1. Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu bao gồm những yếu tố nào?
Theo Điều 77 Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định về yếu tố xâm phạm nhãn hiệu bao gồm 02 dấu hiệu sau:
Yếu tố xâm phạm nhãn hiệu là mọi dấu hiệu liên quan đến hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, khi chúng trùng hoặc tương tự đến mức có thể gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.
Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu, bao gồm mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ được xác định trong Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam, hoặc thông qua việc đánh giá chứng cứ chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
Để xác định xem một dấu hiệu nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu, cũng như so sánh sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ và chỉ có thể khẳng định xâm phạm nếu đáp ứng cả hai điều kiện sau:
- Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ.
Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là yếu tố xâm phạm nếu:
- Dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện tại điểm a khoản 3 Điều 77 Nghị định 65/2023/NĐ-CP;
- Hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện tại điểm b khoản 3 Điều 77 Nghị định 65/2023/NĐ-CP hoặc hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Lưu ý: Trường hợp sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt về tổng thể cấu tạo và cách trình bày so với nhãn hiệu được bảo hộ cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại thuộc phạm vi bảo hộ thì bị coi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu theo quy định tại Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Những trường hợp xâm phạm nhãn hiệu
Theo quy định tại khoản 1 Điều 129, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, hành vi xâm phạm nhãn hiệu sẽ được xác định nếu thực hiện những hành vi sau đây mà không được chủ sở hữu cho phép:
- Sử dụng dấu hiệu trùng khớp với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ giống với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
- Sử dụng dấu hiệu trùng khớp với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan đến hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có thể gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ;
- Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng khớp, tương tự hoặc liên quan đến hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có thể gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ;
- Sử dụng dấu hiệu trùng khớp hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho bất kỳ hàng hoá, dịch vụ nào, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng khớp, không tương tự và không liên quan đến hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ của nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có thể gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hoá hoặc tạo ra ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Vậy làm thế nào để nhận viết các dấu hiệu của hành vi này? Quy trình các bước xử lý cụ thể ra sao?2. Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
3. Căn cứ xác định hành vi xâm phạm nhãn hiệu
Tại Nghị định 105/2006/NĐ-CP đã quy định cụ thể về các hành vi bị xem xét là xâm phạm nhãn hiệu khi có đủ các căn cứ như sau:
- Đối tượng bị xem xét nằm trong phạm vi những đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
- Đối tượng bị xem xét có yếu tố xâm phạm nhãn hiệu;
- Người thực hiện hành vi này không được coi là chủ sở hữu quyền trí tuệ và không có sự cho phép từ pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền, trừ khi có các trường hợp ngoại lệ;
- Hành vi bị xem xét đang xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, hành vi bị xem xét cũng được xác định là xảy ra tại Việt Nam nếu xảy ra trên internet nhưng nhắm đến chủ thể là người tin dùng hoặc người tiêu dùng ở Việt Nam.
4. Quy định giới hạn quyền sở hữu nhãn hiệu
4.1 Quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký
Chủ sở hữu nhãn hiệu cùng với cá nhân, tổ chức được trao quyền sử dụng có quyền hạn cấm cá nhân, tổ chức khác sử dụng nhãn hiệu. Ngoại trừ trường hợp sử dụng nhãn hiệu trùng lặp hoặc có sự tương tự với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ nếu nhãn hiệu đó đã đạt được sự bảo hộ trước ngày nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Sử dụng nhãn hiệu được xem là việc thực hiện các hành vi như sau:
- Lưu thông, mua bán, tàng trữ để bán, quảng cáo để bán sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.
- Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phương tiện dịch vụ, phương tiện giao thông, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh.
- Nhập khẩu sản phẩm/dịch vụ có dán nhãn hiệu được bảo hộ.
4.2 Nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu đăng ký
Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ phải sử dụng nhãn hiệu của mình liên tục. Nếu nhãn hiệu không dùng liên tục từ 5 năm trở lên thì quyền sở hữu nhãn hiệu sẽ bị kết thúc hiệu lực theo đúng quy định về chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.
