Quản trị tài sản trí tuệ

Theo nghiên cứu của Ocean Tomo về giá trị thị trường của S&P 500 (500 công ty có mức vốn hóa thị trường lớn nhất tại Mỹ) thì tỷ lệ giá trị tài sản vô hình và giá trị tài sản hữu hình trong tổng giá trị của doanh nghiệp có một quá trình đảo ngược từ năm 1975 đến 2015. Vào năm 1975 giá trị tài sản hữu hình chiếm 83% và giá trị tài sản vô hình chỉ chiếm 17% nhưng đến năm 2015 thì giá trị tài sản vô hình chiếm tới 87% giá trị thị trường của S&P 500 trong khi giá trị tài sản hữu hình chỉ là 13%. Chúng ta dễ hình dung nếu nhìn vào Google, Microsoft, Apple, Amazon,… 

Trong các hiệp định thương mại quốc tế, điều khoản được đàm phán nhiều nhất và lâu nhất đó là các điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ, từ việc xác lập đến việc thực thi, bảo vệ quyền này tại các quốc gia thành viên. Giờ đây, chúng ta hiểu rằng, công nghệ đã đang và ngày càng ảnh hưởng, tác động sâu rộng tới cuộc sống của mình. Người nắm công nghệ là người nắm tài sản, là người có quyền lực như cách chúng ta đang bàn luận hàng ngày về hành vi điều hướng người dùng của Facebook, Google… Bởi vậy, tài sản vô hình quan trọng thế nào chúng ta không cần mất thời gian để tranh cãi nữa.

Nhìn về lịch sử, Trung Quốc có một nền văn minh lâu đời và phát triển rực rỡ hàng ngàn năm, rất nhiều những phát minh vĩ đại có nguồn gốc từ Trung Quốc như thuốc súng, tiền giấy, đồng hồ cơ khí, la bàn,… tất cả những phát minh, sáng chế này đều mang tính nền tảng cho hàng loạt các bước tiến về khoa học, công nghệ sau này. Vậy nhưng, những cuộc cách mạng công nghiệp của thế giới đều diễn ra bắt nguồn từ phương tây, từ Âu – Mỹ chứ không phải Trung Quốc hay Châu Á chúng ta. 

Một trong nhưng nguyên nhân quan trọng đó là sự bảo vệ, trao quyền, lợi ích cho những người tạo ra phát minh, sáng chế đó. Nó chính là những quy định đầu tiên của pháp luật sở hữu trí tuệ. Trung Quốc thời kì phong kiến trở về trước luôn tìm cách giữ kín bí quyết kinh doanh của gia đình, dòng tộc, “cha truyền con nối”. Trong các bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc ta thấy rất rõ điều này, truyền thụ võ thuật tinh hoa luôn chỉ cho một đệ tử duy nhất. Điều đó khiến cho sự tiếp nối, nghiên cứu phát triển những giá trị tinh tuý rất khó khăn mà thường thì bị mai một nhiều. 

Tuy nhiên, Châu Âu đã tạo ra khác biệt, họ sử dụng pháp luật để trao cho những người có sáng tạo, sáng chế được độc quyền khai thác, sử dụng sáng tạo, sáng chế đó. Mà đặc biệt đó là quyền li-xăng (cho phép người khác sử dụng sáng tạo, sáng chế của họ). Khi ấy, nhà sáng tạo, nhà sáng chế sẵn sàng công bố sáng tạo, sáng chế cho xã hội biết để người khác mua quyền, cho họ lợi ích vật chất xứng đáng. Từ đó họ có cuộc sống dư giả và lại đầu tư nghiên cứu sáng tạo, sáng chế tiếp tục. Trong khi cả xã hội được sử dụng, tiếp cận chúng để phát triển kinh tế, và nghiên cứu sáng tạo, sáng chế hay hơn, tốt hơn nữa.

Bởi vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ chính là nguyên nhân thúc đẩy xã hội phát triển các tài sản sở hữu trí tuệ, là nền tảng tạo ra một xã hội đề cao trí tuệ. Hiểu biết về pháp luật sở hữu trí tuệ, chính là hiểu về cách bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Quản trị tài sản trí tuệ là học cách nhận định tài sản đó ở đâu, bảo vệ thế nào và khai thác ra sao? Doanh nghiệp nào cũng cần nắm rõ.

