
1. Tài sản chung là gì?
Tài sản chung của vợ, chồng là những tài sản được hình thành trong suốt quá trình chung sống của vợ và hợp tác kinh tế trong thời kỳ hôn nhân. Cụ thể, tài sản chung của vợ, chồng bao gồm:
- Tài sản do vợ, chồng gây dựng thông qua lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ hôn nhân như: tiền lương, thưởng, tiền tiết kiệm, thu nhập từ kinh doanh, đầu tư,…
- Tài sản là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên.
- Tài sản được hai bên thừa kế hoặc được người khác tặng cho cả hai vợ chồng.
- Phần tài sản được sử dụng cho nhu cầu gia đình, nghĩa vụ chung của vợ chồng;
- Tài sản được đôi bên thỏa thuận là tài sản chung.
Ví dụ: Xe hơi mà hai người kết hôn mua khi họ còn sống chung. Khi họ ly hôn, xe hơi này có thể được coi là tài sản chung và phải được chia đều giữa họ.
Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về phần tài sản chung của vợ chồng như sau:
- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
- Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
- Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Như vậy, tài sản chung của vợ chồng phản ánh sự đóng góp, nỗ lực và kết quả lao động, sáng tạo của cả hai trong suốt quá trình hôn nhân.
2. Tài sản riêng là gì?
Tài sản riêng của vợ, chồng là những tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc được tặng cho riêng sau khi kết hôn. Cụ thể, tài sản riêng bao gồm:
- Tài sản mà vợ hoặc chồng đã sở hữu trước khi kết hôn như nhà đất, tiền tiết kiệm, cổ phiếu, phương tiện đi lại…
- Tài sản mà vợ hoặc chồng được thừa kế, được cho riêng, không phải cho cả hai vợ chồng.
- Tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra từ lao động, kinh doanh riêng lẻ, không dùng công sức chung hoặc tài sản chung.
- Các khoản bồi thường mà một bên nhận được như bồi thường tai nạn, bảo hiểm nhân thọ…
- Các tài sản khác mà pháp luật quy định là tài sản riêng.
Như vậy, tài sản riêng phản ánh những tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của mỗi cá nhân trong cuộc hôn nhân.
Căn cứ vào Điều 43, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản riêng của vợ, chồng được định nghĩa như sau:
- Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Ngoài ra, căn cứ vào Điều 11, Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản riêng của vợ, chồng còn bao gồm:
- Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
- Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Nhằm giúp độc giả dễ dàng phân biệt giữa tài sản chung và tài sản riêng, dưới đây là ví dụ thực tế về phần tài sản riêng vợ chồng như sau:
Ví dụ: Anh Nam mua một căn hộ chung cư tại Quận Bình Thạnh và đã làm thủ tục quyền sở hữu nhà đất tại cơ quan thẩm quyền trước ngày nhận giấy chứng nhận kết hôn ngày 10/07/2023. Như vậy, căn hộ chung cư được mua trước khi kết hôn, theo đó nó được ghi nhận là tài sản riêng của anh Nam.
Như vậy, tài sản riêng phản ánh những tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của mỗi cá nhân trong cuộc hôn nhân.
3. Quy định của pháp luật về việc chia tài sản riêng trong thời kì hôn nhân
Quy định của pháp luật về việc chia tài sản riêng trong thời kì hôn nhân bao gồm 2 quyền sau:
Các quy định về tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân
3.1. Quyền có tài sản riêng của vợ, chồng
Pháp luật hiện nay khẳng định vợ, chồng có quyền sở hữu tài sản riêng và có thể xác định được nguồn gốc của tài sản hình thành từ tài sản riêng. Quyền sở hữu đối với tài sản riêng của vợ, chồng sẽ không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của người đó.
Chính vì vậy dù phát sinh trường hợp cần phân chia tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì tài sản riêng vẫn thuộc về người sở hữu nếu người đó chứng minh được đó là tài sản riêng của mình.
