Các trường hợp bị cấm không được thành lập doanh nghiệp hiện nay

Theo quy định của pháp luật thì các tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập doanh nghiệp và kinh doanh các ngành, nghề, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên không phải mọi cá nhân, tổ chức đều được phép làm thành lập doanh nghiệp.Vậy ai bị cấm không được thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các lý do tại sao pháp luật quy định các đối tượng đấy không được thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Mức phạt theo Nghị định số 122/2021/NĐ-CP dành cho các trường hợp vi phạm liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp là bao nhiêu? Bài viết bên dưới của Apolat Legal sẽ giải đáp chi tiết các thắc mắc cho bạn!

ai không được thành lập doanh nghiệp
chủ thể nào không được thành lập doanh nghiệp?

1. Các trường hợp bị cấm không được thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam

Căn cứ nội dung quy định tại khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về các trường hợp bị cấm không được thành lập doanh nghiệp bao gồm 7 đối tượng sau đây:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
  • Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
    • Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
  • Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, những cá nhân/tổ chức thuộc các đối tượng được liệt kê ở trên sẽ không được quyền góp vốn, mua bán cổ phần, vốn góp và tham gia vào việc quản lý và điều phối thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

chủ thể nào không được thành lập doanh nghiệp
Các chủ thể không được thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020

2.Vì sao pháp luật Việt Nam quy định các đối tượng trên không được quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam?

Như đã đề cập, các đối tượng được liệt kê ở trên được pháp luật ấn định không được cấp quyền quản lý và thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Sở dĩ dẫn đến những điều khoản này là vì những lý do sau:

2.1 Tại sao cơ quan nhà nước không được thành lập doanh nghiệp?

Bản chất của các cơ quan nhà nước là mang quyền lực của nhà nước và gần như các hoạt động vận hành đều được từ nguồn kinh phí nhà nước. Vì thế, các cơ quan này không được phép thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích ngăn chặn và đề phòng các tình trạng tham ô về ngân sách, tiền thuế của dân.

Trường hợp phần ngân sách nhà nước cho các đơn vị đó được dùng để thành lập doanh nghiệp với mục đích thu lợi sẽ dẫn đến tình trạng thất thoát ngân sách, khi đó nguồn vốn nhà nước sử dụng sẽ không hiệu quả.

các trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp
Cơ quan nhà nước không được phép thành lập doanh nghiệp

2.2 Tại sao công an không được thành lập doanh nghiệp?

Công an, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp là những người nắm giữ chức vụ và quyền hạn trong cơ quan nhà nước. Vì thế, pháp luật quy định các đối tượng trên không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp nhằm tránh tình trạng dùng kinh doanh lạm quyền, gây tham nhũng và tư lợi cá nhân.

2.3 Tại sao công nhân viên chức không được thành lập doanh nghiệp?

Cán bộ công nhân viên chức là những người làm việc trong cơ quan nhà nước, chịu trách nhiệm quản lý trong một số ngành nghề nhất định. Với vị thế đó, việc ấn định đối tượng này không được thành lập doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng, tham ô xảy ra.

ai không được thành lập doanh nghiệp
Công nhân viên chức nhà nước không được phép thành lập doanh nghiệp

2.4 Khi phát hiện một viên chức tham gia thành lập doanh nghiệp cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ làm gì?

Như đã đề cập, công nhân viên chức thuộc đối tượng bị cấm tham gia thành lập doanh nghiệp. Vì thế, Khoản 2 Điều 75 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt như sau:

  • Đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên do công nhân viên chức làm chủ sở hữu: Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký ra thông báo hành vi vi phạm và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu, công ty hợp danh và công ty cổ phần: Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký ra thông báo bằng văn bản yêu cầu thay đổi thành viên thuộc đối tượng không được phép thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày.
  • Nếu quá thời hạn cho phép doanh nghiệp vẫn chưa đăng ký thay đổi danh sách thành viên, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2.5 Tại sao người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hay người bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân không được thành lập doanh nghiệp?

Theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020, nếu đối tượng thành lập doanh nghiệp là cá nhân thì cá nhân đó phải có đủ năng lực hành vi dân sự để chịu trách nhiệm về doanh nghiệp của chính mình.

Nếu đối tượng thành lập doanh nghiệp là tổ chức, thì tổ chức đó bắt buộc phải có tư cách pháp nhân, tức là có tài sản độc lập và khả năng tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó.

Đo đó những đối tượng bao gồm :người chưa đủ tuổi thành niên (dưới 18 tuổi) theo quy định của pháp luật; người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người mất năng lực hành vi dân sự; các tổ chức không có tư cách pháp nhân không có đầy đủ năng lực pháp luật để thành lập và điều hành doanh nghiệp. Vì vậy họ hoàn toàn không đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

chủ thể nào không được thành lập doanh nghiệp
Người chưa thành niên không có đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp

3. Những tổ chức, các nhân nào có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào doanh nghiệp?

Trừ 7 trường hợp được liệt kê tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về các đối tượng không được phép góp vốn, mua cổ phần và thành lập doanh nghiệp, các trường hợp còn lại hoàn toàn có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Các đối tượng được thành lập và quản lý doanh nghiệp có thể bao gồm cá nhân hoặc tổ chức.

Theo khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:

Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  • Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

4. Mức phạt dành cho những đối tượng vi phạm về thành lập doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 46, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, các đối tượng không có quyền góp vốn, mua phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp nhưng vẫn thực hiện sẽ bị phạt từ 20.000.000 30.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, mức phạt với các hành vi khác vi phạm về thành lập doanh nghiệp được quy định như sau:

  • Trường hợp không đảm bảo số lượng thành viên hoặc cổ đông theo quy định: phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng.
  • Trường hợp góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp khác không đúng hình thức theo quy định của pháp luật: phạt tiền từ 20.000.000 – 30.000.000 đồng.
  • Các hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 – 50.000.000 đồng:
    • Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;
    • Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
  • Các hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 – 100.000.000 đồng:
    • Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký;
    • Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.
    • Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

Lưu ý: Các mức phạt vi phạm hành chính về thành lập doanh nghiệp nêu trên được áp dụng đối với chủ thể là tổ chức. Trường hợp chủ thể vi phạm là cá nhân sẽ áp dụng mức phạt bằng ½ mức phạt của tổ chức.

Xem thêm bài viết: Phá sản là gì? Thủ tục phá sản doanh nghiệp hiện nay

Qua bài viết trên, Apolat Legal đã gửi tới quý bạn đọc toàn bộ thông tin về các trường hợp bị cấm không được thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Tìm hiểu thêm các thông tin hữu ích về quá trình thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Website của chúng tôi!

Thông tin liên hệ:

  • HCM: Tầng 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hồ Chí Minh.
  • HN: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
  • Phone: 0911 357 447
  • Email: info@apolatlegal.com
  • Website: apolatlegal.com

Tham khảo các bài viết liên quan đến các trường hợp bị cấm không được thành lập doanh nghiệp

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.