Quy định pháp luật và các lưu ý để bảo hộ bí mật kinh doanh tại Việt Nam

Bí mật kinh doanh được xem là nhân tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của một doanh nghiệp, tổ chức. Do đó, bất kỳ hành vi tiết lộ của cá nhân, tổ chức nào đều sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm bắt được những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung 2009, 2022) về vấn đề này. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có một cái nhìn tổng quan nhất!

Danh mục bài viết

1. Bí mật kinh doanh là gì?

Căn cứ khoản 23 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2022) (sau đây gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ 2005), “Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”.

Như vậy, bí mật kinh doanh là tất cả những thông tin mà một người trong kinh doanh không muốn đối thủ hiện tại và tiềm năng biết. Theo đó, bí mật kinh doanh là một dạng thông tin bí mật trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, có thể được tạo ra trong hầu hết các hoạt động kinh doanh của các chủ thể, đặc biệt là doanh nghiệp.

Quy định pháp luật và các lưu ý để bảo hộ bí mật kinh doanh tại Việt Nam
Quy định về bí mật kinh doanh tại Việt Nam có nhiều nét tương đồng so với pháp luật thế giới

Dựa vào định nghĩa được đưa ra tại Luật Sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh có thể được nhận biết dựa vào (3) dấu hiệu sau:

– Bí mật kinh doanh là kết quả của quá trình đầu tư tài chính, trí tuệ;

– Bí mật kinh doanh là thông tin chưa bị bộc lộ;

– Bí mật kinh doanh có khả năng tạo ra những giá trị kinh tế khi sử dụng trong kinh doanh.

2. Điều kiện để bí mật kinh doanh được bảo hộ

Điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh dưới góc độ một đối tượng sở hữu công nghiệp được Luật Sở hữu trí tuệ quy định trong tập hợp 03 yêu cầu được ghi nhận tại Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ: (1) Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; (2) Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó; (3) Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cần được. Các điều kiện này phải đồng thời được đáp ứng một thông tin nào đó mới được bảo hộ như bí mật kinh doanh.

2.1 Thông tin không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được

Thông tin không phải là hiểu biết thông thường được đánh giá qua việc thông tin có mức độ được biết đến bởi công chúng có thể nắm bắt, tiếp cận trong các điều kiện bình thường. Từ quan điểm khách quan, thông tin chỉ được biết đến với một nhóm người hạn chế, nghĩa là nó không được các chuyên gia hay đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này biết đến. Trong một số trường hợp, việc một số người khác biết về thông tin là bí mật kinh doanh do quan hệ công việc hoặc giao dịch với nghĩa vụ giữ bí mật thì có thể coi thông tin vẫn không thay đổi bản chất “không phải là hiểu biết thông thường”.

Để có được thông tin này, người nắm giữ phải có sự đầu tư bất kể bằng phương tiện hoặc cách thức nào. Bí mật kinh doanh có thể do một, một số người cùng hoặc độc lập tạo ra hay phát hiện ra và những người này đều nắm bí mật kinh doanh một cách hợp pháp. Điều quan trọng là thông tin được bảo mật và những người biết về thông tin này có nghĩa vụ giữ bí mật khiến thông tin không trở thành “hiểu biết thông thường”.

Quy định pháp luật và các lưu ý để bảo hộ bí mật kinh doanh tại Việt Nam
Bí mật kinh doanh là một loại thông tin đặc biệt

2.2 Thông tin khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó

Thông tin cấu thành bí mật kinh doanh có thể được sử dụng trong các hoạt động khác nhau của cá nhân và tổ chức, song việc đánh giá xem đây có phải là bí mật kinh doanh chỉ đặt ra khi nó có “tiềm năng” sử dụng trong hoạt động kinh doanh. Thông tin có thể đã, đang hoặc sẽ được sử dụng song trong bất kỳ trường hợp nào đều phải tạo ra lợi thế cho người nắm giữ hay sử dụng thông tin. Lợi thế ở đây là bất kỳ ưu thế nào: Khiến giá của sản phẩm thấp hơn; sản phẩm tốt hơn; chức năng, công dụng nhiều hơn; thời gian sản xuất ra sản phẩm nhanh hơn;…

