1. Dự án có vốn đầu tư nước ngoài là dự án thuộc trong các trường hợp nào?
Trước khi tiến hành hoạt động thẩm định dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, việc xác định dự án đó thuộc vào những trường hợp nào là hoạt động vô cùng cần thiết. Theo đó, căn cứ theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 02/2022/TT-BKHĐT ngày 14/02/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án có vốn đầu tư nước ngoài là dự án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- a) Dự án do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư thực hiện và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật;
- b) Dự án được đầu tư theo hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư.
2. Nội dung đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài bao gồm những nội dung nào?
Nội dung đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài sẽ bao gồm 03 nội dung chính:
2.1 Nội dung đánh giá kết thúc
Theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 02/2022/TT-BKHĐT ngày 14/02/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nội dung đánh giá kết thúc của hoạt động đầu tư nước ngoài bao gồm:
– Tiến độ góp vốn điều lệ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, vốn pháp định (đối với ngành nghề yêu cầu phải có vốn pháp định), góp vốn đầu tư của dự án có vốn đầu tư nước ngoài; việc huy động và sử dụng vốn huy động theo quy định của pháp luật.
– Tiến độ thực hiện dự án so với tiến độ được quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
– Việc sử dụng đất, sử dụng lao động của dự án; việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
– Việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
– Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, các nguồn lực đã huy động, tiến độ thực hiện, lợi ích dự án.
– Đề xuất và kiến nghị.
2.2 Nội dung đánh giá tác động
Theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 02/2022/TT-BKHĐT ngày 14/02/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nội dung đánh giá tác động của hoạt động đầu tư nước ngoài bao gồm:
– Đánh giá việc thực hiện mục tiêu, quy mô đầu tư (sự tuân thủ quy hoạch, phù hợp với nội dung Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan).
– Đánh giá mức độ hoàn thành (theo nội dung và tiến độ đã đăng ký; nội dung và tiến độ được quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).
– Đánh giá hiệu quả đầu tư (sử dụng lao động, đất đai; nộp ngân sách nhà nước; suất đầu tư; chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, kinh doanh) trên cơ sở so sánh chi phí và kết quả thực tế đạt được trong quá trình khai thác, vận hành.
– Đánh giá trình độ công nghệ sản xuất, về chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, kinh doanh.
– Đánh giá việc thực hiện chế độ báo cáo đối với các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
– Đề xuất và kiến nghị.
2.3 Nội dung đánh giá đột xuất
Theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 02/2022/TT-BKHĐT ngày 14/02/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nội dung đánh giá đột xuất của hoạt động đầu tư nước ngoài bao gồm:
– Sự phù hợp của kết quả thực hiện dự án so với mục tiêu đầu tư.
– Mức độ hoàn thành khối lượng công việc so với quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
– Xác định những phát sinh ngoài dự kiến (nếu có) và nguyên nhân.
– Ảnh hưởng của những phát sinh ngoài dự kiến đến việc thực hiện dự án, khả năng hoàn thành mục tiêu của dự án.
– Đề xuất và kiến nghị.
3. Giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài dựa trên nguyên tắc nào?
Hiện nay, khi thực hiện hoạt động thẩm định dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, việc thẩm định dự án phải được thực hiện dựa trên các nguyên tắc do pháp luật quy định. Theo đó, căn cứ tại Điều 3 Thông tư số 02/2022/TT-BKHĐT ngày 14/02/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài phải dựa trên các nguyên tắc sau:
– Đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục và trên cơ sở quy định pháp luật.
– Không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi đối tượng, thời gian và nội dung kiểm tra; phối hợp trong theo dõi, kiểm tra, đánh giá.
– Kịp thời, khách quan, chính xác và nghiêm minh.
– Công khai, minh bạch, không gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang trong quá trình giám sát, đánh giá.
4. Thẩm quyền giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài được pháp luật quy định như thế nào?
Bên cạnh việc phải tuân thủ theo nguyên tắc, hoạt động thẩm định dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng phải được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Cụ thể, căn cứ theo Điều 4 Thông tư số 02/2022/TT-BKHĐT ngày 14/02/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài bao gồm:
i. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài;
b) Giám sát và đánh giá tổng thể dự án có vốn đầu tư nước ngoài;
c) Kiểm tra các dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội; dự án có quy mô lớn, tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội; và các dự án khác theo chỉ đạo của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.
ii. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành
a) Chủ trì giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật chuyên ngành đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài có liên quan tới lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền.
Các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên ngành được ủy quyền cho các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương chủ trì giám sát, đánh giá chuyên sâu về lĩnh vực quản lý ngành. Các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương có trách nhiệm báo cáo kết quả giám sát, đánh giá dự án đầu tư trên địa bàn về các bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan đăng ký đầu tư trên địa bàn.
b) Đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành thuộc thẩm quyền xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương) của các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên ngành sẽ chịu sự giám sát, đánh giá của các cơ quan này theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm gửi báo cáo thực hiện giám sát, đánh giá cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp theo định kỳ hàng năm vào thời điểm trước ngày 01 tháng 3 của năm sau năm báo cáo.
c) Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá tổng thể hoạt động đầu tư nước ngoài trong phạm vi ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.
iii. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá tổng thể về hoạt động đầu tư nước ngoài trong phạm vi quản lý của địa phương;
b) Trực tiếp hoặc giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các cấp, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giám sát, đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.
iv. Cơ quan đăng ký đầu tư giám sát, đánh giá các tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư.
v. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tự thực hiện giám sát, đánh giá dự án theo quy định tại Điều 70, điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 74 và khoản 2 Điều 96 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP.
5. Hình thức kiểm tra dự án có vốn đầu tư nước ngoài được quy định thế nào?
Bên cạnh việc nắm rõ về nguyên tắc, thẩm quyền thực hiện việc thẩm định dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, việc nắm rõ hình thức kiểm tra dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng là một quy định cần phải nắm rõ.
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 02/2022/TT-BKHĐT ngày 14/02/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hình thức kiểm tra dự án có vốn đầu tư nước ngoài được quy định bao gồm:
- Kiểm tra định kỳ: được tiến hành trên cơ sở kế hoạch kiểm tra hàng năm được cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 4 Thông tư này phê duyệt.
- Kiểm tra đột xuất: được thực hiện theo từng vụ việc, trên cơ sở yêu cầu quản lý và tình hình thực tế hoặc trên cơ sở đề nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư hoặc trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài hoặc có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
- Kiểm tra chuyên ngành: được tiến hành theo quy định của pháp luật chuyên ngành và trên cơ sở yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nhằm đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật liên quan tới lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp & Đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.