1. Phân biệt quy định chuyển nhượng nhãn hiệu và chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu
Chuyển nhượng và chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu là hai hình thức chuyển giao mà chủ sở hữu có thể thực hiện đối với nhãn hiệu. Hai hình thức này có một số điểm khác biệt nhất định.
Về bản chất:
- Chuyển nhượng nhãn hiệu là chuyển nhượng quyền sở hữu, bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt nhãn hiệu cho bên được chuyển quyền.
- Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu là chuyển giao quyền sử dụng cho bên được chuyển quyền.
Về bên nhận chuyển quyền:
- Nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho một chủ thể đáp ứng điều kiện nhận chuyển nhượng.
- Quyền sử dụng nhãn hiệu có thể được chuyển giao cho nhiều chủ thể theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không độc quyền.
Về quyền của chủ sở hữu sau khi chuyển giao quyền:
- Chuyển nhượng nhãn hiệu: sau khi chuyển nhượng thì quyền sở hữu nhãn hiệu của bên chuyển nhượng sẽ chuyển sang cho bên nhận chuyển nhượng và chấm dứt quyền đối với nhãn hiệu.
- Chuyển quyền sử dụng: Chủ sở hữu vẫn còn các quyền đối với nhãn hiệu, cụ thể (Điều 143 Luật SHTT):
- Đối với hợp đồng sử dụng nhãn hiệu độc quyền: trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng nhãn hiệu đó nếu được phép của bên được chuyển quyền.
- Đối với hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không độc quyền: trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không độc quyền với người khác.
Ngoài ra, đối với trường hợp chuyển quyền sử dụng, khi được bên chuyển quyền cho phép, bên được chuyển quyền sẽ được ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu thứ cấp với bên thứ ba.
Xem thêm: Lưu ý khi thực hiện đăng ký nhãn hiệu theo quy định pháp luật
2. Các lưu ý khi chuyển nhượng nhãn hiệu
2.1. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu
Khoản 1 Điều 148 Luật SHTT quy định: “Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật này, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.”
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu là loại quyền được xác lập trên cơ sở đăng ký tại điểm a khoản 3 Điều 6 Luật SHTT nên chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
2.2. Tên thương mại trùng với nhãn hiệu
Nếu nhãn hiệu là dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác và việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ thì nhãn hiệu đó sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt theo điểm k khoản 2 Điều 74 Luật SHTT.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Nhượng quyền thương mại. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.