Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Khi hết thời gian bảo hộ theo quy định trên, chủ văn bằng bảo hộ nếu muốn tiếp tục duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu phải thực hiện thủ tục gia hạn và nộp lệ phí gia hạn văn bằng bảo hộ theo quy định pháp luật. Đối với đối tượng sở hữu công nghiệp là nhãn hiệu, chủ văn bằng bảo hộ có thể thực hiện gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nhiều lần, mỗi lần 10 (10) mười năm.
1. Thời điểm tiến hành thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Để duy trì hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ văn bằng bảo hộ cần phải nộp hồ sơ gia hạn cho Cục Sở hữu trí tuệ trong khoảng thời gian như sau:
- Trong vòng sáu (06) tháng trước ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực. Đơn yêu cầu gia hạn nộp trong khoảng thời gian này thì chủ văn bằng bảo hộ được xem là thực hiện gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đúng hạn.
- Sau thời gian quy định tại Mục a nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực. Trường hợp này chủ văn bằng bảo hộ đã thực hiện gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu quá hạn nên phải nộp lệ phí gia hạn cộng với 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn.
Hình thể hiện khoảng thời gian thủ tục thủ tục gia hạn (màu xanh dương)
Ngoài các khoản thời gian nêu trên, chủ văn bằng bảo hộ không thể thực hiện thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Trong trường hợp có nhu cầu tiếp tục sử dụng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chủ văn bằng bảo hộ phải tiến hành nộp lại đơn đăng ký nhãn hiệu mới và thực hiện các thủ tục đăng ký nhãn hiệu theo quy định pháp luật.
2. Thành phần hồ sơ
Hồ sơ xin gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gồm bộ tài liệu sau đây:
-
- Tờ khai theo mẫu yêu cầu gia hạn văn bằng bảo hộ của Bộ Khoa học và Công Nghệ
Xem thêm: https://www.ipvietnam.gov.vn/bo-to-khai-trong-linh-vuc-so-huu-cong-nghiep/-/asset_publisher/389rCospJkQ6/content/to-khai-sua-oi-chuyen-giao-on-yeu-cau-tham-inh-noi-dung?inheritRedirect=false
- Bản gốc văn bằng bảo hộ (nếu có yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào văn bằng gốc)
- Giấy ủy quyền cho tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp(nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện)
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu Trí tuệ)
Lưu ý: Chủ văn bằng bảo hộ có thể không cần cung cấp bản gốc giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu khi tiến hành thủ tục gia hạn nhãn hiệu. Trường hợp không nộp kèm bản gốc, hiệu lực mới sẽ được ghi nhận trên đăng bạ quốc gia về nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ.
3. Quy trình thực hiện thủ tục xin gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Bước 1: Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu xác định thời điểm phù hợp để nộp hồ sơ gia hạn
Như chúng tôi đã trình bày tại Mục 1, chủ sở hữu cần tiến hành thủ tục gia hạn nhãn hiệu trong thời gian quy định để đảm bảo quyền và lợi ích của mình. Trường hợp chủ sở hữu thực hiện thủ tục gia hạn ngoài hai khoảng thời gian tại Mục 1.a và 1.b đều bị Cục sở hữu trí tuệ từ chối tiếp nhân hồ sơ.
Bước 2: Chuẩn bị và nộp hồ sơ gia hạn
Chủ sở hữu hoặc tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp được chủ sở hữu ủy quyền sẽ chuẩn bị hồ sơ gia hạn nhãn hiệu để tiến hành gia hạn, chi tiết hồ sơ tại Mục 2 của bài viết này. Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, người yêu cầu gia hạn sẽ nộp hồ sơ theo (i) trực tiếp (ii) qua bưu điện tới văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ gần nhất hoặc (iii) trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu Trí tuệ.
Bước 3: Theo dõi quá trình thẩm định đơn gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Sau khi nộp hồ sơ xin gia hạn văn bằng bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét đơn yêu cầu gia hạn của người có yêu cầu, cụ thể như sau:
Trường hợp đơn không có thiếu sót:
- Cục Sở hữu Trí tuệ ra quyết định gia hạn;
- Ghi nhận vào Văn bằng bảo hộ (nếu có yêu cầu);
- Đăng bạ và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.
