1. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là gì?
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với vai trò như một bên thứ ba độc lập với mục đích chấm dứt các xung đột bằng cách đưa ra phán quyêt trọng tài buộc các bên liên quan phải tuân theo và thực hiện.
Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi chính phủ do các bên tham gia đồng thuận lựa chọn phương pháp này để giải quyết các mâu thuẫn thương mại mang đến những đặc điểm cơ bản như sau:
Đặc điểm thứ 1, trọng tài chỉ thực hiện giải quyết tranh chấp thương mại khi có yêu cầu từ các bên tranh chấp và vụ án đó thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Khi tranh chấp phát sinh, các bên có quyền yêu cầu giải quyết vấn đề thông qua phương thức trọng tài để đảm bảo quyền tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp thương mại của các bên liên quan. Việc yêu cầu giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài được ghi nhận thông qua thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận này có thể được ký kết trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp, thỏa thuận trọng tài phải tuân theo quy định của pháp luật và có hiệu lực. Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại bao gồm:
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên tham gia vào hoạt động thương mại;
- Tranh chấp khác giữa các bên được quy định bởi pháp luật để giải quyết thông qua trọng tài.
Tuy nhiên, các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì vụ tranh chấp sẽ nằm ngoài thẩm quyền của trọng tài như sau (trừ khi có thỏa thuận khác của các bên hoặc quy định khác của pháp luật):
- Có quyết định của toà án hủy phán quyết của trọng tài hoặc hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận thỏa thuận của các bên;
- Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp thương mại của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài được quy định tại khoản 1 Điều 43 và các điểm a, b, d, và đ khoản 1 Điều 19 của Luật Trọng tài thương mại năm 2010;
- Tranh chấp thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, và 5 của Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán, Toà án nhân dân tối cao.
Đặc điểm thứ 2, chủ thể giải quyết tranh chấp thương mại là các Trọng tài viên thực hiện thông qua Hội đồng trọng tài bao gồm một Trọng tài viên độc lập hoặc một hội đồng với nhiều Trọng tài viên. Các Trọng tài viên này có thể được lựa chọn bởi các bên liên quan hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc toà án chỉ định để giải quyết tranh chấp thương mại, theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Bên cạnh đó, các trọng tài viên phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 20 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Đặc biệt, các Trọng tài viên là những cá nhân hoặc chuyên gia không thuộc hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước và họ không phải là cán bộ, công chức, hay viên chức.
Đặc điểm thứ 3, quá trình giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài đảm bảo sự kết hợp giữa thỏa thuận và phán quyết. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là phương thức giúp bảo đảm quyền tự quyết của các bên tranh chấp một cách cao nhất. Các bên tranh chấp có thể tự do thỏa thuận và lựa chọn các Trung tâm trọng tài, Trọng tài viên, địa điểm giải quyết hay luật áp dụng,… Thỏa thuận trọng tài có thể được thực hiện trước khi tranh chấp phát sinh hoặc khi tranh chấp đã phát sinh.
Phán quyết của trọng tài thương mại là quyết định cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung tranh chấp thương mại và chấm dứt quá trình tố tụng trọng tài. Khác biệt với quyết định của toà án, phán quyết trọng tài được thực hiện dưới hình thức quyết định nhân danh và vì lợi ích của các bên tranh chấp (không mang tính quyền lực nhà nước). Phán quyết trọng tài có tính chất chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành và không thể bị kháng cáo hay kháng nghị.
Đặc điểm thứ 4, giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại là một cơ chế giải quyết tranh chấp đặc biệt bảo vệ tính bí mật. Quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là một quy trình độc lập và hầu hết các quy định pháp luật liên quan đều thừa nhận nguyên tắc xử lý trọng tài một cách kín đáo khi không có quy định khác từ các bên liên quan. Theo quy định của khoản 4 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được thực hiện mà không công bố, trừ khi có sự thỏa thuận khác từ các bên. Tính bí mật được thể hiện rõ trong nội dung của vụ án và danh tính của các bên liên quan được bảo vệ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về sự tin cậy trong quan hệ thương mại. Quy định về tính bảo mật này có tầm quan trọng lớn trong bối cảnh cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và giúp giải quyết mối quan ngại về uy tín và thương hiệu nếu nội dung của tranh chấp được công khai.
Xem thêm: Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thường gặp
2. Các hình thức trọng tài thương mại
Trọng tài thương mại có hai hình thức cơ bản là trọng tài vụ việc (còn gọi là trọng tài ad hoc) và trọng tài thường trực (còn gọi là trọng tài quy chế).