2.3 Thông tin được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cần được

Biện pháp bảo mật do chủ sở hữu thông tin áp dụng, phù hợp với bản chất của thông tin để cá nhân, tổ chức khác không dễ dàng tiếp cận được. Bí mật kinh doanh có thể có được bằng bất kỳ cách thức hợp pháp nào, do đó việc vô tình hay cố ý bộc lộ thông tin là bí mật kinh doanh cũng đủ để huỷ hoại một bí mật kinh trong thực tế. Đồng thời, cá nhân hay tổ chức nào đó sẽ có được bí mật kinh doanh. Các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh không bị bộc lộ ngoài ý muốn rất đa dạng, cụ thể:

– Các biện pháp vật lý: Bảo quản thông tin trong két sắt; nơi bảo quản phải được bảo vệ nghiêm ngặt và hạn chế các cá nhân được tiếp cận,…;

– Các biện pháp đảm bảo về mặt kỹ thuật: Chia nhỏ bí quyết kỹ thuật để không cá nhân nào nắm được đầy đủ bí quyết kỹ thuật; chia quy trình sản xuất thành các công đoạn,…;

– Các biện pháp pháp lý: Ký hợp đồng bảo mật với nhân viên trong quá trình giao việc; đưa các điều khoản về bảo mật bí mật kinh doanh trong hợp đồng với các đối tác,…

3. Hành vi nào bị xem là hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh?

Việc xác định các hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh chỉ liên quan đến chủ sở hữu mà còn đối với chủ thể khác là người được chuyển giao hợp pháp quyền sử dụng bí mật kinh doanh và người quản lý bí mật kinh doanh. Các chủ thể này được gọi chung là người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh. Khoản 1 Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về 05 hành vi được coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh, cụ thể:

– Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;

– Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;

– Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;

– Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;

– Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được từ hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh;

– Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật dữ liệu thử nghiệm theo quy định.

Quy định pháp luật và các lưu ý để bảo hộ bí mật kinh doanh tại Việt Nam
Pháp luật Việt Nam sử dụng phương pháp liệt kê để chỉ ra các hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh

4. Chế tài xử lý hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh trái phép

Như đã đề cập ở trên, hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh là trái pháp luật, đồng thời, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018, đây được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Do đó, trường hợp doanh nghiệp có thoả thuận với người lao động về việc không được tiết lộ bí mật kinh doanh mà người lao động vi phạm thì sẽ bị doanh nghiệp xử lý kỷ luật, đồng thời bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

4.1 Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

Căn cứ khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019: “Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động”.

Như vậy, doanh nghiệp có thể xử lý kỷ luật người lao động ở mức cao nhất là sa thải nếu người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh.

4.2 Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, đối với các hành vi:

– Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người chủ sở hữu thông tin đó;

– Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng. Ngoài ra có thể chịu các hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh hoặc tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, căn cứ khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP, mức phạt tiền nêu trên được áp dụng với tổ chức, và cá nhân vi phạm sẽ có mức phạt tiền tối đa bằng ½ mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức, nghĩa là sẽ chịu phạt tiền từ 100.000.000 đồng 150.000.000 đồng.

Quy định pháp luật và các lưu ý để bảo hộ bí mật kinh doanh tại Việt Nam
Chế tài phạt tiền là một hình thức xử lý phổ biến

4.3 Bồi thường thiệt hại

Căn cứ khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH Quy định về xử lý bồi thường thiệt hại khi vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ như sau:

“Khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thoả thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:

a) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động;

b) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan”.

Như vậy, người lao động nếu có hành vi vi phạm thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh thì sẽ bồi thường theo thoả thuận, và tùy trường hợp mà có cách xử lý tương đương.

