Quản lý khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm

Quản lý khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là một khía cạnh quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn khái niệm và quy định cơ bản liên quan đến quản lý khoản vay này, cùng với những câu trả lời cho các thắc mắc phổ biến. Nếu bạn đang quan tâm đến việc nhập khẩu hàng hóa trả chậm và muốn hiểu rõ hơn về cách quản lý rủi ro và tối ưu hóa lợi ích từ khoản vay nước ngoài, hãy tiếp tục đọc để có cái nhìn toàn diện và thực tiễn.

Quản lý khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm

1. Khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư 12/2022/TT-NHNN, khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là khoản nhập khẩu hàng hoá có ngày rút vốn đầu tiên trước ngày thanh toán cuối cùng, trong đó:

– Ngày rút vốn của khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là:

  • Ngày thứ 90 kể từ ngày phát hành chứng từ vận tải trong trường hợp ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản yêu cầu bộ chứng từ thanh toán phải có chứng từ vận tải;
  • Ngày thứ 45 kể từ ngày hoàn thành kiểm tra ghi trên tờ khai hải quan đã được thông quan trong trường hợp ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản không yêu cầu bộ chứng từ thanh toán phải có chứng từ vận tải.

– Ngày thanh toán cuối cùng được xác định là:

  • Ngày thanh toán cuối cùng của thời hạn thanh toán theo hợp đồng;
  • Ngày thanh toán thực tế cuối cùng trong trường hợp không thực hiện theo hợp đồng trả chậm là thời hạn được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày thanh toán cuối cùng.

– Thời hạn khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là thời hạn được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày thanh toán cuối cùng.

2. Quy định thực hiện khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm

3 quy định liên quan đến thực hiện khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm: 

Thứ nhất, căn cứ khoản 2 Điều 4 Thông tư 12/2022/TT-NHNN, các khoản vay tự vay, tự trả dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài theo quy định tại Chương III Thông tư này.

Thứ hai, căn cứ khoản 3 Điều 4 Thông tư 12/2022/TT-NHNN, các giao dịch chuyển tiền trả nợ (gốc, lãi), trả phí liên quan đến khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm không bắt buộc phải thực hiện qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài.

Thứ ba, căn cứ Điều 6 Thông tư 12/2022/TT-NHNN về thực hiện khoản vay nước ngoài sau khi bên đi vay bị chia, tách, hợp nhất hoặc sáp nhập được quy định như sau:

– Khi bên đi vay bị chia, tách, hợp nhất hoặc sáp nhập, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ liên quan đến khoản vay nước ngoài tiếp tục thực hiện trách nhiệm của bên đi vay theo quy định tại Thông tư này.

– Trường hợp chỉ có 01 tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ liên quan đến khoản vay nước ngoài của bên đi vay bị chia, tách: bên cho vay, tổ chức mới thành lập sau khi chia, tổ chức bị tách, tổ chức được tách thỏa thuận bằng văn bản để xác định tổ chức sẽ kế thừa quyền, nghĩa vụ của bên đi vay bị chia, tách trong khoản vay nước ngoài, đảm bảo không trái với các quy định của pháp luật có liên quan.

– Trường hợp sau khi chia, tách có nhiều tổ chức cùng liên đới chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài:

  • Các tổ chức cùng liên đới chịu trách nhiệm phải thỏa thuận bằng văn bản về việc ủy quyền cho một tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính, thực hiện chế độ báo cáo liên quan đến khoản vay nước ngoài theo quy định tại Thông tư này;
  • Các tổ chức cùng liên đới chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài cùng mở một tài khoản thanh toán chung làm tài khoản vay, trả nợ nước ngoài. Trường hợp không cùng mở tài khoản thanh toán chung làm tài khoản vay, trả nợ nước ngoài, các tổ chức này phải đảm bảo việc mở các tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tại cùng 01 ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để tiếp tục trả nợ khoản vay nước ngoài;
  • Trường hợp một trong các tổ chức cùng liên đới chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, việc sử dụng tài khoản để trả nợ khoản vay này sẽ thực hiện theo quy định tại Điều này. Ngân hàng nơi các tổ chức cùng liên đới chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài mở tài khoản để trả nợ khoản vay nước ngoài không bắt buộc phải là ngân hàng nơi mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

– Ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản của bên đi vay bị chia, tách, hợp nhất hoặc sáp nhập có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin về tình hình rút vốn, trả nợ của khoản vay nước ngoài theo yêu cầu của tổ chức kế thừa trách nhiệm trả nợ khoản vay nước ngoài và/hoặc ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản của tổ chức kế thừa trách nhiệm trả nợ khoản vay nước ngoài để các bên có cơ sở tiếp tục thực hiện khoản vay, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài.

3. Một số câu hỏi liên quan đến khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm

3.1 Nhập khẩu hàng hóa trả chậm có phải báo cáo khoản vay?

Nhập khẩu hàng hóa trả chậm phải báo cáo khoản vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước theo Thông tư 12/2022/TT-NHNN. Theo đó, định kỳ chậm nhất 05 ngày của tháng tiếp theo, doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo tình hình thực hiện khoản vay và thực hiện báo cáo tại mẫu “Báo cáo tình hình vay nước ngoài ngắn hạn không được Chính phủ bảo lãnh”.

3.2 Rủi ro khi không thực hiện báo cáo khoản vay

Căn cứ Điều 47 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, trường hợp có vi phạm trong báo cáo khoản vay sẽ bị xử phạt hành chính như sau:

– Trường hợp nộp báo cáo không đúng thời hạn có rủi ro: Phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

– Trường hợp không gửi báo cáo tình hình thực hiện khoản vay: Phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

3.3 Ngày rút vốn của khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm được xác định như thế nào?

Ngày rút vốn của khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là:

– Ngày thứ 90 kể từ ngày phát hành chứng từ vận tải trong trường hợp ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản yêu cầu bộ chứng từ thanh toán phải có chứng từ vận tải;

– Ngày thứ 45 kể từ ngày hoàn thành kiểm tra ghi trên tờ khai hải quan đã được thông quan trong trường hợp ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản không yêu cầu bộ chứng từ thanh toán phải có chứng từ vận tải.

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn. 

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến IPO & Huy động vốn. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.