2.1. Trọng tài vụ việc
Trọng tài vụ việc là hình thức trọng tài do các bên tham gia tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ việc tranh chấp thương mại cụ thể và sẽ chấm dứt tồn tại khi vụ việc đó được giải quyết. Trọng tài vụ việc có thể được mô tả qua các đặc điểm cơ bản như sau:
- Trọng tài vụ việc chỉ được thành lập khi có mâu thuẫn nảy sinh và tự chấm dứt hoạt động (tự giải thể) sau khi hoàn thành giải quyết tranh chấp. Đặc điểm “vụ việc” hay “lâm thời” của hình thức trọng tài này thể hiện rõ ở việc chỉ được thành lập dựa trên thỏa thuận của các bên tranh chấp để giải quyết một vụ tranh chấp cụ thể. Hình thức trọng tài này tồn tại và hoạt động chỉ trong thời gian giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên và khi vụ tranh chấp được giải quyết, trọng tài tự chấm dứt hoạt động.
- Trọng tài vụ việc không có trụ sở thường trực, không có tổ chức quản lý (vì chỉ được thành lập để giải quyết một vụ tranh chấp theo thỏa thuận của các bên) và không có danh sách Trọng tài viên riêng. Trọng tài viên được các bên chọn hoặc được chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài.
- Trọng tài vụ việc không áp dụng quy tắc tố tụng riêng. Điều này có nghĩa là quy tắc tố tụng để giải quyết vụ tranh chấp phải được các bên thỏa thuận và xây dựng khi trọng tài được thành lập. Tuy nhiên, để tránh lãng phí thời gian và công sức trong việc xây dựng quy tắc tố tụng, các bên tranh chấp có thể thỏa thuận lựa chọn bất kỳ quy tắc tố tụng phổ biến nào (thường là quy tắc tố tụng của các Trung tâm Trọng tài có uy tín cả trong nước và quốc tế).
Mặc dù Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định về trọng tài vụ việc, nhưng trên thực tế, hình thức này chưa được phát triển mạnh do đòi hỏi sự tự thực hiện toàn bộ quy trình bởi các bên tham gia, mà không có sự hỗ trợ từ Ban thư ký thường trực, và do đó, việc tham gia vào quy trình này đòi hỏi kinh nghiệm tố tụng trọng tài trước đó.
2.2. Trọng tài thường trực
Trọng tài thường trực (trọng tài quy chế) là hình thức trọng tài đặc trưng bởi sự tổ chức chặt chẽ, với hệ thống bộ máy, trụ sở hoạt động đều đặn, thường xuyên. Thông thường sẽ có danh sách trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và quy tắc tố tụng riêng cụ thể. Hầu hết các tổ chức trọng tài lớn và uy tín trên thế giới đều áp dụng mô hình được biết đến dưới các tên gọi như trung tâm trọng tài, ủy ban trọng tài, viện trọng tài, hội đồng trọng tài quốc gia và quốc tế… Tuy nhiên, trung tâm trọng tài là hình thức phổ biến nhất và được tổ chức rộng rãi.
Đặc điểm của trọng tài quy chế như sau:
Trọng tài quy chế thường được tổ chức dưới hình thức các Trung tâm trọng tài. Các Trung tâm trọng tài là những tổ chức phi chính phủ và không thuộc hệ thống cơ quan nhà nước.
Các Trung tâm trọng tài có tư cách pháp nhân, được trang bị con dấu và tài khoản riêng, tồn tại độc lập với nhau. Để có tư cách pháp nhân, Trung tâm trọng tài phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 74 của Bộ luật dân sự năm 2015, bao gồm:
- Được thành lập hợp pháp;
- Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
- Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Tổ chức và quản lý tại các Trung tâm trọng tài đơn giản và gọn nhẹ. Mỗi Trung tâm trọng tài có Ban điều hành và Ban thư ký. Cơ cấu và bộ máy của Trung tâm trọng tài được quy định bởi điều lệ của Trung tâm. Ban điều hành của Trung tâm trọng tài bao gồm Chủ tịch, một hoặc nhiều Phó Chủ tịch, có thể có Tổng thư ký do Chủ tịch Trung tâm trọng tài bổ nhiệm. Chủ tịch Trung tâm trọng tài đồng thời là Trọng tài viên và Trung tâm trọng tài có danh sách riêng về Trọng tài viên. Các Trọng tài viên này tham gia vào việc giải quyết tranh chấp khi được chọn hoặc chỉ định.
