Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài khi thanh lý tài sản có chịu thuế hay không

Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài khi thanh lý tài sản có chịu thuế hay không

Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép[1]. Theo đó có thể thấy rằng văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài không được thực hiện các hoạt động trực tiếp sinh lời tại Việt Nam, không được giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp trưởng văn phòng đại diện có giấy uỷ quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài[2] và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Sự hiệu quả của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài ngoài các yêu tố về năng suất hoạt động, khả năng quản lý, điều hành còn phụ thuộc rất lớn vào tình hình thị trường. Khi thị trường tăng trưởng thì hoạt động của văn phòng đại diện càng sôi động, ngược lại, khi thị trường bị suy thoái thì việc tiếp tục hoạt động văn phòng đại diện cũng sẽ là một gánh nặng kinh tế cho công ty chủ quản tại nước ngoài. Vì vậy, việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện cũng là một kết quả tất yếu. Tuy nhiên, vấn đề xử lý các tài sản của văn phòng đại diện như thế nào cho phù hợp với pháp luật Việt Nam là một câu hỏi mà các công ty chủ quản quan tâm, đặc biệt là vấn đề về thuế.

Hiện nay, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài được chấm dứt theo một số trường hợp sau[3]:

  • Theo đề nghị của thương nhân nước ngoài;
  • Khi thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động theo pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh;
  • Hết thời hạn hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện mà thương nhân nước ngoài không đề nghị gia hạn;
  • Hết thời gian hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện mà không được Cơ quan cấp Giấy phép đồng ý gia hạn;
  • Bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo luật định;
  • Thương nhân nước ngoài, Văn phòng đại diện không còn đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Quay trở lại vấn đề, để được chấm dứt hoạt động thì văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài phải tiến hành thanh lý các tài sản của văn phòng đại diện, các loại tài sản có thể kể đến là bàn, ghế, máy móc, thiết bị văn phòng, xe hơi và các tài sản khác do văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài làm chủ sở hữu. Một vấn đề được hầu hết các văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài quan tâm là văn phòng đại diện của mình có chịu các khoản tiền thuế khi tiến hành thanh lý các tài sản không.

Khi tiến hành thanh lý tài sản nào đó thì cơ bản sẽ làm phát sinh các loại thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (đối với tổ chức)/ thuế thu nhập cá nhân (đối với cá nhân).

Đầu tiên, căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư số  219/2013/TT-BTC quy định về người nộp thuế giá trị gia tăng như sau: “ Người nộp thuế Gía trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hoá, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu)” và cũng theo Khoản 3 Điều 5 của thông tư này thì tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản. Từ những quy định trên, có thể thấy rằng bản chất của văn phòng đại diện được lập ra không thực hiện chức năng kinh doanh mà là tiến hành các hoạt động thăm dò thị trường, xúc tiến tương mại, không thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó khi văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài thanh lý tài sản không phải là đối tượng phải nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định về đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp “Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế (sau đây gọi là doanh nghiệp)..”. Văn phòng đại diện không thuộc các trường hợp được xem là doanh nghiệp, cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và cũng không phát sinh thu nhập nên không phải là đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Thứ ba, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài không thuộc trường hợp được cơ quan thuế cấp hóa đơn khi tiến hành thanh lý tài sản. Cụ thể, căn cứ Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2014/TT-BTC quy định về cấp hóa đơn do cơ quan thuế đặt in “ 1. Cơ quan thuế cấp hóa đơn cho các tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng. Trường hợp tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ quan thuế không cấp hóa đơn. ..”. Do đó, căn cứ các quy định nêu trên thì  trong trường hợp tiến hành thanh lý tài sản văn phòng đại diện sẽ không được cơ quan thuế cấp hóa đơn.

Từ những lý do trên, có thể thấy rằng việc thanh lý tài sản của văn phòng đại diện cũng không phải là vấn đề quá phức tạp trong quá trình quyết toán thuế khi mà văn phòng đại diện không cần phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không cần yêu cầu đặt in hóa đơn. Đây là một điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh quá trình chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài.

 

[1] Khoản 6 Điều 3 Luật Thương mại 2005

[2] Khoản 1 và Khoản 3 Điều 18 Luật Thương mại 2005

[3] Điều 35 Nghị định 07/2016/NĐ-CP

Send Contact
Call Us
Zalo
This site is registered on wpml.org as a development site.