Startup: 5 vấn đề pháp lý phải cân nhắc trước khi khởi nghiệp

Startup: 5 vấn đề pháp lý phải cân nhắc trước khi khởi nghiệp

Một cá nhân khi dự định khởi nghiệp thì cần quan tâm đến 5 vấn đề sau: 

1. Lĩnh vực kinh doanh

Cá nhân trước khi quyết định khởi nghiệp cần xác định cụ thể ngành nghề, lĩnh vực sẽ kinh doanh. Đây chính là yếu tố đầu tiên cần xem xét trước khi khởi nghiệp. Để lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp, cá nhân khởi nghiệp có thể dựa vào kinh nghiệm bản thân, nhu cầu thị trường, mối quan hệ hiện có để lựa chọn và xác định được ngành nghề kinh doanh phù hợp.

2. Vốn

Sau khi xác định được lĩnh vực kinh doanh, cá nhân khởi nghiệp cần xem xét các chi phí cần thiết cho việc vận hành 1 công ty để từ đó xác định được mức vốn phù hợp để có thể đầu tư vào Công ty và duy trì hoạt động Công ty trong khoảng thời gian nhất định (từ 6 tháng đến 1 năm). Cụ thể cá nhân khởi nghiệp cần xem xét các chi phí sau:

  • Chi phí mặt bằng,
  • Chi phí người lao động;
  • Chi phí marketing;
  • Chi phí đầu tư các thiết bị, máy móc, văn phòng phẩm… phục vụ cho hoạt động kinh doanh;
  • Chi phí mua nguyên vật liệu đầu vào;
  • Các chi phí cần thiết khác liên quan đến nhóm lĩnh vực kinh doanh đã chọn.

3. Đối tượng hợp tác khởi nghiệp 

Sau khi xác định được lĩnh vực, mức vốn cần có để đầu tư thành lập Công ty, cá nhân khởi nghiệp cần xem xét sẽ hợp tác với 1 nhóm người (bạn bè, đồng nghiệp, quan hệ gia đình …) hay khởi nghiệp độc lập.

Việc hợp tác cùng nhau khởi nghiệp sẽ giúp cho cá nhân có thể nguồn tài chính để vận hành công ty trong trường hợp cá nhân không đủ năng lực tài chính tại thời điểm khởi nghiệp. Bên cạnh đó, việc hợp tác sẽ giúp điều hành công ty được tốt hơn thông qua việc phân quyền và trách nhiệm của mỗi người. 

Tuy nhiên, việc hợp tác cần xem xét kỹ lưỡng, và lựa chọn đối tượng hợp tác phù hợp. các cá nhân có thể sẽ không cùng quan điểm, định hướng kinh doanh, sẽ dẫn đến việc xảy ra mâu thuẫn trong quá trình vận hành công ty. Điều này cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của Công ty.

Do đó, vấn đề này cần được xem xét trước khi bắt đầu hợp tác cùng nhau khởi nghiệp. 

4. Loại hình công ty

Hiện nay, các chủ doanh nghiệp thường lựa chọn loại hình công ty phổ biến sau:

  • Công ty TNHH 1 thành viên: sẽ được lựa chọn trong trường hợp cá nhân khởi nghiệp độc lập. Đối với loại hình này, cá nhân khởi nghiệp sẽ trở thành chủ sở hữu Công ty có toàn quyền quyết định tất cả các vấn đề trong Công ty.
  • Công ty TNHH 2 thành viên trở lên: sẽ được xem xét lựa chọn trong trường hợp cá nhân khởi nghiệp hợp tác với nhiều người để cùng điều hành Công ty. Các thành viên sau khi đã góp đủ vốn sẽ trở thành thành viên công ty, không được quyền rút vốn. Trong trường hợp một trong các thành viên góp vốn muốn chuyển nhượng phần vốn của mình cho người khác mà không phải các thành viên còn lại thì phải được Hội đồng thành viên thông qua. Điều này nhằm ràng buộc sự duy trì các thành viên góp vốn và hạn chế phát sinh tranh chấp khi có thành viên mới mà không cùng định hướng, quan điểm đối với các thành viên còn lại.

Số lượng thành viên góp vốn của mô hình này cũng sẽ giới hạn không quá 50 thành viên.

  • Công ty cổ phần: sẽ được xem xét lựa chọn trong trường hợp cá nhân khởi nghiệp hợp tác với nhiều người để cùng điều hành Công ty. Đối với loại hình này, việc huy động vốn, chuyển nhượng vốn của các cổ đông rất dễ dàng và linh động. Các cổ đông sáng lập sau 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ được tư do chuyển nhượng vốn cho các cổ đông hiện hữu cũng như cổ đông bên ngoài mà không cần thông qua ý kiến của Đại Hội Đồng Cổ Đông.

Mô hình này thích hợp để có thể kêu gọi đầu tư, huy động vốn.

Mỗi loại hình đều có ưu nhược điểm khác nhau, do đó, các cá nhân trước khi khởi nghiệp nên xem xét đến ưu nhược điểm của từng loại hình. Từ đó đưa ra quyết định để lựa chọn loại hình phù hợp nhất.

5. Cơ cấu tổ chức công ty 

Sau khi đã lựa chọn được loại hình công ty phù hợp, các thành viên/ cổ đông góp vốn cùng nhau xem xét cơ cấu tổ chức của từng loại hình để bầu/ bổ nhiệm từng người vào các chức danh phù hợp hoặc lựa chọn phương án thuê nhân sự có kinh nghiệm để đảm nhiệm việc điều hành Công ty.

Tóm lại, việc thành lập Công ty Việt Nam rất đơn giản và nhanh chóng, nhưng để vận hành công ty được thành công, các cá nhân trước khi khởi nghiệp cần suy xét và nghiên cứu kỹ các vấn đề nêu trên để tránh tình trạng rơi vào bế tắc hoặc thiệt hại khi không thể kiểm soát được chi phí, nhân sự cũng như mâu thuẫn nội bộ của các thành viên góp vốn.

Send Contact
Call Us
Zalo
This site is registered on wpml.org as a development site.