1. Phân loại nguồn vốn
Nguồn vốn là tất cả những gì doanh nghiệp bỏ ra để cung ứng ban đầu cho hoạt động kinh doanh (bao gồm các nguồn tiền mua máy móc thiết bị, chi trả lương cho lực lượng lao động, mua tư liệu lao động, mua tư liệu sản xuất). Sau khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, tạo ra hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm để cung ứng trên thị trường thì doanh thu thu lại sẽ được bù vào chi phí bỏ ra ban đầu và có lãi. Số vốn ban đầu sẽ dần mở rộng quy mô hơn thông qua việc tăng cường sản xuất kinh doanh. Vậy có bao nhiêu loại nguồn vốn?
Để phân loại nguồn vốn theo loại hình doanh nghiệp thì chúng ta sẽ có những nguồn vốn sau đây:
- Doanh nghiệp nhà nước: Doanh nghiệp nhà nước sẽ có các nguồn vốn kinh doanh được nhà nước giao vốn, vốn do các công ty mẹ là công ty nhà nước vào, vốn từ các cá nhân, tổ chức viện trợ không hoàn lại.
- Doanh nghiệp liên doanh: Nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp liên doanh được các bên liên doanh góp vốn và bổ sung từ lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp sau khi đã trừ thuế.
- Công ty cổ phần: Công ty cổ phần sẽ có nguồn vốn ban đầu được các cổ đông góp vốn bằng cách mua góp cổ phần, mua cổ phiếu hoặc bổ sung từ lợi nhuận sau thuế.
- Công ty TNHH và công ty hợp danh: Nguồn vốn kinh doanh do các thành viên góp vốn hoặc bổ sung từ lợi nhuận sau thuế.
- Doanh nghiệp tư nhân: Nguồn vốn kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân bỏ ra từ ban đầu hoặc bỏ thêm vào trong quá trình kinh doanh.
Tuy nhiên, đôi khi doanh nghiệp muốn nhanh chóng mở rộng quy mô hoặc số vốn ban đầu chưa đủ để thực hiện một số hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ tiến hành huy động vốn.
2. Các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp Việt Nam
Chúng ta có các hình thức huy động vốn sau đây:
Huy động vốn bằng vốn góp ban đầu
Phần vốn góp ban đầu là phần vốn được hình thành khi thành lập doanh nghiệp. Các chủ sở hữu đóng góp vốn vào doanh nghiệp với các hình thức khác nhau tùy thuộc vào từng loại doanh nghiệp.
Huy động vốn bằng tín dụng ngân hàng
Huy động vốn bằng tín dụng ngân hàng thường được các doanh nghiệp lựa chọn khi cần vốn để đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vì thủ tục đơn giản và khả năng giải ngân nhanh chóng. Khi doanh nghiệp sử dụng hình thức huy động vốn này thường sẽ sử dụng hình thế chấp tài sản cho ngân hàng hoặc vay tín chấp. Đến hạn thanh toán thì doanh nghiệp phải hoàn trả cho ngân hàng gốc và lãi theo quy định trong hợp đồng.
Huy động vốn bằng phát hành trái phiếu
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp đối với người nắm giữ. Khi phát hành trái phiếu thì người mua trái phiếu sẽ mang tâm thế “chủ nợ” nên sẽ thu hút được nhiều người đầu tư. Huy động vốn bằng phát hành trái phiếu là hình thức huy động vốn dài hạn với mức lãi suất hợp lý, giúp thu hút được nguồn vốn và không mất phí trung gian.
Huy động vốn bằng hình thức vay tiền từ tổ chức và cá nhân khác
Khác với những hình thức vay vốn khác, huy động vốn dưới hình thức vay tiền từ cá nhân hoặc tổ chức khác được thể hiện trên cơ sở hợp đồng vay tài sản được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự. Ngoài ra, mối quan hệ này còn cần dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa người vay và người cho vay. Pháp luật cho phép doanh nghiệp này cho doanh nghiệp khác vay hoặc vay của doanh nghiệp khác nên thường thấy các công ty có mối quan hệ sở hữu sẽ có quan hệ vay mượn nhau, như công ty mẹ thường sẽ cho công ty con vay.
Huy động vốn từ phát hành cổ phiếu
Cổ phiếu là một loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu cổ phần của tổ chức phát hành. Nếu như người mua trái phiếu là “chủ nợ” của doanh nghiệp thì người mua cổ phiếu sẽ sở hữu cổ phần của doanh nghiệp, người nắm giữ cổ phiếu có thể tham gia họp đại hội cổ đông (nếu là cổ phiếu phổ thông) hoặc được hưởng lợi nếu công ty làm ăn có lãi (cổ phiếu ưu đãi). Việc huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu phải đảm bảo điều kiện phát hành cổ phiếu ra công chúng của doanh nghiệp.
Huy động vốn bằng tín dụng thương mại
Tín dụng thương mại được hiểu là doanh nghiệp mua bán nợ hàng hóa với nhau. Tín dụng thương mại giúp cho các doanh nghiệp chủ động khai thác được nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, khi sử dụng hình thức tín dụng thương mại thì sẽ tạo điều kiện cho việc mở rộng hoạt động của tín dụng ngân hàng thông qua nghiệp vụ chiết khấu thương phiếu.
Trên đây là một số hình thức huy động vốn thường gặp mà Apolat tổng hợp để bạn đọc hiểu được có bao nhiêu hình thức huy động vốn của doanh nghiệp trên thực tế. Việc huy động vốn của doanh nghiệp không phải là một điều đơn giản, đặc biệt là trong tình trạng nền kinh tế hiện nay đang ảm đạm. Hy vọng với những thông tin trên, Apolat đã cung cấp cho quý bạn đọc cái nhìn tổng quan về các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp ở Việt Nam.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến IPO&Huy động vốn. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.