Quy định về góp vốn thành lập công ty, doanh nghiệp

Góp vốn là hình thức góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Trong quá trình thành lập doanh nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian trong việc tìm hiểu và tổng hợp toàn bộ thông tin về điều kiện góp vốn thành lập doanh nghiệp cũng như các quy định pháp luật về góp vốn. Để tiết kiệm thời gian cho các chủ doanh nghiệp, bài viết dưới đây sẽ làm rõ khái niệm góp vốn thành lập doanh nghiệp, các điều kiện cần thiết để góp vốn cũng như các quy định về tài sản, pháp lý và thủ tục góp vốn của doanh nghiệp!

điều kiện chủ thể góp vốn
Điều kiện, quy định và thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp

1. Góp vốn thành lập công ty là gì?

Góp vốn thành lập doanh nghiệp là quá trình mà các cá nhân hoặc tổ chức đóng góp một lượng tài sản nhất định vào doanh nghiệp tạo thành vốn điều lệ với mục tiêu thực hiện các hoạt động kinh doanh.Trong đó:

  • Tài sản này có thể là tiền mặt, quyền sử dụng đất, tài sản sở hữu trí tuệ, công nghệ và các loại tài sản khác có thể định giá được bằng tiền.
  • Góp vốn được thực hiện khi thành lập công ty hoặc góp thêm để tăng vốn điều lệ.

Mục tiêu của việc góp vốn là để doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính và vật chất để hoạt động, phát triển, và đối mặt với các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình kinh doanh.

Thông thường, quá trình này sẽ được thực hiện dựa trên các thỏa thuận giữa các cổ đông hoặc thành viên của doanh nghiệp và được ghi rõ trong điều lệ doanh nghiệp cũng như các hợp đồng kèm theo.

Các điều kiện và quy định về việc góp vốn thường được quy định trong các luật và quy chế có liên quan, chẳng hạn như Luật Doanh nghiệp của Việt Nam. Trong đó, có các quy định chi tiết về đối tượng có quyền góp vốn, loại hình và giá trị tài sản có thể góp, thời hạn và phương thức góp vốn, và nhiều yếu tố khác.

2. Điều kiện góp vốn thành lập doanh nghiệp

2.1. Điều kiện về chủ thể góp vốn

Căn cứ vào khoản 3 điều 17 luật Doanh nghiệp 2020, đối tượng được góp vốn để thành lập doanh nghiệp có thể là cá nhân hoặc tổ chức, miễn là họ đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc các trường hợp bị cấm góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan khác của Việt Nam. Dưới đây là một số đối tượng tiêu biểu:

  • Cá nhân: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không bị hạn chế hoặc tước đoạt quyền làm chủ tài sản.
  • Doanh nghiệp khác: Các công ty hoặc doanh nghiệp có thể góp vốn để thành lập một doanh nghiệp mới, miễn là việc đó không vi phạm các quy định về quản lý vốn, quyền lợi của các bên liên quan, và các quy định khác của pháp luật.
  • Tổ chức tài chính: Các ngân hàng, các quỹ đầu tư, và các tổ chức tài chính khác đều có thể góp vốn, miễn là họ tuân thủ các quy định pháp luật.
  • Tổ chức nước ngoài: Các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài cũng có thể góp vốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam và phải tuân thủ một số quy định và hạn chế đặc biệt, như tỷ lệ vốn nước ngoài tối đa, ngành nghề có điều kiện và các quy định về đầu tư nước ngoài.

Mọi đối tượng góp vốn đều phải tuân theo các quy định về thủ tục, hồ sơ, và lệ phí theo quy định của pháp luật khi tham gia góp vốn để thành lập doanh nghiệp.

HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, HoSE: SJS) đã công bố nghị quyết thông qua phương án góp vốn hợp tác kinh doanh.

Ví dụ: Đầu năm 2023 Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Đức Trí (Công ty Đức Trí) góp 880 tỷ đồng vào công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị & KCN Sông Đà (Sudico). Vốn góp sử dụng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Sudico, thêm vào đó là thực hiện kinh doanh tại dự án Khu đô thị Nam An Khánh. Công ty Đức Trí hưởng lợi ích của việc góp vốn bằng khoản lãi phát sinh từ vốn góp cộng với lợi ích tăng thêm.

2.2. Điều kiện về chủ thể được nhận vốn góp

Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14 quy định chủ thể có quyền nhận vốn góp thành lập doanh nghiệp bao gồm công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần.

Vốn góp này sẽ được sử dụng để phát triển các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm nhưng không giới hạn đến việc mua sắm tài sản, thanh toán các khoản chi phí, và thực hiện các dự án kinh doanh. Đối với từng loại hình doanh nghiệp vốn góp được quy định như sau:

  • Trong trường hợp doanh nghiệp được thành lập dưới dạng công ty cổ phần, vốn góp sẽ được chia thành các cổ phiếu và được phân bổ cho các cổ đông theo tỷ lệ góp vốn của họ;
  • Trong trường hợp doanh nghiệp được thành lập dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty hợp danh, vốn góp sẽ được chia theo tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên trong doanh nghiệp.

