Chế tài bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật dân sự Việt Nam

Trong lịch sử pháp luật thế giới, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những chế định được hình thành sớm nhất của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được các quy định của pháp luật về vấn đề này. Bài viết sau đây sẽ trả lời cho bạn các câu hỏi liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường, nguyên tắc bồi thường và các vấn đề liên quan khác. Tham khảo ngay để biết thêm chi tiết!

1. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?

Hiện nay chưa có bất kỳ văn bản pháp lý định nghĩa thế nào là “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Tuy nhiên, nếu dựa vào các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 có thể hiểu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm bồi thường không phát sinh từ quan hệ hợp đồng. Bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chế tài bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật dân sự Việt Nam
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015 không đưa ra khái niệm thế nào là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, nếu phân tích dựa trên việc cắt nghĩa thuật ngữ pháp lý, có thể hiểu “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại”.

Chế tài bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật dân sự Việt Nam
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mang những ý nghĩa nhất định

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xét đến cùng là một loại trách nhiệm dân sự. Do đó, nó mang đầy đủ các đặc điểm của trách nhiệm dân sự, gồm:

– Là sự cưỡng chế của Nhà nước và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng;

– Chỉ áp dụng khi có hành vi vi phạm pháp luật và chỉ áp dụng đối với người có hành vi vi phạm;

– Luôn mang lại hậu quả bất lợi cho người có hành vi vi phạm.

3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 và được giải thích chi tiết tại Điều 3 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP.

Thứ nhất, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên nhưng thiệt hại thực tế được bồi thường toàn bộ và kịp thời

“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Quy định này thể hiện nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Chế định trên được hiểu là, thiệt hại bao nhiêu bồi thường bấy nhiêu, việc bồi thường thiệt hại phải được tiến hành nhanh chóng, nhằm hạn chế thiệt hại và kịp thời ngăn chặn thiệt hại, giúp người bị thiệt hại có khả năng phục hồi những lợi ích đã bị xâm phạm.

Thứ hai, nguyên tắc giảm mức bồi thường thiệt hại

“2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý mà thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình”.

Theo đó, thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của người chịu trách nhiệm bồi thường là trường hợp có căn cứ chứng minh rằng, nếu Toà án tuyên buộc bồi thường toàn bộ thiệt hại thì không có điều kiện thi hành án.

Ví dụ: Một người vô ý làm cháy nhà người khác gây thiệt hại 1 tỷ đồng. Người gây thiệt hại có tổng tài sản là 100 triệu đồng, thu nhập trung bình hàng tháng là 2 triệu đồng. Mức thiệt hại này là quá lớn so với khả năng kinh tế của người gây thiệt hại.

Chế tài bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật dân sự Việt Nam
Xác định thiệt hại đúng theo các nguyên tắc luật định

Thứ ba, nguyên tắc thay đổi mức bồi thường thiệt hại

Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường theo quy định tại khoản 3 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015.

Thứ tư, nguyên tắc xác định thiệt hại phải bồi thường

“4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”.

Theo đó, nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại sẽ không phải bồi thường. Trường hợp người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi được xác định là một trong các căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và trường hợp thiệt hại do người chưa thành niên gây ra nói riêng theo khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp người bị thiệt hại có lỗi một phần mức độ lỗi của người bị thiệt hại là một trong các thành tố xác định mức bồi thường thiệt hại mà người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải gánh chịu.

Thứ năm, nguyên tắc xác định nghĩa vụ hạn chế tổn thất

“5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.

Trên thực tế, người bị thiệt hại trong nhiều trường hợp đã không thiện chí khắc phục thiệt hại. Do đó, quy định này về việc bên bị thiệt hại phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn thiệt hại cho chính mình được xem là hoàn toàn phù hợp, tác động của quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của người bị thiệt hại với lợi ích của chính mình và lợi ích của cộng đồng. Trong nhiều trường hợp, nếu thiệt hại không được ngăn chặn thì lợi ích của xã hội cũng bị ảnh hưởng.

