1. Ai có quyền thành lập doanh nghiệp?
Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14. Ngoại trừ, các trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp được quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
Việc thành lập doanh nghiệp có mục đích tạo ra một chủ thể tham gia vào các hoạt động dân sự, thương mại và lao động trên thị trường. Chủ thể này sẽ chịu trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ tài sản. Để đảm bảo thành công và trách nhiệm đối với doanh nghiệp, chủ thể cần phải đáp ứng các yếu tố về năng lực và điều kiện cần thiết. Sau đây là thông tin chi tiết về quyền thành lập doanh nghiệp đối với chủ thể cá nhân và chủ thể là tổ chức.
1.1. Chủ thể thành lập doanh nghiệp là cá nhân
Theo quy định tại Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14, mọi cá nhân không phân biệt quốc tịch và nơi cư trú, dù là người Việt Nam hoặc người nước ngoài đều có quyền thành lập, góp vốn vào doanh nghiệp. Cá nhân đó phải từ 18 tuổi trở lên và phải có đủ năng lực hành vi dân sự để chịu trách nhiệm đối với doanh nghiệp do mình thành lập hoặc góp vốn thành lập.
Đối với cá nhân là người nước ngoài lần đầu thành lập công ty tại Việt Nam, họ phải tuân thủ các thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để thành lập công ty. Trong trường hợp này, công ty do người nước ngoài thành lập sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật đầu tư.
Mỗi cá nhân chỉ có quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân, một hộ kinh doanh hoặc trở thành thành viên hợp danh của một công ty hợp danh (trừ trường hợp các thành viên hợp danh khác có thỏa thuận và quy định khác). Bên cạnh đó, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh hoặc công ty hợp danh vẫn có quyền thành lập hoặc tham gia góp vốn vào nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Ví dụ: Chủ thể thành lập doanh nghiệp là cá nhân 20 tuổi có thể tự mở cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm hoặc một nhà thiết kế đồ họa tự do lập công ty riêng.
1.2. Chủ thể thành lập doanh nghiệp là tổ chức
Theo quy định tại Điều 17, Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14, mọi tổ chức đều có quyền thành lập quản lý doanh nghiệp, các tổ chức này bao gồm cả doanh nghiệp trong nước (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn) lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và không phân biệt nơi đăng ký địa chỉ trụ sở chính.
Chủ thể thành lập doanh nghiệp là tổ chức phải có tư cách pháp nhân và tổ chức chỉ có thể đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp khi có tài sản độc lập và có khả năng chịu trách nhiệm độc lập bằng tài sản đó. Tài sản độc lập của tổ chức không chỉ giúp đảm bảo trách nhiệm tài chính, mà còn tạo ra cơ sở vững chắc để tổ chức tham gia các hoạt động kinh doanh và phát triển doanh nghiệp một cách bền vững và hiệu quả theo quy định của pháp luật. Điều này là phù hợp và logic khi luật pháp của nước ta quy định “có tài sản độc lập” là điều kiện bắt buộc của một pháp nhân.
Ví dụ: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM là một tổ chức – một trường đại học. Tuy nhiên, trường vẫn có quyền thành lập công ty trực thuộc, đó là công ty TNHH Khoa học và Du lịch Văn Khoa. Công ty vẫn có đầy đủ quyền hạn, chức năng và nghĩa vụ như mọi doanh nghiệp khác.
Đối với tổ chức nước ngoài lần đầu thành lập công ty tại Việt Nam thì phải tiến hành thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để thành lập công ty. Khi đó, công ty do tổ chức nước ngoài này thành lập sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật đầu tư.
2. Quyền thành lập doanh nghiệp
Căn cứ theo Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020, quyền thành lập doanh nghiệp có các quy định sau:
- Quyền tự do kinh doanh trong các lĩnh vực không bị nghiêm cấm bởi quy định của pháp luật.
- Quyền tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
- Quyền tự do trong việc lựa chọn hình thức và phương thức huy động, phân bổ, và sử dụng vốn kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Quyền tự do trong việc tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết các hợp đồng theo quy định của pháp luật.
- Quyền được phép thực hiện các hoạt động kinh doanh liên quan đến xuất khẩu và nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
- Quyền tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động: Quyền tự do trong việc tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
- Quyền chủ động áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.
- Quyền tự do trong việc chiếm hữu, sử dụng và quyết định về tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Quyền từ chối yêu cầu cung cấp nguồn lực không tuân theo quy định của pháp luật.
- Quyền khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3. Nghĩa vụ thành lập doanh nghiệp
Theo Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020, nghĩa vụ thành lập doanh nghiệp có các quy định sau:
- Đáp ứng các điều kiện cần thiết để đầu tư và kinh doanh trong các ngành, nghề và lĩnh vực có điều kiện; đảm bảo tiếp cận thị trường trong các ngành, lĩnh vực có yêu cầu đặc thù đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và duy trì đủ điều kiện này trong quá trình hoạt động kinh doanh.
- Thực hiện đầy đủ và kịp thời các nghĩa vụ liên quan đến việc đăng ký doanh nghiệp, tha đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cung cấp thông tin để công khai về việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.
