Hiện nay, với chính sách mở cửa thị trường thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam đang là thị trường được các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến để thực hiện việc thành lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, trước khi thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài thuộc các trường hợp phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (“GCN ĐKĐT“) theo quy định của Luật Đầu tư 2020 phải thực hiện thủ tục này và lưu ý về các vấn đề phát sinh có liên quan trong quá trình xin cấp GCN ĐKĐT như sau:
1. Các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài phải xin cấp GCN ĐKĐT nhưng không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư
Căn cứ khoản 1 Điều 37 Luật Đầu tư năm 2020, các trường hợp phải thực hiện thủ tục xin cấp GCN ĐKĐT bao gồm:
- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
- Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế được quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư 2020.
Nhà đầu tư nước ngoài được định nghĩa theo khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, là cá nhân có quốc tịch nước ngoài hoặc tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ví dụ một cá nhân quốc tịch Singapore dự kiến thành lập công ty tại Việt Nam hoặc một công ty được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Hong Kong dự kiến thành lập công ty tại Việt Nam, cả hai đều được xem là nhà đầu tư nước ngoài.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 quy định dự án đầu tư của tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau đây phải thực hiện thủ tục xin cấp GCN ĐKĐT:
- Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh.
Ví dụ: Công ty B được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Hong Kong dự kiến thành lập một Công ty C khác tại Việt Nam, và công ty này tiếp tục thành lập thêm một Công ty D khác, thì Công ty C phải thực hiện thủ tục xin cấp GCN ĐKĐT. Tuy nhiên, nếu Công ty C được thành lập với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dưới 50%, thì không cần thực hiện thủ tục xin cấp GCN ĐKĐT khi thành lập Công ty D.
- Có tổ chức kinh tế nêu trên nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Ví dụ: Công ty B được thành lập và hoạt động hợp pháp ở Hong Kong dự kiến thành lập Công ty C tại Việt Nam. Công ty C tiếp tục thành lập Công ty D tại Việt Nam. Tiếp theo, Công ty D này tiếp tục thành lập một Công ty E tại Việt Nam. Thì khi đó, dự án của Công ty D phải thực hiện thủ tục xin GCN ĐKĐT. Tuy nhiên, nếu có sự thay đổi là Công ty C cùng với cá nhân Việt Nam tiếp tục thành lập Công ty D với tỷ lệ sở hữu Công ty C chiếm 49% và cá nhân Việt Nam chiếm 51%, thì dự án của Công ty D sẽ không phải thực hiện thủ tục xin GCN ĐKĐT.
- Có cả nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Ví dụ: Công ty B quốc tịch Hong Kong dự kiến thành lập Công ty C ở Việt Nam, sau đó cả hai công ty cùng tiếp tục thành lập Công ty D tại Việt Nam. Lúc này, dự án của Công ty B và Công ty C phải thực hiện thủ tục xin cấp GCN ĐKĐT. Tuy nhiên, nếu Công ty B, Công ty C và cá nhân Việt Nam tiếp tục thành lập Công ty D với tỷ lệ sở hữu Công ty B 20%, Công ty C 20% và cá nhân Việt Nam 60%, thì khi đó, dự án của Công ty B, Công ty C và cá nhân Việt Nam không phải thực hiện thủ tục xin cấp GCN ĐKĐT
2. Các vấn đề phát sinh có liên quan trong quá trình xin cấp GCN ĐKĐT
a. Quốc tịch của Nhà đầu tư:
Căn cứ theo khoản 7 Điều 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài đến từ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO khi thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam sẽ được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như đối với nhà đầu tư thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ là thành viên WTO, trừ khi pháp luật Việt Nam hoặc các điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó có quy định khác. Do đó, nếu nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia không phải là thành viên WTO như British Virgin Islands hay Cayman Islands thì điều kiện tiếp cận thị trường của họ cũng áp dụng tương tự như điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia là thành viên WTO.
b. Nguyên tắc áp dụng hạn chế về tiếp cận thị trường:
Căn cứ theo Điều 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, các nguyên tắc áp dụng hạn chế về tiếp cận thị trường được quy định:
- Đối với những ngành nghề không thuộc Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tiếp cận thị trường theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước, không xét đến các điều kiện về quốc tịch, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, ….
- Đối với những ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường được quy định tại mục A Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư.
- Đối với những ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện quy định tại mục B Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đó.
c. Địa điểm thực hiện dự án đầu tư:
Đối với dự án thực hiện tại TP Hồ Chí Minh, nhà đầu tư có thể kiểm tra xem đã có dự án đầu tư nào được cấp tại địa điểm đó hay chưa bằng cách truy cập vào trang web https://doanhnghiep.hochiminhcity.gov.vn/ để tra cứu.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.