Đề xuất quy định mới về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp

1. Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. 

Một số nội dung đáng chú ý của Dự thảo sửa đổi bao gồm:

(i) Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về mục đích phát hành trái phiếu tại Điều 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Cụ thể, Dự thảo đã quy định rõ việc DN không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của DN khác, hoặc cho DN khác vay vốn. Việc bổ sung quy định này giúp khắc phục lỗ hổng mà nhiều DN đã lợi dụng để phát hành trái phiếu sai mục đích, góp phần tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của DN phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.

(ii) Thứ hai, quy định rõ hơn về đối tượng mua trái phiếu. Cụ thể, Dự thảo bổ sung điểm d khoản 1 Điều 8 như sau: “Trước khi thực hiện giao dịch mua/bán trái phiếu, nhà đầu tư phải được xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”. 

(iii) Thứ ba, bổ sung quy định về việc hồ sơ chào bán trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành. Theo đó, Dự thảo Nghị định mới sửa đổi đ khoản 2 Điều 12 về Hồ sơ chào bán trái phiếu yêu cầu có: “Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái phiếu phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liền trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành”.

(iv) Thứ tư, bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu khi thực hiện ký kết hợp đồng với doanh nghiệp phát hành (sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 12). Cụ thể, Dự thảo bổ sung: “Đại diện người sở hữu trái phiếu có trách nhiệm giám sát việc sử sụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu, nhận và quản lý tài sản đảm bảo, giám sát việc thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành và thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật chứng khoán”. Điều này nhằm tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành.

(v) Thứ năm, bổ sung các quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán (Điều 16b); về thay đổi, hủy bỏ đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán (Điều 16c).

(vi) Thứ sáu, sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin; đồng thời tăng cường tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

2. Đề xuất quy định mới về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Dự thảo bổ sung các quy định sau:

(i) Quy trình tổ chức kiểm tra kiến thức bán hàng đa cấp cho người đại diện tại địa phương

Quy trình gồm các bước như sau: Kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận kiến thức cho người đại diện tại địa phương theo quy định; lên kế hoạch về thời gian, địa điểm, phương thức kiểm tra và thông báo bằng văn bản tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng về việc tổ chức đợt kiểm tra trong trường hợp Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kỳ kiểm tra; thông báo kế hoạch kiểm tra; tổ chức kiểm tra; đánh giá kết quả kiểm tra; thông báo kết quả kiểm tra và cấp xác nhận.

(ii) Giảm yêu cầu về đánh giá kết quả kiểm tra

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về Hình thức kiểm tra và đánh giá kết quả kiểm tra. Theo đó, bài kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho người đại diện tại địa phương được thực hiện dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm trong thời gian tối thiểu 60 phút.

Điểm kiểm tra được chấm theo thang điểm 100, yêu cầu cụ thể như sau:

  • Đối với bài kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, bài thi dưới 80 điểm (thay mức 90 điểm hiện hành) đối với hình thức thi trắc nghiệm và dưới 65 điểm (thay mức 75 điểm hiện nay) đối với hình thức thi tự luận là không đạt yêu cầu.
  • Đối với bài kiểm tra kiến thức cho người đại diện tại địa phương, bài thi dưới 70 điểm đối với hình thức thi trắc nghiệm và dưới 50 điểm đối với hình thức thi tự luận là không đạt yêu cầu.

Tải Bản tin pháp lý tại đây.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.