Mỗi Trung tâm trọng tài tự quyết định về lĩnh vực hoạt động và có quy tắc tố tụng riêng. Lĩnh vực hoạt động được xác định dựa trên khả năng chuyên môn của đội ngũ Trọng tài viên và phải được ghi rõ trong Điều lệ của Trung tâm trọng tài. Trong quá trình hoạt động, Trung tâm trọng tài có quyền mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi lĩnh vực hoạt động, nhưng phải có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hoạt động xét xử của Trung tâm trọng tài được thực hiện bởi các Trọng tài viên của Trung tâm. Mỗi Trung tâm trọng tài có danh sách riêng về Trọng tài viên và quá trình chọn hoặc chỉ định Trọng tài viên để tham gia Hội đồng trọng tài hoặc giải quyết vụ tranh chấp chỉ được hạn chế trong danh sách này. Điều này tạo ra sự khác biệt so với quá trình giải quyết tranh chấp thương mại tại trọng tài vụ việc.
3. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Để đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, hội đồng trọng tài phải tuân theo các nguyên tắc tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
- Tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua Trọng tài khi các bên thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được ký kết trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp;
- Trong trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn giữ hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo quy định của pháp luật, trừ khi có thoả thuận khác giữa các bên.
- Nếu một bên tham gia thoả thuận trọng tài là tổ chức và tổ chức đó chấm dứt hoạt động, phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức mới tiếp nhận quyền và nghĩa vụ, trừ khi có thoả thuận khác giữa các bên.
Như vậy, theo Khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, khi có thỏa thuận trọng tài, tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được ký kết trước hoặc sau khi xảy ra mối tranh chấp. Do đó, điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là sự có mặt của thỏa thuận trọng tài.
4. Thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài
Theo Điều 7 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về việc xác định Toà án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài như sau:
Trong trường hợp các bên đã thỏa thuận chọn một Tòa án cụ thể, thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án mà các bên đã lựa chọn.
Trường hợp các bên không có thỏa thuận chọn Tòa án, thì thẩm quyền của Tòa án được xác định như sau:
- Đối với việc chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài, Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú của bị đơn nếu bị đơn là cá nhân, hoặc nơi có trụ sở của bị đơn nếu bị đơn là tổ chức. Trong trường hợp có nhiều bị đơn, thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của một trong số các bị đơn đó. Nếu bị đơn có nơi cư trú hoặc trụ sở ở nước ngoài, thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn;
- Đối với việc thay đổi Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài, Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp;
- Đối với yêu cầu giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã ra quyết định;
- Đối với yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ, Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi có chứng cứ cần được thu thập;
- Đối với yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng;
- Đối với việc triệu tập người làm chứng, Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú của người làm chứng.
- Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc, Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã tuyên phán quyết trọng tài.
Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 7 của Luật Trọng tài thương mại 2010 là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
5. Luật áp dụng giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Theo Điều 14 của Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về việc áp dụng luật để giải quyết tranh chấp đối với từng trường hợp như sau:
- Trong trường hợp tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài sử dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết tranh chấp;
- Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài sẽ áp dụng pháp luật mà các bên đã chọn, nếu không có thỏa thuận về luật áp dụng, Hội đồng trọng tài sẽ tự quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất;
- Trong trường hợp pháp luật của Việt Nam hoặc pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp, miễn là việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
6. Thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài
6.1. Thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài quy chế
Thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài quy chế (Trung tâm trọng tài) được quy định như sau:
- Giải quyết khiếu nại về quyết định của Hội đồng trọng tài: Trường hợp thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được hoặc khi có tranh chấp về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài;
- Giải quyết yêu cầu thu thập chứng cứ: Tòa án có thẩm quyền thu thập chứng cứ khi có yêu cầu từ bất kỳ bên nào trong quá trình giải quyết tranh chấp;
- Giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền lợi của các bên;
- Giải quyết yêu cầu triệu tập người làm chứng: Tòa án có thẩm quyền triệu tập những người có liên quan đến tranh chấp để làm chứng;
- Giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài: Trong trường hợp có cơ sở, Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy bỏ quyết định của trọng tài.
Thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài quy chế thể hiện vai trò quan trọng của Tòa án trong việc bảo đảm công bằng và tính chắc chắn của quá trình giải quyết tranh chấp trọng tài.
