Trong quá trình hoạt động và phát triển kinh doanh, các công ty thường sử dụng người lao động hoặc thuê các nhà tư vấn, cố vấn hoặc các nhà thầu để sáng tạo ra một loạt các tài sản sở hữu trí tuệ như chương trình máy tính, bài báo, kế hoạch kinh doanh, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, thiết kế bao bì, kiểu dáng sản phẩm mới, biểu tượng mới….và các thành quả sáng tạo khác. Trong các trường hợp này, việc xác định ai là đối tượng sở hữu quyền của các đối tượng sở hữu trí tuệ là một điều rất khó và không rõ ràng. Đồng thời, ở mỗi nước khác nhau, phụ thuộc vào mối quan hệ pháp luật giữa người lao động và người sử dụng và hệ thống pháp luật khác nhau mà nội dung xác định quyền của doanh nghiệp đối với tài sản sáng tạo do người lao động tạo ra rất khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập một số nội dung liên quan đến quyền của doanh nghiệp đối với tài sản sáng tạo do người lao động tạo ra.
1. Quyền tác giả đối với tác phẩm
Không khác biệt so với các nước khác trên thế giới, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định người sử dụng lao động là chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm do người lao động sáng tạo ra, trừ trường hợp có thỏa thuận khác[1]. Theo đó, nếu người lao động sáng tạo ra tác phẩm trong quá trình làm việc, sử dụng cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoặc thực hiện sáng tạo tác phẩm do doanh nghiệp giao nhiệm vụ thì doanh nghiệp mặc nhiên là chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chứng minh doanh nghiệp là chủ sở quyền tác giả trong trường hợp xảy ra tranh chấp với người lao động là rất khó khăn khi người lao động, tác giả của tác phẩm không hợp tác. Vì vậy, theo chúng tôi, doanh nghiệp nên quy định, đảm bảo việc xác định chủ sở hữu quyền tác giả cụ thể trong hợp đồng lao động, quyết định giao nhiệm vụ hoặc đạt được một thỏa thuận bằng văn bản với người dự định sáng tạo ra tác phẩm trong những giai đoạn đầu của công việc.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng các quyền nhân thân của tác giả sẽ không được chuyển giao, quyền nhân thân vẫn thuộc về người lao động sáng tạo ra tác phẩm ngay cả khi quyền tài sản đã được chuyển giao cho doanh nghiệp.
2. Quyền sở hữu đối với đối tượng sở hữu công nghiệp
Nhìn chung, người sử dụng lao động đầu tư kinh phí phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc là người có quyền đăng ký bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp và là chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp được ghi nhận trên văn bằng bảo hộ theo pháp luật Việt Nam.[2] Quy định này của pháp luật Việt Nam được quy định theo xu hướng của hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác (cụ thể là Hoa Kỳ) tác giả sáng chế là người làm thuế có thể có quyền đối với việc khai thác sáng chế nhưng người sử dụng lao động thường được trao quyền sử dụng không độc quyền đối với sáng chế cho những mục đích nội bộ[3]. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán một khoản thù lao hợp lý có tính đến giá trị kinh tế của kiểu dáng công nghiệp và lợi ích bất kỳ mà người sử dụng lao động nhạn được từ việc sử dụng kiểu dáng công nghiệp đó.
Người lao động của bạn hôm nay có thể là người lao động của đối thủ cạnh trạnh vào ngày mai. Đồng thời, các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ rất phức tạp và khác nhau giữa các quốc gia. Vì vậy, theo ý kiến của chúng tôi, doanh nghiệp nên tham vấn ý kiến, tư vấn chuyên môn trước khi thực hiện công việc để đảm bảo các tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp và tránh những rắc tối về vấn đề sở hữu trí tuệ trong tương lai.
Xem thêm: Quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (phần 1)
[1] Khoản 1 Điều 39 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009
[2] Điều 86 và Điều 121 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009
[3] Quyền sở hữu của người làm thuế trong những điều chưa biết về sở hữu trí tuệ của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới
Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.