Đối tượng nhận vốn góp có thể sử dụng số vốn này để thực hiện các hoạt động kinh doanh theo các mục tiêu và kế hoạch đã được quyết định và có trách nhiệm báo cáo về việc sử dụng vốn đó theo quy định của pháp luật và theo điều lệ doanh nghiệp.

3. Quy định về tài sản góp vốn

3.1 Tài sản góp vốn

Tài sản vốn góp là tổng hợp các loại tài sản có thể quy đổi ra tiền mặt gồm có: Việt Nam Đồng, ngoại tệ, vàng, sổ đỏ, quyền sở hữu trí tuệ,… toàn bộ các loại tài sản có thể quy đổi sang tiền Việt Nam. Chỉ có cá nhân hoặc tổ chức sở hữu hợp pháp các tài sản kể trên mới có quyền sử dụng nó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

Theo điều 34 Luật doanh nghiệp 2020 về việc định giá tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp :

  • Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam;
  • Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Cá nhân hoặc tổ chức góp vốn bằng tiền mặt, ngoại tệ hoặc bất cứ tài sản có thể quy đổi sang tiền Việt Nam, đồng thời phải tuân thủ các quy định về định giá tài sản góp vốn.

3.2 Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn

Thành viên công ty chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn được quy định tại Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

  • Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
  • Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.

Như vậy, góp vốn được thanh toán xong trong trường hợp quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.

3.3 Định giá tài sản góp vốn

Định giá tài sản góp vốn được quy định tại Điều 36 Luật doanh nghiệp 2020 như sau:

Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi hay vàng thì phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá.

  • Giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận với trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá.
  • Các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá, đối với trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế ở thời điểm góp vốn.Đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế

Theo quy định trên thì mọi tài sản góp vốn không phải Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi hay vàng điều phải được định giá. Vốn điều lệ của công ty được tính toán một cách rõ ràng và minh bạch dựa trên tổng giá trị của tài sản góp vốn. Ngoài ra, pháp luật cũng cho phép tài sản góp vốn được định giá theo nguyên tắc thỏa thuận giữa các thành viên hoặc cổ đông sáng lập, giúp doanh nghiệp thành lập được thuận tiện, hiệu quả hơn.

4. Quy định của pháp luật về góp vốn thành lập doanh nghiệp đối với các loại hình doanh nghiệp khác nhau

Đối với từng loại hình doanh nghiệp, các quy định pháp luật về điều kiện góp vốn thành lập doanh nghiệp của công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên, công ty TNHH 1 thành viên, công ty hợp danh sẽ có sự khác biệt cơ bản. Dưới đây là những yêu cầu cụ thể đối với từng loại doanh nghiệp.

Quy định góp vốn thành lập doanh nghiệp của 4 loại hình công ty
Quy định góp vốn thành lập doanh nghiệp của 4 loại hình công ty

4.1. Quy định về góp vốn thành lập công ty cổ phần

Căn cứ trên Điều 112 & 113 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.

Trong trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản khoảng thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản sẽ không tính vào thời hạn góp vốn. Hội đồng quản trị có trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.

Theo đó, cổ đông góp vốn cần thanh toán đầy đủ theo số cổ phần đã đăng ký trong thời hạn 90 ngày. Trừ trường hợp điều lệ hoặc hợp đồng có quy định khác hoặc góp bằng tài sản cần thời gian vận chuyển và thủ tục hành chính thời gian sẽ được thay đổi.

4.2. Quy định về góp vốn thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 Luật doanh nghiệp 2020 sửa đổi, các thành viên cần hoàn thành trách nhiệm góp vốn đúng với tài sản đã cam kết trong 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Thành viên TNHH 2 thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.

4.3. Quy định góp vốn thành lập công ty TNHH một thành viên

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật doanh nghiệp 2020, đối với mô hình công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu công ty phải hoàn thành nghĩa vụ góp vốn đúng loại tài sản đã cam kết và đạt giá trị trên đơn đăng ký thành lập doanh nghiệp. Thời gian hoàn thành việc góp vốn tối đa trong 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Mọi lý do nộp vốn góp muộn do thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn hoặc thực hiện các thủ tục hành chính sẽ không được chấp nhận trong điều kiện góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Quy định góp vốn thành lập công ty TNHH 1 thành viên
Quy định góp vốn thành lập công ty TNHH 1 thành viên

4.4. Quy định về góp vốn thành lập công ty hợp danh

Căn cứ theo điều 178 Luật doanh nghiệp 2020 việc thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp công ty hợp danh được thực hiện như sau:

  • Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết khi thành lập doanh nghiệp;
  • Trường hợp, thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây ảnh hưởng và thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty;
  • Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn đó được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.

5. Thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp

Thủ tục góp vốn tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và tài sản không cần đăng ký quyền sở hữu được quy định như sau:

Đối với các tài sản cần đăng ký quyền sở hữu (Ví dụ: Bất động sản, xe,…) thủ tục bao gồm 5 bước như sau:

  • Bước 1: Cá nhân hoặc tổ chức ký hợp đồng góp vốn bằng tài sản và công chứng/chứng thực.
  • Bước 2: Tiến hành bàn giao tài sản trên thực tế.
  • Bước 3: Nộp hồ sơ để sang tên chủ sở hữu, kê khai thuế và đóng các khoản lệ phí liên quan. (Chuyển quyền sở hữu khi góp vốn bằng tài sản không phải chịu lệ phí trước bạ)
  • Bước 4: Cơ quan nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đứng tên Công ty
  • Bước 5: Cá nhân, tổ chức góp vốn được ghi nhận tư cách thành viên.

Ngoài ra, đối với từng loại hình doanh nghiệp quy định cụ thể về thời điểm hoàn tất góp vốn như sau:

  • Công ty TNHH một thành viên: Chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu tài sản đăng ký góp vốn.
  • Công ty TNHH 2 thành viên và Công ty Cổ phần: Công ty cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp và lập Sổ đăng ký thành viên đối công ty TNHH 2 thành viên; hoặc Cổ phiếu (Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần) và lập sổ đăng ký cổ đông đối với Công ty Cổ phần.
  • Công ty Hợp danh: Cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn đã hoàn tất việc góp vốn.

Đối với các tài sản không cần đăng ký quyền sở hữu thủ tục góp vốn thành lập được bao gồm 3 bước như sau:

  • Bước 1: Cá nhân hoặc tổ chức chuyển giao tài sản thực tế.
  • Bước 2: Doanh nghiệp nhận góp vốn và cá nhân hoặc tổ chức góp vốn xác nhận bằng biên bản giao nhận
  • Bước 3: Ghi nhận tư cách thành viên góp vốn.

Trong đó, biên bản giao nhận gồm các nội dung ghi rõ các thông tin sau:

  • Tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty;
  • Họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân Giấy CMND, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác;
  • Số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn;
  • Loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn;
  • Tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty;
  • Ngày giao nhận;
  • Chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo ủy quyền của người góp vốn;
  • Người đại diện theo pháp luật của công ty.

Hiểu rõ về điều kiện góp vốn thành lập doanh nghiệp giúp cá nhân hoặc tổ chức góp vốn thực hiện đúng quy định và hoàn tất thủ tục nhanh chóng. Ngoài ra, Apolat Legal còn cung cấp một số câu hỏi thường gặp về điều kiện góp được quan tâm hiện nay.

6. Các câu hỏi thường gặp về góp vốn thành lập doanh nghiệp

Trong quá trình thành lập doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp thường gặp phải nhiều vấn đề và thắc mắc. Chúng tôi đã tổng hợp toàn bộ các câu hỏi trong nhiều năm tư vấn và chọn ra 4 câu hỏi được thắc mắc nhiều nhất dưới đây!

6.1. Góp vốn bằng tiền mặt cần chứng từ gì?

Chứng từ cần thiết khi góp vốn bằng tiền mặt bao gồm phiếu thu, biên bản kiểm kê tiền mặt; biên bản góp vốn.

6.2. Đối tượng không được quyền góp vốn là ai?

Tại khoản 3 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về những đối tượng không được quyền góp vốn bao gồm:

  • Các cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để góp vốn vào doanh nghiệp nhằm thu lợi riêng.
  • Các cá nhân được quy định trong Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật phòng chống tham nhũng.

6.3. Thời hạn góp vốn điều lệ công ty, doanh nghiệp là bao lâu?

Thời hạn góp vốn điều lệ công ty, doanh nghiệp là 90 ngày. Cá nhân hoặc tổ chức góp vốn cho công ty cổ phần, công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên, công ty hợp danh cần góp đúng thời hạn và đủ số lượng cam kết.

6.4. Phạm vi trách nhiệm của người góp vốn như thế nào?

Các thành viên góp vốn vào các công ty, doanh nghiệp cần phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty dựa trên số vốn đã cam kết góp vào công ty kể cả là cá nhân, tổ chức.

6.5. Mức vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp là bao nhiêu?

Theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2020, không có quy định chung về mức vốn điều lệ tối thiểu để thành lập một doanh nghiệp, trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà theo đó có thể có yêu cầu về mức vốn tối thiểu. Trả lời cho câu hỏi “Mức vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp là bao nhiêu?” thì mức vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp có thể thay đổi tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh. Nên tham khảo các quy định và hướng dẫn pháp lý cụ thể để biết được mức vốn tối thiểu cần thiết cho việc thành lập doanh nghiệp trong ngành nghề mình quan tâm.

Để tham khảo về dịch vụ tư vấn điều kiện góp vốn thành lập doanh nghiệp trọn gói và nhanh chóng, quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ Apolat Legal để kết nối trực tiếp với luật sư của chúng tôi!

Thông tin liên hệ:

  • Địa chỉ Hồ Chí Minh: Lầu 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM, Việt Nam
  • Địa chỉ Hà Nội: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam
  • Email: info@apolatlegal.com
  • Hotline: (+84) 911 357 447
  • Thời gian làm việc: Thứ Hai – Thứ Sáu 08:15 sáng – 17:15 chiều

Tham khảo các bài viết liên quan đến điều kiện góp vốn thành lập doanh nghiệp

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.