6.2. Trường hợp các bên không lựa chọn Tòa án có thẩm quyền
theo quy định tại Điều 7 Luật Trọng tài thương mại 2010, các Tòa án cấp tỉnh khác nhau sẽ có thẩm quyền giải quyết các vấn đề khác nhau liên quan đến hoạt động giải quyết tranh chấp của trọng tài quy chế như sau:
- Đối với giải quyết khiếu nại về quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được và tranh chấp liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án tại địa điểm mà Hội đồng trọng tài đã ra quyết định. Nơi Hội đồng trọng tài ra quyết định được xác định và ghi rõ trong quyết định của Hội đồng trọng tài.
- Đối với giải quyết yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ: Tòa án có thẩm quyền là Tòa án tại nơi có chứng cứ cần phải thu thập;
- Đối với giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Tòa án có thẩm quyền là Tòa án tại nơi mà biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng;
- Đối với giải quyết yêu cầu triệu tập người làm chứng: Tòa án có thẩm quyền là Tòa án tại địa phương cư trú của người làm chứng;
- Đối với giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài: Tòa án có thẩm quyền là Tòa án tại địa điểm mà Hội đồng trọng tài đã tuyên phán quyết trọng tài. Nơi Hội đồng trọng tài đã tuyên phán quyết trọng tài được xác định và ghi trong Phán quyết trọng tài.
7. Thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu trong trường hợp nào?
Thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu trong một số trường hợp sau:
- Tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài được đề cập đến trong trường hợp thỏa thuận trọng tài được thiết lập để giải quyết các tranh chấp không nằm trong các trường hợp sau đây: tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; các tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định phải giải quyết bằng Trọng tài.
- Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật khi không phải là người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp, hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền;
- Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự, tức là người chưa đủ tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật Trọng tài thương mại;
- Thỏa thuận trọng tài vi phạm các quy định cấm của pháp luật, đặc biệt là thỏa thuận thuộc trường hợp quy định tại Điều 123 của Bộ luật dân sự 2015.
8. Ưu và nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Ưu điểm:
- Thủ tục trọng tài áp dụng cho các tranh chấp trong hoạt động thương mại đơn giản hơn so với tố tụng tòa án trong lĩnh vực dân sự.
- Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại không trải qua nhiều cấp xét xử như ở toà án, giúp hạn chế tốn kém về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.
- Các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp để đẩy nhanh thời gian giải quyết tranh chấp.
- Trọng tài tôn trọng tính bảo mật thông tin cho toàn bộ quá trình, phiên họp trọng tài cũng được thực hiện không công khai, giúp các bên trong tranh chấp đảm bảo được uy tín của các bên trên thương trường.
- Thẩm quyền của hội đồng trọng tài được thiết lập dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên mà không phụ thuộc vào quyền lực nhà nước, phù hợp với các tranh chấp liên quan đến nước ngoài.
- Được chọn trọng tài có kinh nghiệm thực tế về vấn đề tranh chấp, đảm bảo chất lượng giải quyết tranh chấp.
- Phán quyết của trọng tài có tính chung thẩm và bắt buộc các bên phải thi hành, có thể được đưa thẳng tới cơ quan thi hành án để được cưỡng chế.
Nhược điểm:
- Kết quả giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào thái độ và thiện chí của các bên;
- Phán quyết của trọng tài không cưỡng chế cao và phụ thuộc vào sự hợp tác của các bên;
- Trọng tài gặp khó khăn trong giải quyết tranh chấp phức tạp và thiếu thông tin cá nhân nếu bên đó không hợp tác;
- Doanh nghiệp hiện nay chưa quan tâm đến giải quyết tranh chấp bằng trọng tài;
- Phán quyết của trọng tài có thể bị hủy khi một trong các bên yêu cầu tòa án xem xét lại.
9. Dịch vụ giải quyết tranh chấp tại Apolat Legal
Dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Apolat Legal có những ưu điểm như sau:
- Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, nhiệt tình và chuyên nghiệp.
- Cung cấp giải pháp phù hợp và tối ưu cho các tranh chấp thương mại.
- Quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài linh hoạt, tiết kiệm thời gian và chi phí.
- Bảo mật thông tin và đảm bảo tính minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp.
- Tư vấn và hỗ trợ khách hàng trước, trong và sau khi giải quyết tranh chấp.
- Phí dịch vụ hợp lý và minh bạch.
Xem thêm bài viết: Các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại hiện nay
10. Các câu hỏi thường gặp
Hội đồng trọng tài có bao nhiêu người?
Theo Điều 11 của Quy tắc VIAC, vụ tranh chấp có thể được giải quyết thông qua Hội đồng Trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên hoặc 01 Trọng tài viên duy nhất. Trong trường hợp không có thỏa thuận từ các bên, vụ tranh chấp sẽ được giải quyết bởi một Trọng tài viên duy nhất, nếu không, vụ tranh chấp sẽ được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên.
