Điều kiện và quy trình xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài

Giấy phép lao động cho người nước ngoài được xem là một trong các loại giấy thông hành để người nước ngoài được sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam, hưởng các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Để xin giấy phép lao động cho người nước ngoài thì người nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện và thực hiện quy trình xin giấy phép lao động theo quy định. Hãy cùng Apolat Legal tìm hiểu về việc làm giấy phép lao động cho người nước ngoài qua bài viết dưới đây nhé!

1. Giấy phép lao động là gì?

Bộ luật lao động quy định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động cho người nước ngoài do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Điều kiện và thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài
Giấy phép lao động cho người nước ngoài

Theo đó, giấy phép lao động là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép cho người nước làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Muốn tiến hành quy trình xin giấy phép lao động thì người nước ngoài phải đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật lao động Việt Nam quy định.

2. Đối tượng nào cần xin giấy phép lao động?

Chế độ bảo hiểm cho người lao động
Đối tượng nào cần xin giấy phép lao động

Theo Điều 154 Bộ luật Lao động 2019 quy định các trường hợp mà người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động bao gồm:

  • Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.
  • Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.
  • Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
  • Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.
  • Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.
  • Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.
  • Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  • Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
  • Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, những đối tượng không thuộc các trường hợp trên thì cần xin giấy phép lao động để làm việc hợp pháp tại Việt Nam.

Tham khảo bài viết: Tư vấn thủ tục miễn giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài

3. Điều kiện người nước ngoài được cấp giấy phép lao động để làm tại Việt Nam

Chế độ bảo hiểm cho người lao động
Điều kiện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài

Theo Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
  • Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
  • Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
  • Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
  • Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

4. Quy trình xin giấy phép lao động

Chế độ bảo hiểm cho người lao động
Quy trình xin giấy phép lao động

Quy trình xin giấy phép lao động quy định tại Điều 11 Nghị định 152/2020/NĐ-CP được thực hiện theo các bước:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép lao động

Người yêu cầu chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.

Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động

Người yêu cầu nộp hồ sơ đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy phép lao động

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động dự kiến làm việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.

Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Như vậy, quy trình xin giấy phép lao động trải qua 03 bước và cần khoảng 05 ngày làm việc để xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Lưu ý: trên thực tế thì thời gian Cơ quan quản lý lao động xem xét và phản hồi về kết quả hồ sơ xin cấp Giấy phép lao động kéo dài hơn rất nhiều so với quy định.

5. Hồ sơ cấp giấy phép lao động

Chế độ bảo hiểm cho người lao động
Hồ sơ xin giấy phép lao động cho người nước ngoài

Hồ sơ xin giấy phép lao động cho người nước ngoài được quy định tại Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, bao gồm:

  • Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo Mẫu số 11/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
  • Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ hoặc giấy chứng nhận có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
  • Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp.
  • Văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật và một số nghề, công việc được quy định như:
  • 02 ảnh màu (kích thước 4 cm x 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
  • Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
  • Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.
  • Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài như:
  • Văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài đó tuyển dụng trước khi làm việc tại Việt Nam ít nhất 12 tháng liên tục;
  • Hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài, trong đó phải có thỏa thuận về việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
  • Hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam được ít nhất 02 năm;
  • Văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán;
  • Văn bản của cơ quan, tổ chức cử người lao động nước ngoài đến làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và giấy phép hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
  • Văn bản của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam và phù hợp với vị trí dự kiến làm việc.

6. Lưu ý về Văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật

Chế độ bảo hiểm cho người lao động
Một số lưu ý

Một số lưu ý về văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật có thể sử dụng các giấy tờ như:

  • Giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành;
  • Giấy tờ chứng minh là chuyên gia, lao động kỹ thuật;
  • Văn bản chứng minh kinh nghiệm của cầu thủ bóng đá nước ngoài hoặc giấy chứng nhận chuyển nhượng quốc tế (ITC) cấp cho cầu thủ bóng đá nước ngoài hoặc văn bản của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xác nhận đăng ký tạm thời hoặc chính thức cho cầu thủ của câu lạc bộ thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam;
  • Giấy phép lái tàu bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đối với phi công nước ngoài hoặc chứng chỉ chuyên môn được phép làm việc trên tàu bay do Bộ Giao thông vận tải cấp cho tiếp viên hàng không;
  • Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn trong lĩnh vực bảo dưỡng tàu bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đối với người lao động nước ngoài làm công việc bảo dưỡng tàu bay;
  • Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoặc giấy công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho thuyền viên nước ngoài;
  • Giấy chứng nhận thành tích cao trong lĩnh vực thể thao và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đối với huấn luyện viên thể thao hoặc có tối thiểu một trong các bằng cấp như: bằng B huấn luyện viên bóng đá của Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) hoặc bằng huấn luyện viên thủ môn cấp độ 1 của AFC hoặc bằng huấn luyện viên thể lực cấp độ 1 của AFC hoặc bằng huấn luyện viên bóng đá trong nhà (Futsal) cấp độ 1 của AFC hoặc bất kỳ bằng cấp huấn luyện tương đương của nước ngoài được AFC công nhận;
  • Văn bằng do cơ quan có thẩm quyền cấp đáp ứng quy định về trình độ, trình độ chuẩn.

7. Xử phạt vi phạm nếu người lao động nước ngoài làm việc không có giấy phép lao động

Chế độ bảo hiểm cho người lao động
Xử phạt vi phạm

Theo điểm a khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 32 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm nếu người lao động nước ngoài làm việc không có giấy phép lao động, cụ thể:

  • Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật;
  • Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo 03 mức phạt sau:
  • Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
  • Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 20 người;
  • Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 21 người trở lên.

Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi  không có giấy phép lao động.

8. Văn bản pháp luật hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép lao động

Điều kiện và thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài
Văn bản pháp luật hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép lao động

Hiện nay, thủ tục cấp giấy phép lao động có thể dễ dàng tra cứu, tìm kiếm trên Google. Dựa vào các bài viết tham khảo, hướng dẫn thực hiện mà người yêu cầu có thể tự mình chuẩn bị hồ sơ, liên hệ cơ quan nhà nước để giải quyết đề nghị. Tuy nhiên, văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế liên tục. Do đó, một số bài viết trước đây có thể còn áp dụng các văn bản cũ nên người dùng cần tìm hiểu tính hiệu lực của văn bản để tránh mất thời gian và tốn kém chi phí của bản thân. Dưới đây là một số văn bản pháp luật hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép lao động mà bạn có thể tham khảo:

  • Bộ luật Lao động 2019
  • Nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Trên đây là bài viết tham khảo giải đáp một số vấn đề liên quan đến điều kiện và quy trình xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, hy vọng giúp bạn có được những kiến thức pháp lý hữu ích. Bạn còn vướng mắc, cần được giải đáp, đặc biệt các vấn đề về lao động, đừng ngần ngại liên hệ ngay Apolat Legal để được tư vấn và đưa ra hỗ trợ thực hiện đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Lao động và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.