3.2. Quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng
Căn cứ vào Điều 44, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được quy định như sau:
- Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
- Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
- Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.
Theo đó, vợ, chồng có toàn quyền sở hữu đối với tài sản riêng của mình và có thể tự quyết định nhập hay không nhập tài sản riêng vào tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định với trường hợp vợ hoặc chồng phát sinh nghĩa vụ riêng về tài sản như sửa chữa, duy trì hoặc với bên thứ 3 liên quan đến tài sản riêng này thì sẽ được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
4. Cách xác định tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân
Việc xác định đâu là phần tài sản riêng của vợ và chồng trong giai đoạn hôn nhân dựa theo 02 phương thức là xác định dựa vào nguồn gốc tài sản và xác định dựa vào thỏa thuận. Chi tiết từng cách như sau:

4.1. Xác định dựa vào nguồn gốc tài sản
Việc xác định tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân là yếu tố nguồn gốc tài sản:
- Tài sản này được ông bà tổ tiên để lại hay được bố, mẹ, người thân cho tặng riêng hay là tài sản được thừa kế.
- Nếu tài sản được mua bằng tiền thì nguồn gốc của khoản tiền này đến từ đâu? Nếu mua bằng tiền riêng của cá nhân hoặc là tài sản riêng của cá nhân thì có bằng chứng xác nhận điều này hay không?
- Tài sản có giấy tờ, tài liệu chứng minh hoặc được cơ quan nào xác nhận là tài sản riêng của cá nhân chưa?
4.2. Xác định dựa vào thoả thuận
Yếu tố mang tính quyết định nhất để xác định tài sản riêng của vợ/chồng là “Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản”. Nếu các bên đã thỏa thuận với nhau về việc phân định tài sản chung riêng, tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì yếu tố nguồn gốc hoặc thời điểm tạo lập tài sản không còn quan trọng nữa.

Pháp luật luôn tôn trọng và đề cao quyền tự do ý chí, tự do thỏa thuận của vợ chồng nhất. Do đó, cách tốt nhất để xác định rõ tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là các bên tự thỏa thuận với nhau theo các hình thức sau:
- Thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng trước hôn nhân (căn cứ theo Điều 47, Luật Hôn nhân và gia đình 2014):
Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”
- Thỏa thuận chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (căn cứ theo Điều 38, Luật Hôn nhân và gia đình 2014):
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
5. Khi nào tài sản riêng thành tài sản chung?
Tài sản riêng của vợ chồng thành tài sản chung khi cả hai có văn bản xác thực về việc chuyển tài sản riêng thành của chung. Điều 46 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 hướng dẫn cụ thể về việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung như sau:
- Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.
- Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.
- Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
6. Mẫu văn bản thỏa thuận tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân
Mẫu văn bản thỏa thuận tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân do công ty Luật Apolat Legal cung cấp:
7. Các câu hỏi liên quan đến tài sản hình thành sau ly hôn
7.1. Hoa lợi và lợi tức là gì?
Theo quy định hiện hành tại điều 109 Bộ luật dân sự 2015 thì hoa lợi, lợi tức được định nghĩa như sau:
Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại.
Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.
7.2. Tài sản riêng của vợ hoặc chồng do ai quản lý?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản”
Tóm lại, tài sản hình thành sau hôn nhân bao gồm tài sản riêng và tài sản chung do cả hai tạo ra. Để giúp phân biệt giữa hai loại tài sản, pháp luật cũng đưa ra các cơ sở pháp lý quy định về tài sản riêng của vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Trên đây là những thông tin tư vấn của chuyên gia Apolat Legal về vấn đề tài sản hình thành sau hôn nhân. Trong quá trình tìm hiểu, nếu như bạn có bất kỳ thắc mắc về lĩnh vực này, liên hệ ngay chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng!
Thông tin liên hệ:
- HCM: Tầng 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hồ Chí Minh.
- HN: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
- Điện thoại: 0911 357 447
- Email: info@apolatlegal.com
- Website: apolatlegal.com
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.