1. Công đoàn là gì? Nhiệm vụ của công đoàn là gì?
Theo quy định tại Điều 1 Luật công đoàn 2021 quy định về khái niệm công đoàn như sau:
“Công đoàn là tổ chức được tập thể người lao động lập ra nhằm đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; đồng thời là cầu nối vận động, tuyên truyền người lao động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và chấp hành pháp luật.”
Nhiệm vụ của công đoàn đối với người lao động và đối với doanh nghiệp
Đối với người lao động
Công đoàn là nơi trực tiếp giải quyết các khúc mắc của người lao động với doanh nghiệp. Đây sẽ là tập thể trực tiếp đóng góp ý kiến với doanh nghiệp về các yếu tố như: Môi trường làm việc, thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi của người lao động. Công đoàn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đại diện và bảo vệ quyền lợi, toàn bộ các lợi ích hợp pháp và chính đáng mà người lao động xứng đáng được hưởng.
Đối với doanh nghiệp
Khi doanh nghiệp thực hiện các thay đổi về cơ cấu, thay đổi nhân sự hoặc cải tiến bộ máy, nâng cấp trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh, công đoàn sẽ thay mặt doanh nghiệp nắm bắt toàn bộ những mong muốn của người công nhân, nhân viên, lao động. Đồng thời, thay mặt doanh nghiệp khuyến khích và động viên tinh thần người lao động nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực.
Công đoàn là cầu nối trong việc giải quyết các vấn đề, mâu thuẫn hoặc bất đồng giữa doanh nghiệp và người lao động.Từ đó, thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp góp phần xây dựng doanh nghiệp bền vững, nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường.
2. Điều kiện thành lập và hình thức tổ chức của công đoàn cơ sở là gì?
Để thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, doanh nghiệp đó cần đáp ứng được 2 điều kiện sau đây:
- Doanh nghiệp phải được thành lập hợp pháp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản khác liên quan;
- Công đoàn được thành lập phải có ít nhất 05 đoàn viên hoặc người lao động trở lên; đồng thời các thành viên cần đảm bảo gia nhập công đoàn trên tinh thần tự nguyện và có đơn tự nguyện khi gia nhập công đoàn.
3. Thời gian thành lập Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp
Trong vòng 6 tháng kể từ ngày doanh nghiệp nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chính thức đi vào hoạt động, đội ngũ công đoàn địa phương, công đoàn ngành hoặc công đoàn khu công nghiệp sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp để thành lập tổ chức Công đoàn hợp pháp theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Điều Lệ Công đoàn Việt Nam. Từ đó, thành lập đội ngũ đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng cho tập thể người lao động.
Trường hợp sau tối đa 6 tháng, doanh nghiệp không thành lập tổ chức Công đoàn, Công đoàn cấp trên sẽ có quyền chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời. Đây sẽ là tổ chức đóng vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng cho tập thể người lao động.
4. Trình tự, thủ tục thành lập công đoàn cơ sở
Thủ tục thành lập công đoàn trong doanh nghiệp được thực hiện lần lượt với 4 bước cụ thể sau đây:
Bước 1: Thành lập ban vận động công đoàn cơ sở
Với những đơn vị, doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở, trước tiên cần thành lập ban vận động công đoàn cơ sở. Đây sẽ là ban do người lao động lập ra trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện.
Ban vận động công đoàn cơ sở sẽ hoạt động với chức năng tuyên truyền, vận động người lao động và tiếp nhận đơn xin tham gia của người lao động. Bên cạnh đó, ban vận động công đoàn cơ sở sẽ hợp tác cùng công đoàn các cấp để được hướng dẫn, hỗ trợ về các hoạt động cần thực hiện cũng như các mục tiêu cần đạt được.
Bước 2: Tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở
Sau khi quá trình thành lập ban vận động hoàn tất, doanh nghiệp sẽ tổ chức đại hội thành lập. Đại hội sẽ được tiến hành trực tiếp bởi ban vận động và thành phần tham gia bao gồm:
- Ban vận động
- Người lao động đang làm việc tại đơn vị, có đơn xin gia nhập công đoàn.
- Đại diện công đoàn cấp trên, đơn vị sử dụng lao động và các thành phần có liên quan.
Thông qua hình thức bỏ phiếu kín đảm bảo tính công bằng và minh bạch, kết thúc đại hội sẽ bầu ra đội ngũ công đoàn cơ sở. Sau khi tổ chức thành công kỳ đại hội đầu tiên, ban vận động sẽ chuyển giao hồ sơ và trách nhiệm của mình cho ban chấp hành mới được bổ nhiệm.
Bước 3: Lập hồ sơ đề nghị công nhận công đoàn cơ sở
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc đại hội thành lập công đoàn cơ sở, công ty cần tổ chức họp ban chấp hành mới được bổ nhiệm. Cuộc họp nhằm mục đích bầu ra ban thường vụ cùng các chức danh quan trọng khác trong công đoàn cơ sở. Sau 15 ngày kể từ ngày đại hội kết thúc, ban chấp hành mới sẽ phải đề nghị công đoàn cấp trên xem xét việc công nhận.
Bước 4: Quyết định công nhận thành lập công đoàn cơ sở
Cuối cùng, sau khi nhận được hồ sơ công nhận thành lập công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên sẽ thực hiện quá trình thẩm định và đánh giá như sau trong thời gian 15 ngày:
- Thẩm định quá trình thành lập công đoàn cơ sở của đơn vị, đảm bảo tính khách quan, tự nguyện
- Trường hợp thành lập công đoàn cơ sở đúng theo quy định của pháp luật thì công đoàn cấp trên ban hành quyết định công nhận.
- Trường hợp thành lập công đoàn cơ sở không đủ điều kiện thông nhận, công đoàn cấp trên cần thông báo bằng văn bản cho công đoàn cơ sở. Đồng thời, có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để công đoàn cơ sở thực hiện, tuyên truyền, vận động NLĐ tự nguyện thành lập công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.
Khi quá trình thực hiện thủ tục công nhận hoàn tất, ban chấp hành công đoàn cơ sở sẽ tiếp tục tiến hành thủ tục khắc dấu và tổ chức các hoạt động theo quy định của Pháp luật.
5. Xử phạt vi phạm quyền thành lập công đoàn trong doanh nghiệp
Việc thành lập tổ chức công đoàn cơ sở là hoàn toàn dựa trên ý chí tự nguyên của người lao động. Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 35 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức phạt lên tới 5 triệu đồng nếu thực hiện 1 trong các hành vi sai phạm như sau:
- Cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở không được phép tham gia vào tổ chức, doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người lao động thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn;
- Doanh nghiệp không được phép Cản trở, gây khó khăn khi người lao động tiến hành các hoạt động hợp pháp nhằm thành lập, gia nhập và tham gia các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
- Thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở không được phép tiếp cận người lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người sử dụng lao động.
Theo quy định tại Khoản 1 Nghị định 12 quy định:
“ Nếu doanh nghiệp lợi dụng tổ chức công đoàn cơ sở để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác thì phải chịu mức phạt hành chính lên tới 40 triệu đồng.”
Có thể thấy rằng thủ tục thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp yêu cầu sự chính xác và đúng trình tự. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú ý tới các hành vi sai phạm để tránh mắc phải trong quá trình thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.