4. Xác định mức thiệt hại bồi thường

Xác định thiệt hại để bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là việc rất khó khăn và phức tạp. Mục 2 Chương XX Phần thứ ba Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các loại thiệt hại được bồi thường và cách thức xác định thiệt hại một cách khái quát, cụ thể: Thiệt hại về tài sản (Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015); Thiệt hại về sức khỏe (Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015); Thiệt hại về tính mạng (Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015); Thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015).

4.1 Thiệt hại về tài sản

Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm hại được bồi thường bao gồm:

– Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc hư hỏng;

– Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, giảm sút;

– Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;

– Thiệt hại khác do luật quy định.

Việc bồi thường thiệt hại trực tiếp về tài sản có thể thực hiện bằng các cách như: Bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc. Về nguyên tắc chung, các bên có thể thỏa thuận cách thức, mức độ bồi thường như: Sửa chữa hư hỏng, thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương. Nếu không thể bồi thường được bằng hiện vật thì trị giá tài sản để bồi thường. Khi trị giá tài sản phải căn cứ vào giá trị thị trường của loại tài sản đó có tính đến khấu hao tài sản do đã sử dụng tài sản.

4.2 Thiệt hại về sức khỏe

Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại được bồi thường bao gồm:

– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu mức thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

– Chi phí hợp lý và phân thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

– Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần (50 lần) mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Cùng cần hiểu rằng, sức khỏe vốn là thứ khó có thể xác định chính xác bằng tiền. Do đó, bồi thường thiệt hại về sức khoẻ thực chất có ý nghĩa là đền bù một phần thiệt hại về vật chất, tạo điều kiện cho nạn nhân hay gia đình khắc phục khó khăn do tai nạn gây nên. Và trong một số trường hợp chỉ có ý nghĩa là một khoản trợ cấp cho nạn nhân, gia đình nạn nhân.

Chế tài bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật dân sự Việt Nam
Đối với những thiệt hại khác nhau sẽ có cách xác định khác nhau

4.3 Thiệt hại do tính mạng bị xâm hại

Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm hại được bồi thường bao gồm:

– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

– Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

– Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần (100 lần) mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Cần phải hiểu rõ ràng, bồi thường thiệt hại về tính mạng thực chất là bồi thường vật chất phải bỏ ra liên quan đến cái chết của người bị thiệt hại. Vì vậy, số tiền bồi thường này không đồng nghĩa với việc người gây ra thiệt hại sẽ không bị truy tố theo quy định của pháp luật hình sự nếu hành vi của họ đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

4.4 Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại được bồi thường bao gồm:

– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

– Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần (10 lần) mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

5. So sánh bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Sau khi đã hiểu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì, ta có thể dễ dàng rút ra được điểm giống và khác nhau giữa bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và ngoài hợp đồng. Ví dụ như:

5.1 Giống nhau

– Đều là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc các bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả cho bên bị thiệt hại;

– Đều có thiệt hại xảy ra;

– Các bên có thỏa thuận hình thức và mức bồi thường khi có thiệt hại xảy ra;

– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và hậu quả xảy ra.

5.2 Khác nhau

a. Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng

– Trách nhiệm dân sự phát sinh do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo hợp đồng;

– Tồn tài quan hệ hợp đồng và thiệt hại phải do hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã gây ra;

– Thiệt hại không phải là điều kiện bắt buộc để xác định trách nhiệm;

– Các bên có thể thỏa thuận mức bồi thường hay phạt vi phạm kể từ giao kết hợp đồng;

– Phát sinh kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực và có bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng;

– …

b. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

– Các bên có quan hệ hợp đồng (hoặc không) nhưng thiệt hại xảy ra không liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng;

– Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: Hành vi vi phạm pháp luật, có thiệt hại thực tế, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thực tế, có lỗi;

– Bên gây thiệt hại phải bồi thường kịp thời và toàn bộ, thiệt hại. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường và hình thức nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

– Thời điểm phát sinh kể từ thời điểm xảy ra hành vi gây thiệt hại;

– …

Chế tài bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật dân sự Việt Nam
Phân định rõ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và trong hợp đồng để tránh nhầm lẫn

Trên đây là một số thông tin cơ bản về chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc câu hỏi liên quan, vui lòng liên hệ để nhận được sự tư vấn tốt nhất!

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Lao động và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site. Switch to a production site key to remove this banner.