Quy định pháp luật về đóng thuế cho người lao động

1. Các văn bản quy phạm pháp luật chính về thuế thu nhập cá nhân

Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật sẽ bao gồm 2 loại: văn bản luật và văn bản dưới luật. Trong đó, văn bản luật là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, bao gồm Hiến pháp, các luật, bộ luật và các nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật của Quốc Hội.

Bên cạnh văn bản luật, các văn bản dưới luật sẽ bao gồm:

  • Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
  • Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
  • Nghị quyết, nghị định của Chính phủ;
  • Quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ;
  • Quyết định, chỉ thị, thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án toà án nhân dân tối cao, viện trưởng : Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
  • Nghị quyết, thông tư liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị – xã hội;
  • Nghị quyết của hội đồng nhân dân các cấp;
  • Quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân các cấp.

Đối với lĩnh vực Thuế nói chung và đặc biệt là trong lao động nói riêng, liên quan đến lĩnh vực thuế cho người lao động, các văn bản quy phạm pháp luật chính về thuế thu nhập cá nhân bao gồm:

  • Luật Thuế thu nhập cá nhân;
  • Nghị định số 65/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân;
  • Nghị định số 12/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế;
  • Quyết định số 102/2008/QĐ-BTC về mẫu chứng từ thu thuế thu nhập cá nhân do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
  • Quyết định số 814/QĐ-BTC năm 2010 đính chính Thông tư 37/2010/TT-BTC hướng dẫn về phát hành, sử dụng, quản lý chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tự in trên máy tính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
  • Thông tư số 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
  • Thông tư số 20/2010/TT-BTC hướng dẫn thủ tục hành chính về thuế thu nhập cá nhân do Bộ Tài chính ban hành;
  • Thông tư số 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 71/2014/QH13 và Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
  • Thông tư số 151/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định quy định về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
  • Thông tư số 119/2014/TT-BTC sửa đổi Thông tư 156/2013/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC, 219/2013/TT-BTC, 08/2013/TT-BTC, 85/2011/TT-BTC, 39/2014/TT-BTC và 78/2014/TT-BTC để cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
  • Thông tư số 96/2016/TT-BTC hướng dẫn hồ sơ, thủ tục miễn thuế thu nhập cá nhân đối với Chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
  • Thông tư số 42/2019/TT-BTC bãi bỏ Thông tư 128/2014/TT-BTC hướng dẫn về giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân làm việc tại khu kinh tế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
  • Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh do Bộ Tài chính ban hành;
  • Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Quy định pháp luật về đóng thuế cho người lao động
Ngoài Luật Thuế thu nhập cá nhân, còn có một số văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động

2. Những đối tượng nào phải nộp thuế thu nhập cá nhân

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013 của Chính Phủ, đối với thuế cho người lao động, người nộp thuế thu nhập cá nhân bao gồm cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định này. Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:

– Đối với cá nhân cư trú: thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập;

– Đối với cá nhân không cư trú: thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.

Trong đó, cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;

Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo quy định tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.

b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:

– Có nơi ở đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú;

– Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế.

Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại Điểm này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là đối tượng cư trú của nước nào thì cá nhân đó là đối tượng cư trú tại Việt Nam.

Đồng thời, cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại những điều trên.

Bên cạnh thuế thu nhập cá nhân đối với những đối tượng trên, Quý độc giả có thể tìm hiểu thêm về thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ tại đây.

Quy định pháp luật về đóng thuế cho người lao động
Pháp luật đã có những quy định cụ thể về những đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân

3. Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Chính Phủ, thuế cho người lao động từ tiền lương, tiền công sẽ được tính theo công thức sau:

Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp = (Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công Các khoản giảm trừ) x Thuế suất

Trong đó:

  • Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công nhận được dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:

– Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công;

– Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ;

– Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang;

– Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm;

– Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực;

– Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội;

– Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật;

– Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao;

– Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một lần đối với cán bộ, công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo theo quy định của pháp luật. Trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người Việt Nam cư trú dài hạn ở nước ngoài về Việt Nam làm việc;

– Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản;

– Phụ cấp đặc thù ngành nghề.

Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế quy định tại Điểm này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

  • Các khoản giảm trừ bao gồm:

– Giảm trừ gia cảnh.

– Các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện.

  • Thuế suất thuế thu nhập cá nhân:

Khi tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công, sẽ áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần như sau:

Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) Thuế suất (%)
1 Đến 60 Đến 5 5
2 Trên 60 đến 120 Trên 5 đến 10 10
3 Trên 120 đến 216 Trên 10 đến 18 15
4 Trên 216 đến 384 Trên 18 đến 32 20
5 Trên 384 đến 624 Trên 32 đến 52 25
6 Trên 624 đến 960 Trên 52 đến 80 30
7 Trên 960 Trên 80 35

Ngoài ra, đối với thuế cho người lao động là cá nhân không cư trú, thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (×) với thuế suất 20%

Quy định pháp luật về đóng thuế cho người lao động
Người lao động cần phải đóng đúng số thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật

4. Nghĩa vụ thuế của người lao động nước ngoài

Theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính, Người nộp thuế sẽ bao gồm:

– Cá nhân cư trú

– Cá nhân không cư trú

Theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 2 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 65/2013/NĐ-CP), có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP.

Trong đó, đối với thuế cho người lao động, phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:

– Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.

– Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia.

– Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

Như vậy:

– Đối với người lao động nước ngoài tại Việt Nam là cá nhân cư trú tại Việt Nam, người đó vẫn có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân dựa trên thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.

– Đối với người lao động nước ngoài tại Việt Nam là cá nhân không cư trú, người đó sẽ có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân dựa trên thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

Quy định pháp luật về đóng thuế cho người lao động
Người lao động nước ngoài tại Việt Nam có nghĩa vụ phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo pháp luật quy định

5. Mức phạt chậm nộp hồ sơ kê khai và chậm nộp thuế Thu nhập cá nhân

5.1 Đối với việc chậm nộp hồ sơ kê khai thuế Thu nhập cá nhân

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính Phủ, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng lại chậm nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân sẽ bị các mức xử phạt sau:

– Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.

– Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;

b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.

Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.

5.2 Đối với việc chậm nộp thuế Thu nhập cá nhân

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019 đã quy định, cá nhân chậm nộp thuế Thu nhập cá nhân sẽ phải chịu mức tính tiền chậm nộp như sau:

– Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;

– Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp quy định tại khoản 1 Điều này đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.

Quy định pháp luật về đóng thuế cho người lao động
Nếu chậm nộp hồ sơ kê khai và thuế thu nhập cá nhân, người lao động sẽ bị phạt theo quy định pháp luật

Trên đây là những tư vấn của Apolat Legal cho Quý độc giả đối với Quy định pháp luật về đóng thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Thuế cho người lao động là một nghĩa vụ vô cùng quan trọng mà bất kỳ cá nhân nào lao động tại Việt Nam cũng cần phải tuân theo. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào, Quý độc giả hãy liên hệ ngay với Apolat Legal để có được sự hỗ trợ nhanh chóng và chính xác nhất.

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Lao động và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.