1. Trường hợp tên miền bị xem là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Tên miền “.vn” là tên miền quốc gia Việt Nam cấp cao nhất thuộc quyền quản lý của Việt Nam. Trên thực tế, vẫn tồn tại trường hợp chủ thể sử dụng tên miền vi phạm sở hữu trí tuệ của các chủ thể khác. Khoản 2 Điều 16 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định các trường hợp tên miền vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm:
“a) Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của nguyên đơn; trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ mà nguyên đơn là người có quyền hoặc lợi ích hợp pháp;
b) Bị đơn không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó;
c) Bị đơn cho thuê hay chuyển giao tên miền cho nguyên đơn là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ trùng hoặc giống đến mức gây nhầm lẫn với tên miền đó; cho thuê hay chuyển giao cho đối thủ cạnh tranh của nguyên đơn vì lợi ích riêng hoặc để kiếm lời bất chính;
d) Bị đơn chiếm dụng, ngăn cản không cho nguyên đơn là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ đăng ký tên miền tương ứng với tên, nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ đó nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh;
đ) Bị đơn sử dụng tên miền để hủy hoại danh tiếng của nguyên đơn, cản trở hoạt động kinh doanh của nguyên đơn hoặc gây sự nhầm lẫn, gây mất lòng tin cho công chúng đối với tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ của nguyên đơn nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh;
e) Trường hợp khác chứng minh được việc bị đơn sử dụng tên miền vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.”
Như vậy, nếu chủ thể sử dụng tên miền thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì được xem là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp bị vi phạm có thể yêu cầu giải quyết tại Cơ quan quản lý tên miền “.vn”, Trọng tài hoặc khởi kiện tại Tòa án.
2. Các trường hợp bị đơn có quyền sử dụng tên miền hợp pháp
Khoản 3 Điều 16 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định về các trường hợp bị đơn có quyền và lợi ích hợp pháp đối với tên miền như sau:
“3. Bị đơn được coi là có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền khi đáp ứng một trong những Điều kiện sau đây:
a) Đã sử dụng hoặc có bằng chứng rõ ràng đang chuẩn bị sử dụng tên miền hoặc tên tương ứng với tên miền đó liên quan đến việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ một cách thực sự trước khi có tranh chấp;
b) Được công chúng biết đến bởi tên miền đó cho dù không có quyền nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ;
c) Đang sử dụng tên miền một cách hợp pháp không liên quan tới thương mại hoặc sử dụng tên miền một cách chính đáng, không vì mục đích thương mại hoặc làm cho công chúng hiểu sai hoặc nhầm lẫn, ảnh hưởng tới tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ của nguyên đơn;
d) Có bằng chứng khác chứng minh được tính hợp pháp của bị đơn liên quan đến tên miền.”
3. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại tên miền “.vn” được thực hiện khi nào
Buộc trả lại tên miền “.vn” là một trong các biện pháp khắc phục hậu quả có thể được áp dụng đối với hành vi sử dụng tên miền “.vn” vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tại Điều 6 Thông tư Liên tịch 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN quy định như sau:
“Điều 6. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại tên miền “.vn”
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính áp dụng biện pháp buộc trả lại tên miền “.vn” trong trường hợp chủ thể sử dụng tên miền “.vn” thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ, đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:
1. Tên miền “.vn” trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ mà chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý là người có quyền hoặc lợi ích hợp pháp.
2. Chủ thể sử dụng tên miền “.vn” không có quyền và lợi ích hợp pháp đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ.
3. Nội dung trang thông tin điện tử đi kèm theo tên miền “.vn” có chứa các thông tin quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào bán hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan, làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng hoặc vật chất đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý; hoặc chứa các thông tin bôi nhọ, nói xấu sản phẩm, hàng hóa; dịch vụ tương ứng của chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý.”
Chủ thể có hành vi đáp ứng đầy đủ các nội dung trên sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại tên miền “.vn”.
4. Trình tự thu hồi tên miền vi phạm sở hữu trí tuệ
Tên miền vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Vì vậy, khi xác định có vi phạm, một trong các biện pháp thay đổi thông tin, trả lại hoặc thu hồi tên miền “.vn” sẽ được áp dụng. Với biện pháp thu hồi tên miền, trình tự thủ tục thực hiện được quy định tại Điều 10 Thông tư Liên tịch 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN.
“Điều 10. Trình tự, thủ tục thu hồi tên miền “.vn”
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư này, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm gửi văn bản yêu cầu cơ quan quản lý tên miền “.vn” thu hồi tên miền “.vn” đã nêu trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
2. Đối với các trường hợp phải thu hồi tên miền theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư này, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm gửi văn bản yêu cầu cơ quan quản lý tên miền “.vn” thu hồi (tịch thu) tên miền “.vn” đã nêu trong quyết định, xử phạt vi phạm hành chính.
3. Khi nhận được văn bản yêu cầu thu hồi tên miền của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm, cơ quan quản lý tên miền “.vn” thực hiện các nghiệp vụ kỹ thuật liên quan đến tên miền “.vn” trên hệ thống máy chủ tên miền quốc gia để thu hồi tên miền trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản và gửi văn bản thông báo kết quả cho cơ quan xử lý vi phạm hành chính và nhà đăng ký tên miền “.vn” có liên quan.”
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Sở hữu trí tuệ và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.