Đưa người lao động đi đào tạo ở nước ngoài

Đưa người lao động đi đào tạo ở nước ngoài

Hiện nay, việc đưa người lao động đi đào tạo ở nước ngoài dần trở nên phổ biến và được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thật sự nắm rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này, cũng như có sự nhầm lẫn với thuật ngữ “xuất khẩu lao động”. Chính vì vậy, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây để có câu trả lời chính xác nhất!

1. Điều kiện để đưa người lao động ra làm việc ở nước ngoài để đào tạo được quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 36 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, điều kiện để đưa người lao động đi đào tạo ở nước ngoài được quy định như sau:

– Có hợp đồng nhận lao động thực tập với cơ sở tiếp nhận thực tập ở nước ngoài để đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phù hợp với quy định tại Điều 37 của Luật này và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 39 của Luật này chấp thuận.

– Có tiền ký quỹ thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập theo quy định của Chính phủ.

– Chỉ được đưa người lao động có hợp đồng lao động và hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề tại cơ sở tiếp nhận thực tập ở nước ngoài theo hợp đồng nhận lao động thực tập.

– Ngành, nghề, công việc cụ thể người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Như vậy, doanh nghiệp muốn đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.

Đưa người lao động đi đào tạo ở nước ngoài
Cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện để đưa người lao động đi nước ngoài đào tạo

2. Công ty đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài cần phải ký kết những hợp đồng nào?

Như đã đề cập ở Mục 1, doanh nghiệp đưa người lao động đi đào tạo ở nước ngoài phải có hợp đồng nhận lao động thực tập và hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài, cụ thể:

2.1 Hợp đồng nhận lao động thực tập

Căn cứ Điều 37 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, “Hợp đồng nhận lao động thực tập là thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp Việt Nam với cơ sở tiếp nhận lao động thực tập ở nước ngoài về quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc đưa đi và tiếp nhận người lao động của doanh nghiệp đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài”.

Hợp đồng nhận lao động thực tập phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động thực tập và có những nội dung sau đây:

– Thời hạn thực tập;

– Số lượng người lao động; ngành, nghề thực tập; độ tuổi của người lao động;

– Địa điểm thực tập;

– Điều kiện, môi trường thực tập;

– Thời gian thực tập, thời giờ nghỉ ngơi;

– An toàn, vệ sinh lao động;

– Tiền lương, tiền công;

– Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại;

– Chế độ khám bệnh, chữa bệnh;

– Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm khác (nếu có);

– Điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại;

– Trách nhiệm trả chi phí đi lại từ Việt Nam đến nơi thực tập và ngược lại;

– Trách nhiệm của các bên khi người lao động gặp rủi ro trong thời gian thực tập ở nước ngoài;

– Trách nhiệm của các bên trong việc giải quyết vấn đề phát sinh đối với người lao động trong thời gian thực tập ở nước ngoài;

– Cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp;

– Thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Đưa người lao động đi đào tạo ở nước ngoài
Hợp đồng nhận lao động thực tập và hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài là bắt buộc để đưa người lao động đi nước ngoài đào tạo

2.2 Hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài

Căn cứ Điều 38 Luật đưa người lao động Việt Nam đi lao động nước ngoài theo hợp đồng 2020, “Hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài là thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp Việt Nam với người lao động của mình về việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài”.

Hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài phải bảo đảm quy định của Bộ luật Lao động và phù hợp với nội dung của hợp đồng nhận lao động thực tập.

3. Trình tự để đưa người lao động ra nước ngoài đào tạo, nâng cao kỹ năng

Căn cứ vào Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, trình tự để đưa người lao động đi đào tạo ở nước ngoài, nâng cao kỹ năng như sau:

Bước 1. Ký hợp đồng nhận lao động thực tập, hợp đồng đào tạo nghề theo Điều 37, 38 Luật này;

Bước 2. Đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập với:

– Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính nếu thời gian đào tạo dưới 90 ngày;

– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nếu thời gian đào tạo trên 90 ngày;

Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập. Trong vòng 05 làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời cho doanh nghiệp; trường hợp không chấp nhận sẽ được nêu rõ lý do;

Bước 3. Thực hiện ký quỹ với mức bằng 10% một lượt vé máy bay hạng phổ thông từ nơi làm việc về Việt Nam tính theo số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong Hợp đồng nhận lao động thực tập (khoản 2 Điều 26 Nghị định 112/2021/NĐ-CP);

Bước 4. Làm thủ tục xuất cảnh cho người lao động;

Bước 5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người lao động xuất cảnh, doanh nghiệp phải cập nhật thông tin về người lao động trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

          Xem thêm: Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và những điều cần lưu ý tại đây.

Đưa người lao động đi đào tạo ở nước ngoài
Nắm rõ trình tự để tránh mất thời gian đưa người lao động đi nước ngoài đào tạo

4. Phân biệt trường hợp đưa người lao động đi nước ngoài và xuất khẩu lao động

Cách đơn giản nhất để phân biệt trường hợp đưa người lao động đi đào tạo ở nước ngoài và xuất khẩu lao động là dựa vào các hình thức hợp pháp của chúng.

4.1 Hình thức đưa người lao động đi nước ngoài

Căn cứ Điều 5 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bao gồm:

– Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế;

– Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:

  • Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;
  • Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;.
  • Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

– Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.

Đưa người lao động đi đào tạo ở nước ngoài
Đưa người lao động đi nước ngoài đào tạo và xuất khẩu lao động dễ nhầm lẫn

4.2 Xuất khẩu lao động

Trong một bài phỏng vấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã Hội cho biết, xuất khẩu lao động được thực hiện qua 03 hình thức sau:

– Thông qua các chương trình do Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai;

– Thông qua các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;

– Người lao động đi nước ngoài bằng việc đăng ký hợp đồng lao động trực tiếp với người sử dụng lao động nước ngoài.

Như vậy, có thể thấy, hoạt động xuất khẩu lao động có phạm vi nhỏ hơn so với hình thức đưa người lao động đi nước ngoài học tập, lao động. Hiện nay, việc xuất khẩu lao động được “ẩn mình” dưới nhiều “vỏ bọc” lừa đảo khác nhau. Do đó, bạn cần hết sức cẩn trọng để không phải gặp những rủi ro không đáng có.

Trên đây là một vài thông tin về đưa người lao động đi đào tạo ở nước ngoài. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ để nhận được sự tư vấn chi tiết nhất!

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Lao động và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.