Quy định chi tiết về việc thành lập Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên được miêu tả cụ thể tại Điều 12 của Quy tắc VIAC, tuy nhiên có thể tóm tắt như sau:
- Nguyên đơn có quyền lựa chọn một Trọng tài viên hoặc yêu cầu Chủ tịch VIAC chỉ định một Trọng tài viên thay cho Nguyên đơn;
- Bị đơn chọn một Trọng tài viên hoặc yêu cầu Chủ tịch VIAC chỉ định một Trọng tài viên thay cho Bị đơn;
- Hai Trọng tài viên được lựa chọn hoặc được Chủ tịch VIAC chỉ định sẽ bầu một Trọng tài viên thứ ba để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.
Phán quyết của trọng tài thương mại có hiệu lực như thế nào?
Phán quyết trọng tài thương mại là quyết định cuối cùng của Hội đồng trọng tài, giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp thương mại và đồng thời đánh dấu sự chấm dứt tố tụng trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp. Phán quyết trọng tài được coi là chung thẩm, không thể bị kháng cáo hay phản đối bằng bất kỳ thủ tục nào. Dựa vào quy định tại khoản 5 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại 2010, hiệu lực của phán quyết trọng tài được quy định như sau:
- Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
- Ngay sau khi Hội đồng Trọng tài đưa ra phán quyết trọng tài, các bên liên quan không được tiếp tục đưa vụ tranh chấp đó lên Tòa án, miễn là quan hệ tranh chấp và chủ thể tham gia tranh chấp không có sự khác biệt so với nội dung của vụ đã có phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, Tòa án vẫn giữ quyền xem xét và hủy phán quyết trọng tài nếu có yêu cầu từ một bên tranh chấp.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
- Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên, miễn là thoả thuận đó không vi phạm điều cấm và đạo đức xã hội;
- Trọng tài viên cần phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật;
- Các bên tranh chấp được xem xét là bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ có thể thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình;
- Quá trình giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài diễn ra một cách không công khai, trừ khi có thoả thuận khác từ các bên;
- Phán quyết của Trọng tài được coi là chung thẩm.
Ví dụ về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Công ty X và Công ty Y ký kết hợp đồng mua bán gỗ với Điều 23 quy định: “Mọi tranh chấp liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng Trọng tài thương mại”.
Thỏa thuận riêng: Các bên ký hợp đồng không ghi việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại như một điều khoản của hợp đồng, mà ghi nhận thỏa thuận này trong một văn bản hoàn toàn tách biệt với tên gọi thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại của các hợp đồng đã ký kết trước đó. Ví dụ: Công ty X và Công ty Y đã ký kết thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại đối với các vấn đề phát sinh từ hợp đồng mua bán gỗ giữa hai công ty nói trên. Mặt khác, thỏa thuận trọng tài thương mại không thể tồn tại dưới dạng lời nói, mà phải được xác lập bằng văn bản như sau:
- Thỏa thuận được xác lập dựa trên sự trao đổi thông tin qua các phương tiện như điện tín, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác được pháp luật quy định;
- Thỏa thuận được thiết lập thông qua việc trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
- Thỏa thuận được chứng minh bằng văn bản bởi luật sư, công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu của các bên;
- Trong trường hợp hòa giải, các bên có thể tham chiếu đến văn bản đại diện cho thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, văn bản, điều lệ công ty và các văn bản tương tự khác;
- Bằng cách trao đổi các khiếu nại và biện hộ trong đó sự tồn tại của một thỏa thuận được thực hiện bởi một bên và không bị bên kia phủ nhận.
Tóm lại, nếu thỏa thuận trọng tài vi phạm hình thức quy định tại Mục 16 của Luật Trọng tài thương mại, thì thỏa thuận trọng tài sẽ trở nên vô hiệu.
Trong khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, việc lựa chọn dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đúng là vô cùng quan trọng. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm cùng quy trình giải quyết tranh chấp linh hoạt và tiết kiệm chi phí, Apolat Legal là một lựa chọn tuyệt vời để giải quyết tranh chấp thương mại của bạn.
Liên hệ với Apolat Legal để được tư vấn miễn phí!
Thông tin liên hệ:
- HCM: Tầng 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hồ Chí Minh.
- HN: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
- Phone: 0911 357 447
- Email: info@apolatlegal.com
- Website: apolatlegal.com
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.