5. Áp dụng thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) để bảo vệ bí mật kinh doanh

5.1 Thế nào là thỏa thuận bảo mật thông tin NDA

Thỏa thuận bảo mật thông tin (Non-Disclosure Agreement – NDA) là thoả thuận không tiết lộ thông tin giữa ít nhất hai bên về tài liệu, kiến thức hay các thông tin bí mật mà các bên muốn chia sẻ với nhau vì mục tiêu chung và cần giới hạn quyền truy cập bởi người thứ ba. Nói một cách dễ hiểu, thỏa thuận bảo mật thông tin là hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục đích thiết lập niềm tin giữa các bên chủ thể.

Quy định pháp luật và các lưu ý để bảo hộ bí mật kinh doanh tại Việt Nam
Thỏa thuận NDA được các doanh nghiệp thường xuyên áp dụng

5.2 Các loại thỏa thuận bảo mật thông tin

a. NDA đơn phương

NDA đơn phương (hay gọi là NDA một chiều) liên quan đến hai bên, mà trong đó chỉ có một bên dự án (bên tiết lộ) tiết lộ một số thông tin định nghĩa cho bên kia (bên nhận) và yêu cầu giữ bí mật về thông tin này.

Ví dụ: Những nhân viên mới thường được yêu cầu cam kết về các thông tin bảo mật của công ty trong suốt quá trình làm việc tại đây. Những trường hợp như vậy, nhân viên mới là bên duy nhất ký kết.

b. NDA song phương

NDA song phương (hay gọi là NDA hai chiều) liên quan đến hai bên, mà trong đó cả hai bên dự án tiết lộ thông tin cho nhau và mỗi bên sẽ được bảo vệ nếu có những tiết lộ thêm không được phép. Loại NDA này phổ biến trong các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp.

c. NDA đa phương

NDA đa phương liên quan đến ba hoặc nhiều nhiều bên khác nhau, mà trong đó ít nhất một bên tiết lộ thông tin cho các bên khác và yêu cầu thông tin đó được bảo mật. NDA này trợ giúp việc loại bỏ phải sử dụng NDA đơn phương hoặc NDA song phương giữa các bên.

Ví dụ: Chỉ cần một NDA đa phương được ký kết bởi ba bên, trong đó mỗi bên có ý định tiết lộ thông tin cho hai bên còn lại. Thay vì sử dụng 03 NDA song phương, giữa bên thứ nhất với bên thứ hai, bên thứ hai với bên thứ ba, bên thứ ba với bên thứ nhất, thì chỉ cần sử dụng một NDA đa phương là đủ.

5.3 Trường hợp ký kết NDA và các nội dung cần thiết

a. Trường hợp ký kết NDA

Đối với những thông tin liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh hoặc những thông tin cá nhân, nhạy cảm mà các bên buộc phải chia sẻ trong quá trình hợp tác, NDA giúp các bên hiểu hơn về nhau để đạt được mục đích hợp tác mà không cần sợ rằng những thông tin này sẽ bị rò rỉ, hay lọt vào tay đối thủ. Nếu như một NDA bị vi phạm bởi một bên, thì các bên còn lại có quyền yêu cầu pháp luật can thiệp để ngăn chặn, yêu cầu được bồi thường các thiệt hại xảy ra.

b. Các nội dung cần thiết

Dù được ký kết ở dạng thỏa thuận nào, NDA cũng cần đảm bảo đầy đủ các thông tin sau:

– Định nghĩa về những gì cấu thành thông tin bí mật;

– Thông tin của các bên tham gia;

– Tuyên bố về các thông tin được tiết lộ, quy định về việc sử dụng các thông tin đó;

– Các trường hợp loại trừ;

– Quy định về thời gian;

– Các quy định khác.