- Chịu trách nhiệm về sự trung thực và chính xác của thông tin khai báo trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; nếu phát hiện thông tin đã được khai báo hoặc báo cáo không chính xác hoặc không đầy đủ, phải kịp thời sửa đổi hoặc bổ sung thông tin.
- Tổ chức công tác kế toán, đáp ứng các nghĩa vụ nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử, xâm phạm danh dự và nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không áp đặt, bắt buộc hoặc sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia các hoạt động đào tạo và nâng cao trình độ, kỹ năng theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
4. Điều kiện kinh tế khi thành lập doanh nghiệp
Tổ chức, cá nhân phải cung cấp các điều kiện vật chất cần thiết để phát triển kinh doanh như nhà xưởng, kho bãi, văn phòng, máy móc thiết bị để thành lập doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ của chủ đầu tư phải hoàn thành.
Trong đó, cơ sở đầu tư là sự cam kết vốn dưới hình thức tiền, hàng hóa bằng hiện vật hoặc các tài sản khác. Số vốn đầu tư được thành lập trong mỗi tổ chức rất khác nhau tùy thuộc vào ngành và khả năng tài chính của nhà đầu tư.
Trách nhiệm của các nhà đầu tư là xác định số tiền cần và đủ để doanh nghiệp có thể tồn tại, cạnh tranh và phát triển. Do thiếu khả năng cạnh tranh, những doanh nghiệp mắc sai lầm trong tính toán này có nguy cơ bị đào thải.
5. Điều kiện pháp lý khi thành lập doanh nghiệp
Nhà đầu tư phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý để nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điều kiện thành lập doanh nghiệp được quy định theo chế độ “tiền kiểm” hoặc “hậu kiểm” tùy vào nhu cầu và mục tiêu quản lý nhà nước tuỳ vào từng thời điểm.
Trước khi cung cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ sở sẽ tiến hành chế độ “tiền kiểm” để xác minh các điều kiện thành lập doanh nghiệp. Khi quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ xem xét hồ sơ “tiền kiểm” sau khi đã tiếp nhận và thẩm định đầy đủ hồ sơ liên quan đến quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo luật hiện hành, một số yêu cầu phải được đáp ứng trước khi có thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
“Hậu kiểm” là quá trình xác minh các yêu cầu mà doanh nghiệp phải đáp ứng sau khi đăng ký thành lập và đi vào hoạt động. Nhu cầu thực hiện chính sách hiện đại hóa quy trình hành chính để thành lập và đăng ký kinh doanh đã dẫn đến việc tạo ra chế độ “hậu kiểm”.
Ngoài các yếu tố kinh tế và pháp lý, việc thành lập doanh nghiệp cũng đòi hỏi tuân thủ một loạt các tiêu chuẩn và yêu cầu khác. Điều kiện thành lập doanh nghiệp bao gồm các khía cạnh như chủ thể đứng sau việc thành lập, lựa chọn ngành nghề, đặt tên cho doanh nghiệp, xác định địa chỉ trụ sở chính, quy mô vốn, cũng như việc chuẩn bị và nộp các hồ sơ cần thiết và các khoản lệ phí liên quan.
6. Các câu hỏi thường gặp về đối tượng thành lập doanh nghiệp
6.1. Ai không được thành lập doanh nghiệp?
Theo Điều 17, khoản 2, quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14. Các đối tượng không được thành lập doanh nghiệp bao gồm các cá nhân, tổ chức như: cơ quan nhà nước,cán bộ, công chức, viên chức, Sĩ quan, cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ nhà nước, người chưa thành niên,… không có quyền được thành lập doanh nghiệp.
6.2. Người nước ngoài có được thành lập công ty tại Việt Nam hay không?
Tại Khoản 1, Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014, quy định người nước ngoài vẫn được thành lập doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng các điều kiện về ngành nghề của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân là người nước ngoài có quyền tự mình quản lý hoặc thuê người khác quản lý hoạt động cho doanh nghiệp của mình.
6.3. Viên chức có được thành lập doanh nghiệp không?
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Họ chỉ có thể góp vốn mà không tham gia vào quản lý và điều hành các loại hình doanh nghiệp như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp có quy định khác.
Có thể thấy, việc xác định rõ ai có quyền thành lập doanh nghiệp, trước khi quyết định đầu tư kinh doanh vào ngành, lĩnh vực là vô cùng quan trọng. Trên đây là bài viết cung cấp các thông tin về đối tượng có quyền thành lập, thủ tục đăng ký thành lập và một số điều kiện thành lập doanh nghiệp mà bạn nên biết. Nếu bạn muốn giải đáp và hiểu thêm về quyền và điều kiện doanh nghiệp có thể liên hệ với Apolat Legal nhé!
Thông tin liên hệ:
- Địa chỉ
- HCM: Tầng 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hồ Chí Minh.
- Hà Nội: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
- Phone: 0911 357 447
- Email: info@apolatlegal.com
- Website: apolatlegal.com
Tham khảo các bài viết liên quan đến ai có quyền thành lập doanh nghiệp
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.