Một doanh nghiệp có thể tự mình tạo ra các quyền sở hữu trí tuệ hoặc có thể là người nhận chuyển nhượng, nhận chuyển giao quyền này. Ví dụ Samsung sở hữu hàng ngàn sáng chế nhưng họ vẫn mua quyền sử dụng sáng chế từ Microsoft cho những sáng chế liên quan đến hệ điều hành Android. Bởi vậy, để quản trị các tài sản sở hữu trí tuệ của mình, một doanh nghiệp cần xây dựng được một hệ thống quản trị cho từng giai đoạn sau:

1| Nhận diện các tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, mỗi doanh nghiệp sẽ nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, công nghệ mới, ý tưởng tiếp thị mới, phương án tài chính mới….những dữ liệu, thông tin này là tri thức, là bí quyết được doanh nghiệp tạo ra. Chúng là tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo pháp luật sở hữu trí tuệ, không phải tất cả các tri thức, bí quyết này sẽ được bảo hộ độc quyền mà nó sẽ được phân chia, sắp xếp vào một đối tượng sở hữu trí tuệ nào đó như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, tác phẩm văn học, nghệ thuật… Trong đó, luật sở hữu trí tuệ chia ra làm 3 đối tượng quyền sở hữu trí tuệ gồm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

Có những đối tượng quyền sở hữu trí tuệ sẽ được bảo hộ tự động như quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật và quyền liên quan tới quyền tác giả như cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, có những đối tượng quyền sở hữu trí tuệ phải đăng ký mới xác lập quyền và được độc quyền khi chỉ khi Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giống cây trồng…

Như vậy, doanh nghiệp phải biết được sản phẩm, sáng tạo của mình được bảo hộ dưới dạng quyền sở hữu trí tuệ nào, có cần phải đăng ký bảo hộ hay không? Một bản nhạc tạo ra, một thiết kế cho sản phẩm mới, một nhân vật truyện tranh hình thành…cái nào cần bảo hộ, cái nào không cần bảo hộ, ai là tác giả, ai là chủ sở hữu, người lao động có quyền gì, doanh nghiệp có quyền gì…? 

2| Xác lập và bảo vệ quyền đối với các tài sản trí tuệ 

Sau khi nhận diện đầy đủ các quyền sở hữu trí tuệ mình có quyền sở hữu hay sử dụng, doanh nghiệp sẽ thực hiện giai đoạn xác lập quyền đối với các tài sản đó thông qua các thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Việc này, thông thường doanh nghiệp cần sự tư vấn hỗ trợ từ các công ty luật, công ty đại diện sở hữu công nghiệp. 

Doanh nghiệp sẽ không thế bảo vệ tài sản trí tuệ nếu không có quyền độc quyền. Khi có quyền độc quyền, chủ sở hữu mới có quyền ngăn cấm người khác sử dụng, khai thác tài sản sở hữu trí tuệ của mình thông qua các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự…

3| Khai thác quyền đối với các tài sản trí tuệ

Doanh nghiệp có thể tự sản xuất sản phẩm từ nghiên cứu sáng tạo của mình hoặc li-xăng thông qua hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng cho doanh nghiệp khác khai thác kinh doanh. Nếu việc sản xuất của doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ và nhận chuyển giao công nghệ mới thì doanh nghiệp cũng cần nắm bắt và hiểu được quyền nghĩa vụ của mình trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng chuyển quyền sử dụng.

Việc chuyển giao quyền luôn phải xác định được giá trị của tài sản trí tuệ mà trong đó việc định giá tài sản trí tuệ vô cùng quan trọng. Không chỉ định giá nhằm mục đích ký kết hợp đồng li-xăng mà việc định giá còn nhằm xác định lại giá trị doanh nghiệp, phục vụ hoạt động góp vốn đầu tư hoặc mua bán, sáp nhập.

Tóm lại, doanh nghiệp không muốn thụt lùi, không muốn đánh mất tài sản của mình, không muốn giá trị doanh nghiệp chỉ là tài sản hữu hình thì việc xây dựng một đội ngũ quản trị sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp mình là điều không thể thiếu.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.