6. Một số bản án tham khảo về hành vi vi phạm bí mật kinh doanh

6.1 Bản án số 456/2020/LĐ-PT ngày 03/06/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tinh thần và xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải

Nội dung: Công ty TNHH SZLT (bị đơn) và ông T (nguyên đơn) có ký kết các hợp đồng lao động từ ngày 12/09/2005 đến 14/11/2009. Ngày 27/10/2016 Công ty TNHH SZLT ban hành quyết định số 77/QtĐ.LT.2016 về việc thi hành kỷ luật lao động với ông T bằng hình thức sa thải với những lý do như: “Không chấp hành mệnh lệnh của người phụ trách” “tiết lộ bí mật của Công ty về hoạt động kinh doanh, tài chính”, cụ thể là đọc, photo và tiết lộ ra bên ngoài các chứng từ tài chính kế toán của Công ty. Ông T cho rằng việc Công ty Sa thải ông là không đúng với quy định của pháp luật, vì vậy ông khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết.

Quy định pháp luật và các lưu ý để bảo hộ bí mật kinh doanh tại Việt Nam
Số lượng bản án về tiết lộ bí mật kinh doanh trên thực tế không nhiều

6.2 Bản án số 420/2019 ngày 15/05/2019 về Tranh chấp chấm dứt hợp đồng lao động với đối thủ cạnh tranh

Nội dung: Theo đơn khởi kiện, Công ty U (nguyên đơn) và ông B (bị đơn) ký kết hợp đồng làm việc từ 01/11/2012 đến ngày 25/08/2017, công việc thiết kế. Trong quá trình làm việc tại Công ty, ông B có ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin và thỏa thuận quyền sở hữu trí tuệ và không cạnh tranh số 07.2016/SHTT&CtrUR ngày 29/01/2016. Theo đó, ông cam kết sau khi nghỉ việc vẫn bảo mật toàn bộ thông tin thuộc quyền sở hữu của Công ty U và không làm việc cho Công ty đối thủ của Công ty U. Tuy nhiên, Công ty U đã phát hiện ông B đang làm việc cho công ty P, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Công ty U. Công ty U cho rằng, ông B làm việc tại Công ty P với công việc tương tự tại Công ty P là vi phạm thỏa thuận ở mục 9.1 khoản 9 thỏa thuận bảo mật thông tin: “… phục vụ cho đối thủ cạnh tranh với sản phẩm, công nghệ của Công ty”; vi phạm mục 2.1 khoản 2 của Thỏa thuận sở hữu trí tuệ và không cạnh tranh: “Người lao động cam kết không làm việc, hỗ trợ hoặc hợp tác trực tiếp hoặc gián tiếp với đối thủ cạnh tranh Công ty và khách hàng Công ty”. Công ty U đã gửi văn bản yêu cầu ông B tôn trọng các thoả thuận về bảo mật và không cạnh tranh đã ký kết nhưng ông B không hợp tác.

6.3 Bản án số 352/2019/LĐ-PT ngày 22/04/2019 Tranh chấp về xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải

Nội dung: Bà Tr (Nguyên đơn) và Công ty Cổ phần BĐS SG VN (Bị đơn) ký hợp đồng làm việc vào ngày 01/11/2012. Theo đơn khởi kiện, ngày 26/04/2017 có người bạn bà Tr định cư ở nước ngoài muốn thành lập công ty tại Việt Nam muốn hỏi xin bà Tr file mềm liên quan đến việc thành lập, quản lý công ty. Bà Tr có gửi mail cho bạn file đính kèm các quy định, quy chế. Đây là các file quy định chung của pháp luật có thể tìm thấy trên mạng chứ không phải file đặc thù riêng hay bí mật gì của bị đơn. Tuy nhiên, trong quá trình gửi thư điện tử bà Tr lại gửi nhầm sang email địa chỉ của Phó Giám đốc bộ phận Hành chính nhân sự. Công ty BĐS SG VN cho rằng bà Tr biết rõ chuyện phải tuyệt đối giữ kín thông tin nội bộ, các quy chế, quy định của Công ty và sẽ chịu mọi hình thức xử lý nếu vi phạm.

Trên đây là một vài thông tin cơ bản về quy định pháp luật và các lưu ý để bảo hộ bí mật kinh doanh tại Việt Nam. Hy vọng bài viết đã cung cấp nhiều kiến thức bổ ích. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ để nhận được sự tư vấn nhanh nhất!

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Lao động. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Lao động và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.