5. Xử phạt hành vi xâm phạm nhãn hiệu
Đối với các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm có thể bị xử phạt về trách nhiệm hành chính, dân sự và hình sự theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm hành chính
Theo quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP, mức phạt cao nhất với cá nhân vi phạm quyền sở hữu về nhãn hiệu là 250 triệu đồng, với tổ chức là 500 triệu đồng. Mặt khác, đối tượng xâm phạm nhãn hiệu phải có các biện pháp khắc phục hậu quả.
Về trách nhiệm dân sự
Theo quy định tại Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ, Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Về trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 226 Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được xử lý như sau:
“Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.
6. Hồ sơ chuẩn bị thực hiện thủ tục xử lý vi phạm nhãn hiệu
Hồ sơ chuẩn bị thực hiện thủ tục xử lý vi phạm nhãn hiệu cần những giấy tờ sau:
- Bản sao công chứng giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc giấy tờ liên quan chứng minh quyền sở hữu/ quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu.
- Bản sao công chứng giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD, hộ chiếu) với chủ sở hữu nhãn hiệu là cá nhân, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với chủ sở hữu là doanh nghiệp.
- Mẫu sản phẩm mang nhãn hiệu của cá nhân/doanh nghiệp.
- Mẫu sản phẩm của đối tượng vi phạm nhãn hiệu hoặc tài liệu liên quan chứng minh dấu hiệu vi phạm của đối tượng vi phạm.
- Thông tin của đối tượng vi phạm: tên doanh nghiệp, thông tin liên hệ, địa chỉ,…
- Thực hiện giám định nhãn hiệu để xác định chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm nhãn hiệu của đối tượng vi phạm.
- Giấy ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý thủ tục (nếu có).
7. Thủ tục xử lý vi phạm nhãn hiệu
Quy trình giải quyết thực hiện xử lý vi phạm bao gồm 3 bước:
Bước 1: Giám định nhãn hiệu
- Sau khi nhận ủy quyền, Apolat sẽ thay mặt doanh nghiệp thực hiện thủ tục Giám định nhãn hiệu tại Viện khoa học sở hữu trí tuệ.
- Tra cứu và xác định đối tượng giám định.
- Tra cứu và xác định nội dung yêu cầu giám định.
- Thời gian giám định: thường trong 22 ngày làm việc hoặc nhanh nhất trong 03 ngày làm việc.
Bước 2: Tư vấn cảnh báo vi phạm với đối tượng vi phạm
Sau khi nhận được kết quả Giám định nhãn hiệu của Viện khoa học sở hữu trí tuệ, Apolat sẽ tiến hành cảnh báo đối tượng vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm nhãn hiệu (thông qua tư cách đại diện):
- Tra cứu và xác định thông tin của đối tượng vi phạm.
- Tư vấn, soạn thảo, hoàn thiện các văn bản yêu cầu đối tượng vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm.
- Đại diện cho chủ thể sở hữu nhãn hiệu liên hệ và làm việc với đối tượng vi phạm yêu cầu chấm dứt các hành vi vi phạm nhãn hiệu.
Bước 3: Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm của đối tượng vi phạm bằng biện pháp hành chính
- Đại diện cho chủ thể sở hữu nhãn hiệu liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để xử lý hành vi vi phạm hành chính của các đối tượng vi phạm: Cơ quan quản lý thị trường, Cơ quan Công an Kinh tế, Cơ quan quản lý thị trường, Bộ thông tin truyền thông,…
Xem thêm bài viết: Thủ tục đăng ký nhãn hiệu hiện nay
8. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu thì bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ khoản 15; điểm a, điểm b, điểm d, khoản 17 Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm d khoản 10 Điều 1 Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng dấu hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, hoặc bao bì hàng hóa.
