1. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về an toàn lao động
Dưới đây là các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao động mới nhất:
– Bộ luật Lao động 2019;
– Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân 1989;
– Luật Công đoàn 2012;
– Luật Bảo vệ môi trường 2020;
– Luật Phòng cháy chữa cháy 2013;
– Luật Hóa chất 2007;
– Luật An toàn vệ sinh lao động 2015;
– Luật Năng lượng Nguyên tử 2008;
– Nghị định 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
– Nghị định 136/2020 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
– Nghị định 83/2017/NĐ-CP Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;
– Nghị định 23/2018/NĐ-CP Quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
– Nghị định 97/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 23/2018/NĐ-CP về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
– Nghị định 113/2017/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Hóa chất;
– Nghị định 82/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hóa chất;
– Nghị định 44/2016/NĐ-CP Hướng dẫn Luật An toàn vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động;
– Nghị định 140/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Nghị định 39/2016/NĐ-CP Hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động;
– Thông tư 149/2020/TT-BCA Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
– Thông tư 17/2021/TT-BCA Quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
– Thông tư 32/2017/TT-BCT Hướng dẫn Luật Hóa chất và Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hóa chất do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành;
– Thông tư 31/2018/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;
– Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH Quy định nội dung tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;
– Thông tư 19/2016-TT-BYT Hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
– Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH Ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;
– Thông tư 54/2016-TT-BLĐTBXH Ban hành 30 quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH Ban hành danh mục có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;
– Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH Quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động;
– Thông tư 14/2011/TT-BYT Hướng dẫn chung về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Y tế ban hành;
– Quyết định 26/2016/QĐ-TTg Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
2. An toàn lao động là gì?
Để trả lời cho câu hỏi “An toàn lao động là gì?” cần căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động mới nhất (2015), “An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động”.
Như vậy, có thể hiểu, an toàn lao động là các giải pháp cần thiết để phòng, chống các tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của người lao động trong quá trình làm việc.
3. Nguyên tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động
Căn cứ Điều 5 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, nguyên tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cụ thể bao gồm:
– Bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động;
– Tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động;
– Tham vấn ý kiến tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; Hội đồng về an toàn, vệ sinh lao động các cấp trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động.
4. Trách nhiệm tổ chức huấn luyện lao động
Căn cứ Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động mới nhất (2015), trách nhiệm tổ chức huấn luyện lao động về đảm bảo an toàn lao động được quy định như sau:
– Người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, an toàn, vệ sinh viên trong cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và được tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cấp giấy chứng nhận sau khi kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu.
Trường hợp có thay đổi về chính sách, pháp luật hoặc khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động thì phải được huấn luyện, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động.
– Người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và cấp thẻ an toàn trước khi bố trí làm công việc này.
– Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động phải được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và được cấp thẻ an toàn.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí cho người lao động quy định tại khoản này khi tham gia khóa huấn luyện. Mức, đối tượng và thời gian hỗ trợ do Chính phủ quy định chi tiết tùy theo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.
– Người sử dụng lao động tự tổ chức huấn luyện và chịu trách nhiệm về chất lượng huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, người học nghề, tập nghề, người thử việc trước khi tuyển dụng hoặc bố trí làm việc và định kỳ huấn luyện lại nhằm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, phù hợp với vị trí công việc được giao.
– Việc huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Điều này phải phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng ngành nghề, vị trí công việc, quy mô lao động và không gây khó khăn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động chủ động tổ chức huấn luyện riêng về an toàn, vệ sinh lao động hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về an toàn, vệ sinh lao động với huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy hoặc nội dung huấn luyện khác được pháp luật chuyên ngành quy định.
– Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật đầu tư và Luật này.
Trường hợp doanh nghiệp tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì phải đáp ứng điều kiện hoạt động như đối với tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
5. Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động
5.1 Người lao động làm việc theo hợp đồng
a. Quyền về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động làm việc theo hợp đồng có các quyền sau đây:
– Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc;
– Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động;
– Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;
– Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
b. Nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động mới nhất (2015), người lao động làm việc theo hợp đồng có các nghĩa vụ sau đây:
– Chấp hành nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể;
– Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
– Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5.2 Người lao động làm việc không theo hợp đồng
a. Quyền về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động
Căn cứ khoản 3 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động làm việc không theo hợp đồng có các quyền sau đây:
– Được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động; được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để làm việc trong môi trường an toàn, vệ sinh lao động;
– Tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác an toàn, vệ sinh lao động; được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;
– Tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện;
– Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
b. Nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động
Căn cứ khoản 4 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động mới nhất (2015), người lao động làm việc không theo hợp đồng có các nghĩa vụ sau đây:
– Chịu trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động đối với công việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật;
– Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với những người có liên quan trong quá trình lao động;
– Thông báo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất an toàn, vệ sinh lao động.
6. Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động
6.1 Quyền về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người sử dụng lao động có các quyền sau đây:
– Yêu cầu người lao động phải chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
– Khen thưởng người lao động chấp hành tốt và kỷ luật người lao động vi phạm trong việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động;
– Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật;
– Huy động người lao động tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, tai nạn lao động.
6.2 Nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động mới nhất (2015), người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
– Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
– Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
– Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động;
– Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;
– Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động;
– Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động;
– Lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
7. Những hành vi bị nghiêm cấm trong an toàn, vệ sinh lao động
Căn cứ Điều 12 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, các hành vi bị nghiêm cấm trong an toàn, vệ sinh lao động bao gồm:
– Che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến người, tài sản, môi trường; buộc người lao động phải làm việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ hoặc buộc người lao động tiếp tục làm việc khi các nguy cơ đó chưa được khắc phục.
– Trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không đúng quy định của pháp luật; truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
– Sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không được kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.
– Gian lận trong các hoạt động kiểm định, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, người sử dụng lao động.
– Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phân biệt đối xử vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế.
– Sử dụng lao động hoặc làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động khi chưa được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
– Trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật.
Trên đây là các thông tin quy định về an toàn lao động mới nhất. Hy vọng bài viết đã mang đến cho các bạn những kiến thức bổ ích. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ để được tư vấn nhanh nhất!
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Lao động. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Lao động và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.