra, khi doanh nghiệp đưa ra thị trường một loại sản phẩm mới, dựa trên danh tiếng của doanh nghiệp đã được xây dựng thông qua các sản phẩm trước đây, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận diện được sản phẩm mới này là của doanh nghiệp nào thông qua nhãn hiệu, điều này một phần nào đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng về loại sản phẩm mới này, và họ có thể sẵn sàng sử dụng thử loại sản phẩm mới này của doanh nghiệp mà họ tin tưởng. Về phía doanh nghiệp, đăng ký nhãn hiệu cũng tạo ra một động lực khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm của mình nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm mang nhãn hiệu của họ có một danh tiếng tốt.
Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.
[1] Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019
[2] Khoản 17 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019
[3] Khoản 18 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019
[4] Khoản 19 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019
[5] Khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019
[6] Điểm a khoản 1 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019
[7] Điểm b khoản 1 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019
[8] Mục 1 Chương X Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019
[9] Mục 1 Chương X Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019
[10] Khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019