Chế độ bảo hiểm cho người lao động

1. Chế độ bảo hiểm cho người lao động gồm những loại bảo hiểm gì?

Chế độ bảo hiểm cho người lao động
Những loại bảo hiểm cho người lao động

Theo quy định pháp luật, khi ký kết hợp đồng lao động, người lao động và người sử dụng lao động tự do thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên. Trong đó có các chính sách phúc lợi cho người lao động như đóng bảo hiểm. Hiện nay, chế độ bảo hiểm cho người lao động gồm:

  • Bảo hiểm y tế: là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của pháp luật để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện theo khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014.
  • Bảo hiểm xã hội: là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
  • Bảo hiểm thất nghiệp: là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013.

Tham khảo bài viết: Chế độ bảo hiểm cho người lao động nước ngoài

2. Mức đóng bảo hiểm xã hội theo pháp luật hiện hành

Chế độ bảo hiểm cho người lao động
Mức đóng bảo hiểm xã hội theo pháp luật hiện hành

Việc người lao động đóng bao nhiêu bảo hiểm được làm rõ tại Điều 12, Điều 13 Nghị định 143/2018/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 16 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, cụ thể:

  • Người lao động: hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
  • Người sử dụng lao động: hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động như sau:
  • 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
  • 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Trường hợp người lao động mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động và thuộc diện áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động chỉ đóng bảo hiểm xã hội đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên. Riêng tham gia vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động phải đóng theo từng hợp đồng lao động đã giao kết.

3. Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu

Chế độ bảo hiểm cho người lao động
Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu

Theo khoản 1 Điều 97 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu bao gồm:

+ Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;

+ Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

4. Quyền lợi khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội

Chế độ bảo hiểm cho người lao động
Quyền lợi khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội

Khi tham gia bảo hiểm xã hội theo đúng quy định về đóng bảo hiểm cho người lao động thì người lao động được hưởng quyền lợi theo 05 chế độ.

Một, quyền lợi khi ốm đau người lao động được hưởng chế độ ốm đau theo Điều 6 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, cụ thể:

  • Thời gian hưởng chế độ ốm đau:
  • Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
  • Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
  • Trường hợp người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần; hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
  • Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.
  • Mức hưởng chế độ ốm đau được tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Ngoài ra tùy vào các trường hợp cụ thể mà mức hưởng này có quy định khác.

Hai, quyền lợi khi mang thai, sinh con được hưởng chế độ thai sản theo Điều 7 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, cụ thể:

  • Thời gian hưởng chế độ thai sản:
  • Khi khám thai lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày.
  • Khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
  • Khi có vấn đề về thai sản như sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì được nghỉ việc tối đa 50 ngày. Tùy từng trường hợp cụ thể mà thời gian nghỉ việc được luật quy định khác nhau.
  • Khi nhận con nuôi thì người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
  • Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì được nghỉ việc tối đa 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai; 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
  • Mức hưởng chế độ thai sản:
  • Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
  • Mức hưởng thai sản một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Ba, quyền lợi khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, cụ thể:

  • Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Ngoài ra, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội.
  • Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Ngoài ra, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, đối với trường hợp:

  • Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.
  • Người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì hưởng trợ cấp một lần đối bằng 36 lần mức lương cơ sở.
  • Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung.

Bốn, quyền lợi khi nghỉ hưu được hưởng chế độ theo Điều 9 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, cụ thể:

  • Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
  • Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu: người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Năm, quyền lợi khi mất được hưởng chế độ tử tuất theo Điều 10 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, cụ thể:

  • Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết.
  • Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.
  • Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu thì:
  • Nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng;
  • Nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.
  • Mức trợ cấp tuất một lần đối với các trường hợp còn lại thì:
  • Cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014;
  • Bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi;
  • Mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

5. Ký hợp đồng bao lâu thì phải đóng bảo hiểm cho nhân viên?

Chế độ bảo hiểm cho người lao động
Ký hợp đồng bao lâu thì phải đóng bảo hiểm cho nhân viên

Bảo hiểm của người lao động được người sử dụng lao động đóng theo quy định pháp luật khi ký hợp đồng, cụ thể:

  • Đối với bảo hiểm y tế thì hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên theo khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi năm 2014;
  • Đối với bảo hiểm xã hội thì hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
  • Đối với bảo hiểm thất nghiệp thì hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên theo khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013.

Trên đây là bài viết tham khảo giải đáp một số vấn đề liên quan đến chế độ bảo hiểm cho người lao động, hy vọng giúp bạn có được những kiến thức pháp lý hữu ích. Bạn còn vướng mắc, cần được giải đáp, đặc biệt các vấn đề về lao động, đừng ngần ngại liên hệ ngay Apolat Legal để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Lao động. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Lao động và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.