Biện Pháp Khẩn Cấp Tạm Thời Trong Vụ Kiện Trọng Tài Tại Việt Nam

Hiện nay, việc áp dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế ngoài tòa án (trọng tài, hòa giải, thương lượng) đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các tranh chấp có giá trị lớn hoặc tranh chấp liên quan đến các giao dịch quốc tế. Trong một vụ tranh chấp, không phải lúc nào các bên tranh chấp cũng sẽ hợp tác và có thiện chí để cùng nhau giải quyết tranh chấp. Trong nhiều trường hợp, một bên tranh chấp phải viện dẫn đến các biện pháp khẩn cấp tạm thời từ hội đồng trọng tài hoặc tòa án để đảm bảo khả năng giải quyết vụ việc và thi hành phán quyết đối với bên còn lại. Đây là quyền và cũng là cách hữu hiệu để một bên bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Bài viết này sẽ tóm tắt các lưu ý chính mà các bên cần xem xét nếu họ muốn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài.

1. Biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng bởi hội đồng trọng tài

Theo quy định tại Điều 48.1 Luật Trọng tài Thương mại 2010 (“LTTTM”), một bên tranh chấp có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài hoặc tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của LTTTM hoặc pháp luật liên quan, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Cơ quan thi hành án dân sự sẽ hỗ trợ các bên thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng. 

Theo đó, hội đồng trọng tài có quyền ban hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 49.2 của LTTTM, gồm:

  • cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
  • cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;
  • kê biên tài sản đang tranh chấp;
  • yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;
  • yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;
  • cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

Các bên cũng cần lưu ý rằng, nếu một bên đã yêu cầu tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 49.2 LTTTM và đồng thời yêu cầu hội đồng trọng tài ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời tương tự thì hội đồng trọng tài sẽ từ chối yêu cầu đó. Ngược lại, một bên cũng không thể yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu trước đó đã yêu cầu hội đồng trọng tài thực hiện, trừ trường hợp biện pháp khẩn cấp tạm thời đó không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài.

Khi đánh giá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hội đồng trọng tài có thể yêu cầu bên yêu cầu cung cấp một khoản đảm bảo tài chính. Người nộp đơn phải đảm bảo một khoản tiền, kim khí quý, đá quý tương đương với giá trị thiệt hại có thể phát sinh do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra để bảo vệ lợi ích của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong trường hợp việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không phù hợp, LTTTM cũng quy định rằng hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng hoặc vượt quá yêu cầu của một bên có thể bị một bên khởi kiện về những thiệt hại và tổn thất do việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không phù hợp đó gây ra.

2. Biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng bởi tòa án

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu các bên trong hợp đồng đã thỏa thuận rằng tranh chấp phát sinh từ hợp đồng sẽ được giải quyết bằng trọng tài thì Tòa án sẽ không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó. Tuy nhiên, tòa án vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tố tụng trọng tài. Một trong những vai trò quan trọng của tòa án là một bên có thẻ yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo  quy định của LTTTM. 

Theo đó, theo Điều 53 của LTTTM, một bên có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời sau khi nộp đơn khởi kiện, đặc biệt là khi hội đồng trọng tài chưa được thành lập hoặc đối với các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà hội đồng trọng tài không có thẩm quyền áp dụng. LTTTM cũng quy định rằng trình tự và thủ tục áp dụng, thay đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án sẽ tuân theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Mặc dù Điều 48.1 của LTTTM quy định rằng tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩm cấp tạm thời theo LTTTM và các luật có liên quan, bao gồm Bộ luật Tố tụng Dân sự, Điều 12 của Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP có thể được hiểu là tòa án chỉ được phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời được liệt kê theo Điều 49.2 của LTTTM. Thực vậy, trên thực tế, một số thẩm phán có quan điểm rằng tòa án không thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngoài các trường hợp theo Điều 49.2 của LTTTM, ví dụ như phong tỏa tài khoản ngân hàng của một bên tranh chấp, mặc dù việc phong tỏa tài khoản ngân hàng là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc thẩm quyền của tòa án theo luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, chúng tôi có quan điểm rằng loại biện pháp khẩn cấp tạm thời mà tòa án có thể áp dụng trong vụ kiện trọng tài bao gồm cả những biện pháp mà hội đồng trọng tài có thể áp dụng theo Điều 49.2 LTTTM và những biện pháp thuộc thẩm quyền của tòa án theo luật tố tụng dân sự.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.