06 lưu ý pháp lý khi thẩm định dự án quan trọng quốc gia

Các dự án quan trọng quốc gia có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Do đó, việc thẩm định các dự án này là vô cùng cần thiết. Vậy, cần lưu ý những điểm gì khi tiến hành thẩm định dự án quan trọng quốc gia.

1. Tổ chức thẩm định dự án quan trọng quốc gia là trách nhiệm của ai?

Khoản 1 Điều 4 Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định: “Hội đồng thẩm định nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo từng dự án có nhiệm vụ tổ chức thẩm định các dự án quan trọng quốc gia (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi) để trình Quốc hội quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.

Như vậy, Hội đồng thẩm định nhà nước do Thủ tướng chính phủ thành lập và có nhiệm vụ tổ chức thẩm định các dự án quan trọng quốc gia. Hội đồng thẩm định nhà nước gồm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên khác của Hội đồng.

2. Điều kiện để thông qua các nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia là gì?

Vấn đề thông qua các nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia được quy định cụ thể tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 29/2021/NĐ-CP:

Kết luận cuối cùng thông qua các nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua. Ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước được thực hiện bằng cách biểu quyết tại cuộc họp hoặc bằng văn bản gửi đến Hội đồng thẩm định nhà nước.”

Theo đó, điều kiện để thông qua các nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia là kết luận cuối cùng phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua.

3. Xác định chi phí thẩm định dự án quan trọng quốc gia thế nào?

Chi phí thẩm định dự án quan trọng quốc gia được xác định theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 19/2021/NĐ-CP:

  • Định mức chi phí thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được tính bằng định mức chi phí thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi;
  • Chi phí thẩm định được tính bằng 20% chi phí thẩm tra nêu trên. Trường hợp không có định mức chi phí thẩm tra và phải lập dự toán chi phí thẩm tra như quy định tại điểm c khoản 3 Điều này thì lập dự toán chi phí thẩm định tương ứng;
  • Định mức chi phí thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi áp dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp thuê tư vấn nước ngoài, liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài hoặc không có định mức thì phải lập dự toán chi phí, bao gồm:
    • Chi phí chuyên gia: khoản chi phí tiền lương trả cho các chuyên gia tư vấn trong khoảng thời gian thực hiện;
    • Chi phí khác: các chi phí phục vụ, hỗ trợ cho hoạt động của nhà thầu tư vấn trong thời gian thực hiện hoạt động tư vấn thẩm tra như: chi phí đi lại (quốc tế và trong nước), chi phí thuê văn phòng, thiết bị văn phòng, chi phí hoạt động của văn phòng, chi phí thông tin liên lạc, chi phí hỗ trợ ăn, ở cho các chuyên gia tư vấn, chi phí bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (nếu có) và các chi phí khác;
    • Thuế: các khoản thuế mà nhà thầu tư vấn thẩm tra phải nộp theo quy định của pháp luật Việt Nam;
    • Chi phí dự phòng: khoản chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và trượt giá trong thời gian nhà thầu tư vấn thẩm tra thực hiện công việc.

4. Dự án sử dụng vốn đầu tư công từ bao nhiêu thì được phân loại là dự án quan trọng quốc gia?

Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công 2019, dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, tại điều khoản này cũng quy định các trường hợp khác mà dự án sẽ được phân loại là dự án quan trọng quốc gia như sau:

  • Dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:
    • Nhà máy điện hạt nhân;
    • Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;
  • Dự án sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;
  • Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác;
  • Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

5. Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công gồm những gì?

Hồ sơ, thủ tục trình thẩm định đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công được quy định tại Điều 15 Nghị định 19/2021/NĐ-CP.

Về hồ sơ trình thẩm định

  • Hồ sơ trình Chính phủ của Hội đồng thẩm định nhà nước:
    • Tờ trình Chính phủ của cơ quan chủ quản hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;
    • Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;
    • Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
    • Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
  • Hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội:
    • Tờ trình của Chính phủ;
    • Tờ trình Chính phủ của cơ quan chủ quản hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;
    • Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;
    • Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước;
    • Tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Về thủ tục trình thẩm định

  • Hội đồng thẩm định nhà nước chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ thẩm định.
  • Chính phủ xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo quy chế làm việc của Chính phủ.
  • Chính phủ chuẩn bị hồ sơ trình Quốc Hội thẩm định.

6. Những nội dung cần lưu ý khi thẩm định quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công

Do tính chất quan trọng của dự án đầu tư, Nghị định 29/2021 quy định cụ thể các nội dung thẩm định quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công, bao gồm:

  • Đánh giá về hồ sơ dự án: căn cứ pháp lý, thành phần, nội dung hồ sơ theo quy định.
  • Việc đáp ứng các tiêu chí xác định dự án là dự án quan trọng quốc gia.
  • Sự cần thiết đầu tư, các điều kiện để thực hiện đầu tư, đánh giá về sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
  • Đánh giá về dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ và dự kiến mục tiêu đầu tư, quy mô và hình thức đầu tư.
  • Đánh giá về khu vực, địa điểm đầu tư, dự kiến nhu cầu diện tích sử dụng đất và nhu cầu sử dụng tài nguyên khác (nếu có); đánh giá về phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
  • Đánh giá về việc phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính và các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng.
  • Đánh giá về việc phân tích, lựa chọn sơ bộ các phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư.
  • Đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
  • Đánh giá về việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn: căn cứ xác định sơ bộ tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn; phân tích sơ bộ tính khả thi của các phương án huy động vốn và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công.
  • Đánh giá về việc xác định sơ bộ chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác vận hành dự án.
  • Đánh giá về tiến độ dự kiến thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu tư hoặc phân chia các dự án thành phần hoặc tiểu dự án (nếu có).
  • Đánh giá sơ bộ về hiệu quả đầu tư: hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.
  • Đánh giá về các giải pháp tổ chức thực hiện dự án: xác định chủ đầu tư (nếu có); hình thức quản lý dự án.
  • Đánh giá về cơ chế, chính sách đặc thù; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có).

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp & Đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.