Bên cạnh đó cần thực hiện các biện pháp sau để khắc phục hậu quả của việc xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu như sau:
- Yêu cầu loại bỏ và tiêu hủy nhãn hiệu;
- Yêu cầu tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm nếu không thể loại bỏ được các yếu tố vi phạm; đặc biệt là đối với hàng hóa vi phạm có thể gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường;
- Yêu cầu thay đổi tên doanh nghiệp và loại bỏ các yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định 99/2013/NĐ-CP cần lưu ý như sau:
- Mức phạt tiền áp dụng cho cá nhân, và mức phạt tối đa đối với cá nhân là 250.000.000 đồng.
- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền cho tổ chức là gấp đôi mức phạt tiền cho cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 500.000.000 đồng.
9. Ví dụ hành vi xâm phạm nhãn hiệu
Nguyên giám đốc Công ty THHH Nam Bình là ông Bùi Trung Hòa đã đưa vào sản xuất hàng chục nghìn lon nước tăng lực giống hệt nhãn hiệu Red Bull và ông cho rằng đã được Sở Y Tế cấp phép và đã “đặt hàng” từ Công ty TNHH Bao bì Thành Phát gần 73 nghìn vỏ lon nước uống tăng lực có hình hai con vật húc nhau màu đỏ. Trong đó, ông Hòa đã đặt sản xuất hơn 34 nghìn lon cho sản phẩm của mình.
Vào tháng 9 năm 2006, Công ty TNHH Công nghiệp Dược phẩm TC (Thái Lan), sở hữu nhãn hiệu Red Bull (đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam), đã đề nghị cơ quan công an tiến hành xử lý hình sự ông Hòa về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Trên thực tế, Sở Y tế không có chức năng cấp phép nhãn hiệu hàng hóa. Do đó, ông Hòa đã thực hiện việc xâm phạm đối với nhãn hiệu Redbull. TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Bùi Trung Hòa 2 năm tù về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, nhưng ông được hưởng án treo. Đồng thời, vị giám đốc này cũng bị kết án 1 năm tù treo về hành vi “trốn thuế”.
10. Dịch vụ tư vấn xử lý vi phạm nhãn hiệu tại Apolat
Được thành lập từ năm 2016, Apolat Legal là một đơn vị hành nghề luật chuyên cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp tại Việt Nam. Với đội ngũ nhân sự giỏi về nghiệp vụ, giàu kinh nghiệm thực tế, công ty Luật TNHH Apolat Legal luôn là lựa chọn của nhiều khách hàng trong và ngoài nước khi cần xử lý các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Khi sử dụng dịch vụ tư vấn xử lý vi phạm nhãn hiệu tại Apolat, quý khách sẽ được hỗ trợ thực hiện những nội dung như sau:
- Xác định đối tượng vi phạm hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
- Tư vấn và hoàn thiện các thủ tục xử lý vi phạm đối với hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu.
- Đại diện liên hệ và yêu cầu đối tượng vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm.
- Thực hiện giám định nhãn hiệu.
- Đại diện liên hệ và yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định, kết luận về hành vi vi phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu.
- Đại diện liên hệ và yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Tham gia tố tụng với tư cách luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng là chủ sở hữu nhãn hiệu tại Tòa án có thẩm quyền.
Trên đây là một số thông tin chi tiết về xâm phạm nhãn hiệu mà Apolat Legal muốn chia sẻ đến bạn. Nếu cần được tư vấn chi tiết hơn về vấn đề này, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo thông tin dưới đây nhé:
Thông tin liên hệ:
- HCM: Tầng 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hồ Chí Minh.
- HN: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
- Điện thoại: 0911 357 447
- Email: info@apolatlegal.com
- Website: apolatlegal.com
Tham khảo thêm các bài viết liên quan
- Hồ sơ đăng ký chuyển nhượng nhãn hiệu
- Yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Sở hữu trí tuệ và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.