Quyền của người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
pinnup

Quyền của người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Trong trường hợp hợp đồng lao động vẫn còn hạn, nhưng người lao động muốn kết thúc hợp đồng sớm thì sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng lao động. Bài viết dưới đây Apolat sẽ tổng hợp những điểm cần chú ý khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định pháp luật lao động.

1. Hợp đồng lao động và các loại hợp đồng lao động

Khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ) quy định: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Hiện nay có hai loại hợp đồng lao động là hợp đồng xác định thời hạn và hợp đồng không xác định thời hạn. Hai loại hợp đồng lao động này được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động như sau:

  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Quyền của người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động và các loại hợp đồng lao động

2. Các trường hợp người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước

Trong quá trình làm việc, không phải người lao động nào cũng có thể gắn bó lâu dài với người sử dụng lao động. Nhiều trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không hiểu rõ nên làm như thế nào.

Để bảo vệ cho bên yếu thế hơn (tức người lao động) trong quan hệ lao động, pháp luật đã không quy định các trường hợp mà người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Bộ luật Lao động không liệt kê các trường hợp người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà chỉ quy định thời gian báo trước đối với từng loại hợp đồng lao động.

Quyền của người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Các trường hợp người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động quy định về thời gian người lao động cần báo trước đối với từng loại hợp đồng khác nhau:

  • Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
  • Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
  • Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
  • Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

3. Các trường hợp người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước

Cũng trong Điều 35 Bộ luật Lao động quy định một số trường hợp người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước:

  • Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
  • Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
  • Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
  • Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
  • Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
  • Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
  • Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Từ quy định này có thể thấy rằng, pháp luật lao động đang bảo vệ quyền lợi của người lao động một cách tốt nhất. Bởi trong một quan hệ lao động thì người lao động là bên yếu thế cần được bảo vệ.

4. Quyền lợi của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp

Quyền của người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Quyền lợi của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp

Khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp thì người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi theo quy định của pháp luật. Quyền lợi mà người lao động được hưởng khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật bao gồm:

  • Hưởng trợ cấp thôi việc: Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động quy định người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là một tháng tiền lương, nếu người lao động đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng. Tuy nhiên, nếu người lao động đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc liên tục trở lên thì không được hưởng trợ cấp thôi việc.
  • Hưởng trợ cấp thất nghiệp: Nếu người lao động đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ và đáp ứng được các điều kiện được quy định tại Điều 49 Luật việc làm 2013:
  • Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
  • Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm;
  • Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 49 Luật việc làm 2013.
  • Được thanh toán các khoản tiền mà người sử dụng lao động chưa thanh toán trong quá trình làm việc;
  • Được nhận lại giấy tờ đã nộp cho người sử dụng lao động và các giấy tờ, sổ bảo hiểm xã hội.

5. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật

Quyền của người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật

Mặc dù người lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần bất kì lý do gì, nhưng pháp luật vẫn ràng buộc thời gian nghỉ báo trước để người lao động không tự ý bỏ việc không báo trước. Trường hợp cần phải báo trước nhưng người lao động không báo hoặc báo không đủ ngày đã quy định thì người lao động sẽ phải có các nghĩa vụ được quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động như sau:

  • Không được trợ cấp thôi việc.
  • Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
  • Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

Từ quy định trên có thể thấy pháp luật lao động vẫn bảo vệ người lao động rất chặt chẽ. Đồng thời cũng ràng buộc điều kiện về thời gian báo trước để cán cân quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động không quá chênh lệch.

6. Trách nhiệm của các bên khi chấm dứt hợp đồng lao động

Quyền của người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Trách nhiệm của các bên khi chấm dứt hợp đồng lao động

Khi chấm dứt hợp đồng lao động, dù trong trường hợp nào thì các bên cũng phải thực hiện các trách nhiệm được quy định để việc chấm dứt hợp đồng đúng quy định và quy trình, cụ thể:

  • Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Các trường hợp được nêu tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động có thể được kéo dài thời hạn nhưng không quá 30 ngày.
  • Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.

Khi chấm dứt hợp đồng, người lao động có trách nhiệm sau:

  • Bàn giao công việc và tài sản đúng và đầy đủ cho người sử dụng lao động;
  • Bồi thường các khoản chi phí đào tạo, bồi thường cho những ngày không báo trước (nếu có)
  • Phối hợp với người sử dụng lao động để hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

  • Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
  • Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

7. Lưu ý để hạn chế rủi ro đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật

Trong thực tế, trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là điều thường xuyên xảy ra trong các doanh nghiệp. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi chưa hiểu rõ quy định của pháp luật dễ dẫn đến các rủi ro cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Để tránh rủi ro khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì cần lưu ý hai điểm dưới đây:

7.1. Lý do chấm dứt

Vì đặc điểm người lao động là bên yếu thế hơn nên pháp luật lao động không yêu cầu người lao động phải có lý do để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nhưng pháp luật cũng ràng buộc một số trường hợp bắt buộc phải báo trước đúng thời gian quy định.

Đối với người sử dụng lao động, để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải có lý do được pháp luật quy định quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động, bao gồm:

  • Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
  • Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
  • Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;
  • Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;
  • Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;
  • Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
  • Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
  • Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

Nếu người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không thuộc các lý do trên thì người sử dụng lao động phải thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

Quyền của người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Lưu ý để hạn chế rủi ro đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật

7.2. Thời hạn thông báo

Dù là người lao động hay người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì cũng phải đảm bảo thời hạn thông báo.

Đối với các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng cần phải báo trước, thì người lao động phải báo trước số ngày được quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động tùy vào loại hợp đồng lao động người lao động đã ký. Nếu không báo trước thời hạn được quy định thì người lao động phải thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động.

Đối với trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cũng sẽ cần đáp ứng thời gian báo trước tùy từng loại hợp đồng mà người lao động đã ký. Thời gian báo trước khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động như sau:

  • Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
  • Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
  • Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
  • Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, trong trường hợp muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động cần đảm bảo thời gian báo trước tùy từng loại hợp đồng lao động đã ký. Người lao động cần hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi đơn phương chấm dứt hợp đồng để bảo vệ được quyền lợi của bản thân một cách tốt nhất.

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Lao động. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Lao động và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.