Trường hợp đơn có thiếu sót, không hợp lệ: Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ ra thông báo dự định từ chối gia hạn, nêu rõ lý do trong những trường hợp dưới đây:
- Đơn yêu cầu gia hạn không hợp lệ hoặc được nộp không đúng thủ tục quy định;
- Người yêu cầu gia hạn không phải là chủ văn bằng bảo hộ tương ứng.
Người yêu cầu gia hạn có thời hạn 02 tháng để sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Nếu người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc đã sửa chữa nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu Trí tuệ ra quyết định từ chối gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ.
Bước 4: Nhận kết quả xử lý hồ sơ gia hạn
- Nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gốc đã được Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận thông tin hiệu lực mới.
- Nhận Thông báo từ chối gia hạn trong trường hợp người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng trong thời hạn được Cục Sở hữu trí tuệ ấn định.
4. Thời gian thực hiện
Thời gian gia hạn theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành là 01 tháng kể từ ngày nộp đơn. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian xử lý đối với hồ sơ gia hạn văn bằng bảo hộ thường chậm hơn so với quy định và kéo dài từ 02 -03 tháng do số lượng hồ sơ xử lý của Cục Sở hữu trí tuệ khá lớn
5. Lệ phí gia hạn
Lệ phí gia hạn theo quy định của pháp luật sẽ nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ cụ thể như sau:
Mục phí | Số tiền (VNĐ) |
Lệ phí gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ | 100.000/nhóm |
Phí sử dụng văn bằng bảo hộ | 700.000/nhóm |
Phí sử dụng văn bằng bảo hộ | 160.000/VBBH |
Phí công bố Quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ | 120.000 /VBBH |
Phí đăng bạ Quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ | 120.000 /VBBH |
Lệ phí gia hạn muộn nhãn hiệu | 10% lệ phí gia hạn/01 tháng muộn |
Ngoài ra, nếu khách hàng thực hiện thủ tục gia hạn văn bằng bảo hộ tại Apolat Lgal, khách hàng sẽ phải cân nhắc thêm khoản phí tư vấn của Apolat Legal. Đồng thời, các khoản lệ phí có thể thay đổi theo quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện thủ tục. Do đó, vui lòng liên hệ với Apolat Legal để được đề xuất phí dịch vụ chi tiết cho từng vụ việc và từng thời điểm.
6. Một số câu hỏi liên quan đến thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
(i) Hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là 10 năm được tính từ ngày nào?
Hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là 10 năm và được tính từ ngày nộp đơn đơn đăng ký nhãn hiệu, không phụ thuộc vào ngày cấp văn bằng bảo hộ.
(ii) Hậu quả của việc không thực hiện thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu?
Trong trường hợp có nhu cầu tiếp tục sử dụng nhãn hiệu và mong muốn được tiếp tụ bảo hộ nhãn hiệu nhưng chủ văn bằng bảo hộ không thực hiện thủ tục gia hạn trong thời gian quy định, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lại đơn đăng ký nhãn hiệu và sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mới nếu nhãn hiệu đáp ứng đủ điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, nếu chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ có nhu cầu tiếp tục sử dụng nhãn hiệu trong một khoảng thời gian tương đối ngắn (dưới 05 năm), chủ sở hữu vẫn có thể tiếp tục sử dụng nhãn hiệu và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể khác. Bởi lẽ chủ thể khác không thể được Cục sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu trùng, tương tự cho cùng nhóm sản phẩm, dịch vụ với chủ văn bằng bảo hộ, trừ trường hợp nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng và văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực theo quy định của luật sở hữu trí tuệ.
(iii) Mất Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể tiến hành thủ tục gia hạn được không?
Trường hợp đến thời gian gia hạn nhãn hiệu nhưng chủ sở hữu văn bằng lại mất Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì việc gia hạn vẫn có thể được thực hiện như bình thường. Việc gia hạn trong trường hợp này sẽ được ghi nhận trên dữ liệu và thư việc trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể thực hiện thủ tục cấp lại văn bằng bảo hộ trước khi thực hiện thủ tục gia hạn nhãn hiệu, việc cấp lại văn bằng bảo hộ bạn có thể tham khảo tại bài viết có liên quan.
Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến [Lĩnh vực]. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.