1. Căn cứ pháp lý
– Luật đất đai 2013;
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
2. Tổng quan về tranh chấp đất đai
2.1. Khái niệm
Căn cứ vào khoản 24, Điều 3, Luật Đất đai 2013 quy định về tranh chấp đất đai là:
“24. Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.”
Như vậy, chỉ những tranh chấp với mục đích xác định ai là chủ thể có quyền sử dụng đất (kể cả tranh chấp ranh giới giữa các mảnh đất) mới được xem là tranh chấp đất đai.
2.2. Đặc điểm
- Đối tượng của tranh chấp đất đai là quyền sử dụng, quyền quản lý và những lợi ích phát sinh từ quá trình sử dụng đất không thuộc quyền sở hữu của các bên tranh chấp.
- Các đối tượng tranh chấp đất đai chỉ là người sử dụng và quản lý đất, không có quyền sở hữu đất.
- Việc tranh chấp đất đai không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của các bên tranh chấp mà còn tác động trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước. Bởi lẽ khi tranh chấp xảy ra dẫn đến một bên tranh chấp không được thực hiện những quyền của mình và làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
3. Quy định của pháp luật của các hình thức tranh chấp đất đai
3.1. Quy định của pháp luật về tranh chấp quyền sử dụng đất
- Tranh chấp giữa những người sử dụng đất về ranh giới giữa các thửa đất thuộc quyền sử dụng và quản lý. Loại tranh chấp này thường phát sinh khi hai bên không xác định được ranh giới hoặc một bên tự ý thay đổi ranh giới.
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong quan hệ ly hôn giữa vợ, chồng, quan hệ thừa kế.
- Tranh chấp giữa đồng bào dân tộc bản địa với đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới, giữa đồng bào bản địa với lâm trường, nông trường và các tổ chức sử dụng đất khác.
- Tranh chấp đòi lại đất, tài sản gắn liền với đất của người thân trong thời kỳ trước đây đã bị chia, cấp cho người khác thông qua các cuộc điều chỉnh ruộng đất.
3.2. Quy định của pháp luật về tranh chấp quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất
- Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng về chuyển nhượng, chuyển đổi, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất.
- Tranh chấp về việc bồi thường mặt bằng khi Nhà nước có dự án thu hồi đất cho mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia.
3.3. Quy định của pháp luật về tranh chấp mục đích sử dụng đất
- Tranh chấp về mục đích sử dụng của các nhóm đất khác nhau, nhất là với đất nông nghiệp như đất nuôi tôm với đất trồng lúa, đất cao su với đất trồng cà phê, đất thổ cư với đất hương hỏa,…
4. Thông tư hướng dẫn giải quyết tranh chấp đất đai
4.1. Hồ sơ
Hồ sơ yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai gồm những tài liệu, giấy tờ như sau:
- Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
- Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Trích lục hồ sơ, bản đồ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến thửa đất đang tranh chấp.7
- Các tài liệu để chứng cứ, chứng minh liên quan đến việc giải quyết tranh chấp.
- Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành hoặc quyết định giải quyết tranh chấp.
4.2. Thủ tục
Căn cứ theo Điều 89, Nghị định 43/2014/ NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 148/2020/NĐ-CP), thủ tục thực hiện yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ.
Người yêu cầu giải quyết tranh chấp chuẩn bị hồ sơ như đã đề cập ở mục trên và nộp hồ sơ:
- Đối với cá nhân, hộ gia đình: nộp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Đối với tổ chức, người Việt Nam định cư nước ngoài, cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: nộp tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu giải quyết tranh chấp đất dai
Bước 2: Tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền tiếp nhận và xem xét hồ sơ:
- Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, không đầy đủ: trong 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ điều chỉnh, bổ sung hồ sơ đúng theo quy định.
- Nếu hồ sơ hợp lệ: cơ quan tiếp nhận thụ lý hồ sơ.
Bước 3: Giải quyết yêu cầu tranh chấp đất đai
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thẩm quyền giao trách nhiệm cho cơ quan tham mưu xem xét và giải quyết hồ sơ yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
- Sau khi nhận trách nhiệm, cơ quan tham mưu có nhiệm vụ:
- Thẩm tra, xác minh vụ việc.
- Tổ chức cuộc họp hòa giải với sự tham gia của các bên tranh chấp đồng thời tổ chức cuộc họp gồm các ban ngành liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai nếu cần thiết.
- Hoàn chỉnh hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai và trình lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền để ban hành quyết định giải quyết tranh chấp.
Bước 4: Trả kết quả giải quyết tranh chấp đất đai
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành và gửi đến các bên tranh chấp.
Nếu không đồng ý với kết quả này thì có thể khiếu nại lên Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật
Xem thêm bài viết: Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai mới nhất hiện nay
5. Một số thay đổi bổ sung của Luật Đất đai năm 2013 về giải quyết tranh chấp đất đai
- Luật Đất đai 2013 sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai là không quá 45 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
- Bổ sung quy định về trách nhiệm thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã cần thực hiện các việc sau:
“a) Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất.
b) Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
c) Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.”
Sửa đổi, bổ sung quy định kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được thể hiện bằng văn bản, có chữ ký của các bên tranh chấp, Chủ tịch hội đồng, các thành viên tham gia và phải đóng dấu của Ủy ban nhân dân xã.
Bổ sung quy định: “Sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.”
Luật đất đai 2013 có một số thay đổi bổ sung về giải quyết tranh chấp đất đai
- Bổ sung quy định: “Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.”
- Bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai với trường hợp hòa giải không thành tại Ủy ban nhân dân cấp xã nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp lệ thì được chọn một trong hai hình thức giải quyết sau đây:
“(a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
- Sửa đổi, bổ sung quy định về trường hợp bên tranh chấp lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân có thẩm quyền thì thực hiện như sau:
“(a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
(b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.”
- Bổ sung quy định thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, tỉnh gồm:
“(a) Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nộp đơn tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền;
(b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết.
(c) Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.”
Như vậy Apolat Legal đã giới thiệu chi tiết cho bạn về thông tư hướng dẫn giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến nội dung này, bạn hãy liên hệ với Apolat theo thông tin dưới đây để được tư vấn ngay nhé.
Thông tin liên hệ:
- HCM: Tầng 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hồ Chí Minh.
- HN: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
- Điện thoại: 0911 357 447
- Email: info@apolatlegal.com
- Website: apolatlegal.com
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.