Quy định thực hiện biện pháp bảo đảm khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Quy định thực hiện biện pháp bảo đảm khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, quyền và lợi ích của các đương sự vẫn có thể bị xâm phạm bất kỳ lúc nào. Với nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không bị xâm phạm, pháp luật về tố tụng dân sự đã có những quy định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong một số trường hợp bên bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bị thiệt hại khi Tòa án áp dụng sai biện pháp khẩn cấp tạm thời. Do đó, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã quy định về việc thực hiện biện pháp bảo đảm khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

I. Khái niệm

Biện pháp khẩn cấp tạm thời là các biện pháp được tòa án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Theo đó, biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ được Tòa án ra quyết định áp dụng khi có yêu cầu từ đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án. Trong một số trường hợp, Tòa án vẫn có quyền tự mình ra quyết định áp dụng đối một số biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp đương sự không có yêu cầu nhưng Tòa án xét thấy cần thiết. 

Có hai dạng yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thực hiện biện pháp bảo đảm và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Biện pháp bảo đảm sẽ do bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện. Khác với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch dân sự, biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng nhằm mục đích bù đắp những tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh cho bên bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của người có quyền yêu cầu.

II. Quy định pháp luật về thực hiện biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời 

1. Các trường hợp áp dụng biện pháp bảo đảm 

Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thực hiện biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời sau

  • Kê biên tài sản đang tranh chấp;
  •  Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp;
  • Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
  • Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ;
  • Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ;
  • Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu;
  • Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.

Sở dĩ pháp luật yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời được kiệt kê ở trên là vì việc áp dụng sai các biện pháp này sẽ gây tổn hại về tài sản và các lợi ích về vật chất, kinh tế cho người bị áp dụng. Do đó, người yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trên cần phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng cách gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá vào một tài khoản phong tỏa hoặc có chứng từ bảo lãnh bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của tổ chức, cá nhân khác tương đương với mức độ tổn thất có thể xảy ra.

2. Thủ tục thực hiện biện pháp bảo đảm 

Đối với những biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Tòa án chỉ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi người yêu cầu đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm.

Tòa án sẽ dự kiến và tạm tính mức độ thiệt hại có thể xảy ra tùy thuộc vào từng biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng và từng trường hợp áp dụng để ấn định khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá mà người yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm cần phải nộp. Giá trị tạm tính này không được thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trừ trường hợp có chứng cứ chứng minh rằng tổn thất dự kiến thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. 

Theo đề nghị của tòa án, người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dự kiến và tạm tính thiệt hại có thể xảy ra và nộp lại cho tòa án bằng văn bản, nếu tại phiên tòa thì không nhất thiết bằng văn bản nhưng phải được ghi nhận vào biên bản phiên tòa. Tòa án cũng có thể hỏi ý kiến của người bị áp dụng biện pháp biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm tính thiệt hại.

Sau khi nhận được bản dự kiến và tạm tính thiệt hại, Tòa án sẽ xem xét và căn cứ vào các quy định pháp luật để ấn định giá trị của biện pháp bảo đảm và ra quyết định buộc người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện biện pháp bảo đảm. Quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm có hiệu lực thi hành ngay. 

Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện biện pháp bảo đảm trong vòng 02 ngày làm việc, kể từ thời điểm Tòa án ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm nếu yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được đưa ra ở giai đoạn từ khi thụ lý vụ án đến trước khi mở phiên tòa. Thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm có thể kéo dài nếu có lý do chính đáng nhưng trong mọi trường hợp phải được hoàn tất trước khi mở phiên tòa. Nếu đưa ra yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Tòa án sẽ xem xét và thảo luận tại phòng xử án, sau đó ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm khi biện pháp khẩn cấp tạm thời rơi vào trường hợp phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Tòa án sẽ quyết định tạm ngừng phiên tòa trong 02 ngày làm việc nếu người buộc phải thực hiện biện pháp bảo đảm cần thời gian để thực hiện hoặc không thể có mặt tại phiên tòa. Trường hợp cơ quan tổ chức cá nhân yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng với việc nộp đơn khởi kiện thì họ sẽ có 48 giờ để thực hiện biện pháp bảo đảm kể từ thời điểm nộp đơn yêu cầu và được Tòa án chấp nhận. 

Tòa án sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau khi nhận được bằng chứng chứng minh rằng người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm, có thể bao gồm: chứng từ bảo lãnh bằng tài sản của ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức, cá nhân khác hoặc chứng từ về việc gửi tiền, kim loại, giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa. Khi xét xử xong vụ án và xác định việc thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời là đúng, không gây thiệt hại, Tòa án sẽ ra quyết định cho phép giải ngân tài khoản phong tỏa để người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhận lại giá trị tài sản. 

III. Vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về thực hiện biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Mặc dù Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP đã quy định chi tiết và cụ thể, nhưng trên thực tế, Thẩm phán và Hội đồng xét xử vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Theo quy định, giá trị của tài sản bảo đảm không được thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ sở pháp lý để người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời xác định giá trị của tài sản bảo đảm. Mặc dù chỉ thị số 03/2019/CT-TA về nâng cao chất lượng áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự ngày 30/12/2019 đã cụ thể những sai sót cần được khắc phục của Tòa án trong quá trình buộc thực hiện biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng chưa nêu được cơ sở phương pháp xác định giá trị tài sản nêu trên.

Do đó, cần có một văn bản hướng dẫn từ Tòa án nhân dân tối cao để hướng dẫn phương pháp xác định giá trị tài sản bảo đảm cho người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó quy định cụ thể tỉ lệ phần trăm đối với giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc ấn định số tiền nhất định trong trường hợp không xác định được giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Từ đó, việc thực hiện biện pháp bảo đảm sẽ dễ dàng hơn cho người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và Tòa án cũng sẽ rút ngắn hơn thời gian khi xem xét văn bản dự kiến và tạm tính thiệt hại từ người yêu cầu.  

Send Contact
Call Us
Zalo
This site is registered on wpml.org as a development site.