So sánh vay vốn nước ngoài và vay vốn trong nước

Bên cạnh việc vay vốn nước ngoài, việc vay vốn trong nước thông qua hình thức vay tín dụng đầu tư của Nhà nước cũng là một hoạt động được các doanh nghiệp hướng tới. Hãy cùng Apolat Legal tìm hiểu rõ hơn về sự khác nhau của vay vốn nước ngoài và vay vốn trong nước thông qua các nội dung sau.

So sánh vay vốn nước ngoài và vay vốn trong nước

So sánh vay vốn nước ngoài và vay vốn trong nước thông qua các tiêu chí sau:

1. Đối tượng cho vay

  • Đối với vay vốn trong nước

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/03/2017 của Chính phủ, các đối tượng thuộc diện được cho vay đối với tín dụng đầu tư của Nhà nước bao gồm:

– Đối tượng cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước là khách hàng có dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định này.

– Trường hợp các dự án nêu tại khoản 1 Điều này đã được hưởng tín dụng ưu đãi từ các tổ chức tài chính nhà nước khác thì không được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định tại Nghị định này.

  • Đối với vay vốn nước ngoài

Theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 12/2022/TT-NHNN ngày 30/09/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các đối tượng cần phải đăng ký khi vay vốn nước ngoài bao gồm:

– Bên đi vay ký kết thỏa thuận vay nước ngoài với bên cho vay là người không cư trú.

– Tổ chức chịu trách nhiệm trả nợ trực tiếp cho bên ủy thác trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ký hợp đồng nhận ủy thác cho vay lại với bên ủy thác là người không cư trú.

– Bên có nghĩa vụ trả nợ theo công cụ nợ phát hành ngoài lãnh thổ Việt Nam cho người không cư trú.

– Bên đi thuê trong hợp đồng cho thuê tài chính với bên cho thuê là người không cư trú.

– Tổ chức kế thừa nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài thuộc đối tượng đăng ký, đăng ký thay đổi theo quy định tại Thông tư này trong trường hợp bên đi vay đang thực hiện khoản vay nước ngoài thì thực hiện chia, tách, hợp nhất hoặc sáp nhập.

2. Điều kiện cho vay

  • Đối với vay vốn trong nước

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/03/2017 của Chính phủ, khi tiến hành vay vốn trong nước, người vay cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

  1. Thuộc đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này.
  2. Có đầy đủ năng lực pháp luật và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
  3. Dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay.
  4. Có vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án, mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
  5. Thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật.
  6. Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét cho vay, giải ngân vốn vay.
  7. Mua bảo hiểm tài sản tại một doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản bảo đảm tiền vay.
  8. Khách hàng thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật.
  • Đối với vay vốn nước ngoài

Theo quy định tại Thông tư số 12/2014/TT-NHNN ngày 31/03/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khi vay vốn nước ngoài, doanh nghiệp sẽ cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện chung và điều kiện bổ sung theo quy định pháp luật.

Trong đó, các điều kiện chung sẽ bao gồm các điều kiện về:

– Mục đích vay nước ngoài;

– Thỏa thuận vay nước ngoài;

– Đồng tiền vay nước ngoài;

– Các giao dịch bảo đảm cho khoản vay nước ngoài;

– Chi phí vay nước ngoài.

Đồng thời, các điều kiện bổ sung sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau, bao gồm 02 trường hợp sau:

– Bên đi vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

– Bên đi vay không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Thời hạn cho vay

  • Đối với vay vốn trong nước

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/03/2017 của Chính phủ, thời hạn cho vay đối với khoản vay trong nước được quy định như sau:

– Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm. Riêng các dự án đầu tư thuộc nhóm A thời hạn cho vay vốn tối đa là 15 năm.

– Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án trên cơ sở kết quả thẩm định dự án và phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này.

– Đối với các dự án đặc biệt cần phải cho vay vượt quá thời hạn cho vay tối đa quy định tại khoản 1 Điều này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

  • Đối với vay vốn nước ngoài

Theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 12/2022/TT-NHNN ngày 30/09/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời hạn cho vay đối với hoạt động vay vốn nước ngoài sẽ được xác định như sau:

  1. Đối với các khoản vay quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư này, thời hạn khoản vay được xác định từ ngày dự kiến rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ gốc cuối cùng trên cơ sở các quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài.
  2. Đối với các khoản vay quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này, thời hạn khoản vay được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ gốc cuối cùng trên cơ sở các quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, thỏa thuận gia hạn vay nước ngoài.
  3. Đối với các khoản vay quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư này, thời hạn khoản vay được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ gốc cuối cùng.
  4. Ngày rút vốn quy định tại Điều này là:
    • Ngày tiền được ghi “có” trên tài khoản của bên đi vay đối với các khoản vay giải ngân bằng tiền;
    • Ngày bên cho vay thanh toán cho người không cư trú cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ với người cư trú là bên đi vay;
    • Ngày bên đi vay được ghi nhận là hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên cho vay trong trường hợp các bên lựa chọn rút vốn khoản vay nước ngoài trung, dài hạn dưới hình thức thanh toán bù trừ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 34 Thông tư này.
    • Ngày bên đi vay nhận tài sản thuê đối với các khoản vay dưới hình thức thuê tài chính nước ngoài phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan;
    • Ngày bên đi vay được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ngày ký hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng PPP), ngày các bên ký thỏa thuận vay nước ngoài để chuyển số tiền chuẩn bị đầu tư thành vốn vay (tùy thuộc ngày nào đến sau), áp dụng đối với khoản vay nước ngoài phát sinh từ việc chuyển số tiền thực hiện chuẩn bị đầu tư của các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành vốn vay nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

4. Đồng tiền cho vay

  • Đối với vay vốn trong nước

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, đồng tiền cho vay đối với khoản vay vốn trong nước được xác định như sau:

  1. Đồng tiền cho vay và thu hồi nợ là đồng Việt Nam.
  2. Đối với các dự án ODA, dự án cho vay từ nguồn vốn vay nước ngoài, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được cho vay và thu hồi nợ bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về cơ chế cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  • Đối với vay vốn nước ngoài

Căn cứ theo Điều 7 Thông tư số 12/2014/TT-NHNN ngày 31/03/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khi vay vốn nước ngoài, đồng tiền cho vay sẽ được xác định như sau:

  1. Đồng tiền vay nước ngoài là ngoại tệ.
  2. Vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau:
    • a) Bên đi vay là tổ chức tài chính vi mô;
    • b) Bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vay từ nguồn lợi nhuận được chia bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên đi vay;
    • c) Các trường hợp khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp.

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến IPO & Huy động vốn. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.