1. Đối tượng bắt buộc phải có giấy phép môi trường
Theo quy định pháp luật, giấy phép môi trường là văn bản trong hoạt động thẩm định dự án nói chung và thẩm định cấp giấy phép môi trường nói riêng, do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Trong đó, các cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà pháp luật quy định sẽ bắt buộc phải có giấy phép môi trường khi thẩm định dự án. Cụ thể, theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các đối tượng bắt buộc phải có giấy phép môi trường thông qua hoạt động thẩm định cấp giấy phép môi trường bao gồm:
- Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
- Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
Ngoài ra, cần phải lưu ý: đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.
2. Trách nhiệm nộp và thu phí thẩm định cấp giấy phép môi trường
Theo quy định pháp luật, để có được giấy phép môi trường, cơ quan, tổ chức cần phải đăng ký cấp giấy phép môi trường trong thủ tục thẩm định dự án. Trong đó, cơ quan, tổ chức sẽ có nghĩa vụ phải nộp phí thẩm định cấp giấy phép môi trường.
Cụ thể, căn cứ theo Khoản 1 Điều 45 Luật Bảo vệ môi trường 2020, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm nộp phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường khi thực hiện việc thẩm định dự án.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2 và khoản 3 Điều 45, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thu phí thẩm định cấp giấy phép môi trường bao gồm:
– Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của cơ quan nhà nước ở trung ương.
– Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật.
3. Quyền, nghĩa vụ của chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường
Giấy phép môi trường là một văn bản vô cùng quan trọng trong quá trình thẩm định dự án để quyết định dự án, cơ sở đó có được phép hoạt động hay không. Bên cạnh đó, pháp luật cũng đã có những quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ cụ thể của chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường.
Cụ thể, căn cứ theo Khoản 1 Điều 47 Luật Bảo vệ môi trường 2020, sau khi thẩm định cấp giấy phép môi trường, chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường có quyền sau đây:
- a) Được thực hiện các nội dung cấp phép môi trường quy định trong giấy phép môi trường;
- b) Đề nghị cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường;
- c) Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2, chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường có nghĩa vụ sau đây:
- a) Thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong giấy phép môi trường. Trường hợp có thay đổi so với nội dung giấy phép đã được cấp, phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép xem xét, giải quyết;
- b) Nộp phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường;
- c) Thực hiện đúng quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này;
- d) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường;
- đ) Công khai giấy phép môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
- e) Cung cấp các thông tin có liên quan theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình kiểm tra, thanh tra;
- g) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
4. Hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy phép môi trường cần thực hiện những gì?
Để có được giấy phép môi trường, chủ dự án, cơ sở phải thực hiện đúng các thủ tục theo quy định pháp luật trong quá trình thẩm định dự án. Cụ thể, theo quy định tại Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường 2020, trình tự, thủ tục thẩm định cấp giấy phép môi trường bao gồm:
Bước 1: Chủ dự án đầu tư, cơ sở chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bao gồm:
a. Đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường: bản sao báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng;
Đối với dự án đầu tư, cơ sở không thuộc quy định tại điểm a khoản này: chủ dự án, cơ sở không phải nộp tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.
b) Văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường;
c) Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường.
Bước 2: Chủ dự án đầu tư, cơ sở gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 41 của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ; công khai nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tham vấn ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; kiểm tra thực tế thông tin dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; tổ chức việc thẩm định, cấp giấy phép môi trường.
Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và thông báo kết quả được thực hiện trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở.
Trong đó, cần phải lưu ý:
– Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, cơ quan cấp giấy phép môi trường phải lấy ý kiến bằng văn bản và đạt được sự đồng thuận của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó trước khi cấp giấy phép môi trường;
– Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan cấp giấy phép môi trường phải lấy ý kiến bằng văn bản của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đó trước khi cấp giấy phép môi trường.
Bước 4: Việc cấp giấy phép môi trường được thực hiện trên cơ sở thẩm định báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thành lập hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra theo quy định của Chính phủ.
Đối với dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, trong thành phần hội đồng thẩm định báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường, đoàn kiểm tra phải có đại diện cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó.
Cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi có trách nhiệm cử thành viên tham gia hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra, có ý kiến bằng văn bản về việc cấp giấy phép môi trường trong thời hạn lấy ý kiến; trường hợp hết thời hạn lấy ý kiến mà không có văn bản trả lời thì được coi là đồng thuận với việc cấp giấy phép môi trường.
Bước 5: Thời hạn cấp giấy phép môi trường được tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ và được quy định như sau:
- a) Không quá 45 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
- b) Không quá 30 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- c) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có thể quy định thời hạn cấp giấy phép môi trường ngắn hơn so với thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này phù hợp với loại hình, quy mô, tính chất của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.
5. Khi nào thì Giấy phép môi trường được xem xét điều chỉnh?
Bên cạnh việc đăng ký giấy phép môi trường khi thẩm định dự án, chủ dự án đầu tư, cơ sở cũng có thể đăng ký điều chỉnh giấy phép môi trường sau khi đã được thẩm định cấp giấy phép môi trường.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường 2020, giấy phép môi trường được xem xét điều chỉnh trong thời hạn của giấy phép khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- a) Thay đổi nội dung cấp phép quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật này theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở hoặc theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
- b) Dự án đầu tư, cơ sở có thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại hoặc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất sau khi kết thúc quá trình vận hành thử nghiệm để phù hợp với năng lực hoạt động thực tế.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp & Đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.