
1. Tài sản riêng là gì?
Căn cứ vào Điều 43, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản riêng của vợ, chồng được định nghĩa như sau:
“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”
Theo đó, tài sản riêng của vợ hoặc chồng sẽ bao gồm:
- Tài sản mà các bên tự có trước khi kết hôn.
- Tài sản được cho tặng riêng hoặc thừa kế riêng sau khi kết hôn.
- Tài sản được chia riêng cho vợ hoặc chồng.
- Tài sản để phục vụ mọi nhu cầu thiết yếu của vợ/chồng và các tài sản khác được pháp luật quy định thuộc sở hữu riêng của vợ/chồng.
- Tài sản được tạo ra từ tài sản riêng của vợ/chồng.
- Phần hoa lợi, lợi tức được tạo ra từ tài sản riêng của vợ/chồng sau khi chia tài sản chung.

Ngoài ra, căn cứ vào Điều 11, Nghị định 126/2014/ND-CP hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản riêng của vợ, chồng còn bao gồm:
“1. Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
- Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.”
Tóm lại, tài sản chỉ được xem là tài sản riêng của vợ chồng nếu nó thuộc các trường hợp như: có trước khi kết hôn, được hình thành từ tài sản riêng,…
2. Quy định về tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân
- Quyền có tài sản riêng của vợ, chồng
Pháp luật hiện nay khẳng định vợ, chồng có quyền sở hữu tài sản riêng và có thể xác định được nguồn gốc của tài sản hình thành từ tài sản riêng. Quyền sở hữu đối với tài sản riêng của vợ, chồng sẽ không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của người đó.
Chính vì vậy dù phát sinh trường hợp cần phân chia tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì tài sản riêng vẫn thuộc về người sở hữu nếu người đó chứng minh được đó là tài sản riêng của mình.
- Quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng
Căn cứ vào Điều 44, Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được quy định như sau:
“1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
- Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
- Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.”

Theo đó, vợ, chồng có toàn quyền sở hữu đối với tài sản riêng của mình và có thể tự quyết định nhập hay không nhập tài sản riêng vào tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định với trường hợp vợ hoặc chồng phát sinh nghĩa vụ riêng về tài sản như sửa chữa, duy trì hoặc với bên thứ 3 liên quan đến tài sản riêng này thì sẽ được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
3. Quy định của pháp luật về thời kỳ hôn nhân
Căn cứ vào khoản 13, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì thời kỳ hôn nhân được xác định là: “khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân”. Như vậy, điểm bắt đầu của thời kỳ hôn nhân là ngày đăng ký kết hôn và mốc thời gian kết thúc là ngày chấm dứt hôn nhân.

Bên cạnh đó, việc xác nhận thời kỳ hôn nhân cũng rất quan trọng. Bởi vì khi thời kỳ hôn nhân bắt đầu thì pháp luật cũng có rất nhiều quy định điều chỉnh mối quan hệ giữa vợ và chồng như con chung, tài sản chung, quan hệ cấp dưỡng, nuôi dưỡng khác với các thành viên trong gia đình,…
4. Cách xác định tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân
4.1. Xác định dựa vào nguồn gốc tài sản
Một cơ sở quan trọng để xác định tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân là yếu tố nguồn gốc tài sản:
- Tài sản này được ông bà tổ tiên để lại hay được bố, mẹ, người thân cho tặng riêng hay là tài sản được thừa kế.
- Nếu tài sản được mua bằng tiền thì nguồn gốc của khoản tiền này đến từ đâu? Nếu mua bằng tiền riêng của cá nhân hoặc là tài sản riêng của cá nhân thì có bằng chứng xác nhận điều này hay không?
- Tài sản có giấy tờ, tài liệu chứng minh hoặc được cơ quan nào xác nhận là tài sản riêng của cá nhân chưa?
4.2. Xác định dựa vào thoả thuận
Yếu tố mang tính quyết định nhất để xác định tài sản riêng của vợ/chồng là “Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản”. Nếu các bên đã thỏa thuận với nhau về việc phân định tài sản chung riêng, tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì yếu tố nguồn gốc hoặc thời điểm tạo lập tài sản không còn quan trọng nữa.

Pháp luật luôn tôn trọng và đề cao quyền tự do ý chí, tự do thỏa thuận của vợ chồng nhất. Do đó, cách tốt nhất để xác định rõ tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là các bên tự thỏa thuận với nhau theo các hình thức sau:
- Thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng trước hôn nhân (căn cứ theo Điều 47, Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
“Điều 47. Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng
Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”
- Thỏa thuận chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (căn cứ theo Điều 38, Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
“Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
- Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này”
- Thỏa thuận về tài sản khác theo quy định của pháp luật.
5. Nguyên tắc phân chia tài sản riêng sau ly hôn
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ, chồng có thể có tài sản chung, tài sản riêng hoặc cả hai loại tài sản trên. Khi ly hôn, tài sản sẽ được phân chia căn cứ theo Điều 59, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
- Tài sản chung của vợ chồng được chia theo thỏa thuận của các bên
- Trường hợp không thống nhất được thỏa thuận thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết và sẽ được giải quyết chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố căn cứ theo khoản 2, Điều 59 của Luật này.

“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”
Đồng thời, theo Điều 44, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nguyên tắc xử lý tài sản riêng của vợ, chồng thì:
- Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, định đoạt, sử dụng tài sản riêng của mình; quyết định nhập hoặc không nhập tài sản riêng của vợ/chồng vào tài sản chung.
- Trường hợp vợ/chồng không thể tự quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác thì bên còn lại có thể quản lý tài sản riêng đó. Tuy nhiên việc quản lý này phải đảm bảo lợi ích của người sở hữu tài sản.
- Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ/chồng sẽ được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
- Trường hợp vợ/chồng có tài sản riêng mà lợi tức, hoa lợi phát sinh từ tài sản đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng này phải thông qua sự thỏa thuận thống nhất của vợ, chồng.
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 59, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nguyên tắc phân chia tài sản riêng của vợ, chồng sau ly hôn được quy định như sau:
“4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”.
Như vậy, dựa vào các quy định trên thì vợ, chồng có quyền toàn quyền quyết định về tài sản riêng của mình như chiếm hữu, định đoạt, sử dụng, nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của hai vợ chồng. Nếu xảy ra việc ly hôn cần phân chia tài sản thì toàn bộ tài sản riêng của vợ, chồng vẫn thuộc về người đó nếu xác nhận được quyền sở hữu đối với tài sản riêng, ngoại trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung.
Trên đây là những thông tin tư vấn của Apolat Legal liên quan đến vấn đề tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân. Nếu bạn vẫn còn câu hỏi, thắc mắc nào khác về nội dung này thì có thể liên hệ theo thông tin dưới đây để được hỗ trợ thêm nhé.
Thông tin liên hệ:
- HCM: Tầng 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hồ Chí Minh.
- HN: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
- Điện thoại: 0911 357 447
- Email: info@apolatlegal.com
- Website: apolatlegal.com
Tham khảo các bài viết liên quan đến tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân
- Cách chia tài khi sản ly hôn theo quy định mới nhất
- Cách phân chia tài sản trong hôn nhân theo pháp luật
- Ý nghĩa về việc xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng
-
Luật sư tư vấn về tranh chấp tài sản uy tín chuyên nghiệp
- Những quy định về tài sản chung vợ chồng cập nhật mới nhất
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.