1. Trọng tài thương mại là gì?
Trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp bên cạnh thủ tục khởi kiện tại Tòa án. Các vấn đề xung quanh thủ tục trọng tài được quy định rõ trong Luật Trọng tài thương mại 2010.
Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định:
“1. Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.”
2. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Điều kiện tiên quyết để thủ tục trọng tài được áp dụng là có sự thỏa thuận trọng tài của các bên, các điều kiện khác sẽ phát sinh trong từng trường hợp cụ thể.
Để các tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại cần đáp ứng được một số điều kiện nhất định được quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010:
“Điều 5. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài:
1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
2. Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
3. Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.”
3. Những tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài thương mại
Chỉ các tranh chấp thuộc thẩm quyền của Trọng tài mới có thể thỏa thuận áp dụng thủ tục trọng tài. Các tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010 bao gồm:
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
4. Thỏa thuận trọng tài thương mại
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài các tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.
Thỏa thuận trọng tài sẽ có các hình thức quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
“Điều 16. Hình thức thỏa thuận trọng tài
1. Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
2. Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:
a) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
c) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.”
Tuy các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại nhưng thỏa thuận trọng tài sẽ bị vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp quy định Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010:
- Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này.
- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
- Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.
- Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu.
- Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
5. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại sẽ được tiến hành theo trình tự, thủ tục sau:
- Nộp đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo và bắt đầu thủ tục trọng tài (Điều 30, Điều 31, Điều 32)
- Nộp đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo
– Trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài.
– Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn.
- Thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài
– Trường hợp tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi Trung tâm trọng tài nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.
– Trường hợp tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thoả thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.
- Bị đơn gửi bản tự bảo vệ (Điều 35)
– Đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ.
– Đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thoả thuận khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên bản tự bảo vệ, tên và địa chỉ của người mà mình chọn làm Trọng tài viên.
- Thành lập Hội đồng trọng tài (tranh chấp giải quyết tại Trung tâm trọng tài), Hội đồng trọng tài vụ việc (tranh chấp giải quyết bằng Trọng tài vụ việc) (Điều 40, Điều 41).
- Phiên họp giải quyết tranh chấp (Điều 54, Điều 55, Điều 56, Điều 57)
- Phiên họp
– Phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
– Trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp do quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài quy định; đối với Trọng tài vụ việc do các bên thỏa thuận.
- Sự vắng mặt của các bên: Nếu vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết tranh chấp mà không được Hội đồng trọng tài chấp thuận thì Hội đồng trọng tài:
– Nguyên đơn: bị coi là đã rút đơn khởi kiện.
– Bị đơn: vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp
- Khi có lý do chính đáng, một hoặc các bên có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp. Thời hạn hoãn phiên họp do Hội đồng trọng tài quyết định.
- Hòa giải (Điều 58):
- Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải theo yêu cầu của các bên để các bên thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp.
- Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên.
- Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.
- Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài (Điều 60, Điều 61, Điều 62, Điều 63):
- Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số.
- Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
Như vậy, tranh chấp được các bên thỏa thuận giải quyết bằng Trọng tài sẽ tiến hành theo trình tự, thủ tục nêu trên.
6. Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Cũng như thủ tục khởi kiện tại Tòa án, việc khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại cũng được quy định thời hiệu cụ thể tại Điều 33 Luật Trọng tài thương mại 2010:
“Điều 33. Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.”
7. Ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài
Việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại không chỉ giới hạn phạm vi trong nước, mà có cả các tranh chấp có yếu tố tố nước ngoài. Do đó, tại Điều 10 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định vấn đề ngôn ngữ sẽ được sử dụng trong tố tụng trọng tài.
“Điều 10. Ngôn ngữ
Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt, trừ trường hợp tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trường hợp bên tranh chấp không sử dụng được tiếng Việt thì được chọn người phiên dịch ra tiếng Việt.
Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định.”
Theo đó, việc sử dụng tiếng Việt hay ngôn ngữ khác sẽ tùy thuộc vào từng tranh chấp cụ thể.
8. Địa điểm giải quyết tranh chấp
Địa điểm giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được quy định tại Điều 11 Luật Trọng tài thương mại 2010:
“Điều 11. Địa điểm giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Các bên có quyền thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp; trường hợp không có thoả thuận thì Hội đồng trọng tài quyết định. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, Hội đồng trọng tài có thể tiến hành phiên họp tại địa điểm được xem là thích hợp cho việc trao đổi ý kiến giữa các thành viên của Hội đồng trọng tài, việc lấy lời khai của người làm chứng, tham vấn ý kiến các chuyên gia hoặc tiến hành việc giám định hàng hoá, tài sản hoặc tài liệu khác.”
Việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài được áp dụng theo thỏa thuận của các bên nên một số vấn đề trong quá trình giải quyết các bên sẽ được quyền quyết định. Nếu các bên không thỏa thuận, các vấn đề này sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật, và địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cũng không ngoại lệ.
9. Mất quyền phản đối
Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010, việc mất quyền phản đối của một bên được quy định tại Điều 13 như sau:
“Điều 13. Mất quyền phản đối
Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án.”
10. Luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp trọng tài
Đối với các tranh chấp giải quyết bằng Trọng tài thương mại, xác định luật áp dụng là một vấn đề quan trọng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Nguyên tắc xác định luật áp dụng được quy định tại Điều 14 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
“Điều 14. Luật áp dụng giải quyết tranh chấp
Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp.
Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất.
Trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.”
Như vậy, tùy từng trường hợp mà Hội đồng trọng tài sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn, tập quán quốc tế hoặc quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất để giải quyết tranh chấp.
11. Thi hành phán quyết trọng tài
Phán quyết trọng tài là quyết định giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài của Hội đồng trọng tài. Việc thi hành phán quyết trọng tài của các bên trong vụ tranh chấp được Nhà nước khuyến khích tự nguyện thực hiện.
Trường hợp bên phải thi hành không tự nguyện thi hành phán quyết thì bên được thi hành có quyền yêu cầu thi hành theo Điều 66 Luật Trọng tài thương mại 2010:
“Điều 66. Quyền yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài
Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của Luật này, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật này.”
Việc thi hành phán quyết Trọng tài thương mại sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến giải quyết tranh chấp .Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.