1. Chế độ tài sản của vợ chồng là gì?
Chế độ tài sản vợ chồng là tập hợp những quy phạm pháp luật để điều chỉnh về quan hệ tài sản của vợ chồng như các quy định về nguyên tắc phân chia tài sản giữa vợ và chồng; căn cứ xác lập tài sản, quyền & nghĩa vụ của vợ chồng với tài sản chung. Ở mỗi quốc gia sẽ có những quy định riêng về quy định định chế độ tài sản vợ chồng tùy thuộc vào các yếu tố chế độ kinh tế, xã hội, tập quán,…
Tại Việt Nam, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định có hai chế độ tài sản vợ chồng là theo pháp luật hoặc theo thỏa thuận. Trong đó:
- Chế độ tài sản theo pháp luật là những quy định đề ra cách thức xác lập và thực hiện quyền & nghĩa vụ với khối tài sản chung của vợ chồng.
- Chế độ tài sản theo thỏa thuận là việc vợ chồng tự thỏa thuận cùng nhau về cách thức xác lập và thực hiện quyền & nghĩa vụ với khối tài sản chung của mình. Vợ chồng được toàn quyền lựa chọn một chế độ tài sản do pháp luật quy định hoặc tự thiết lập chế độ riêng miễn sao không vi phạm quy định của pháp luật. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận còn được biết đến với nhiều cách gọi như: hôn ước, thỏa thuận tài sản của vợ chồng, hợp đồng tiền hôn nhân,…
- Hình thức: Thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng phải được thể hiện trên văn bản và được công chứng, chứng thực.
- Thời điểm xác lập: Thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng phải được thành lập trước khi kết hôn. Chế độ tài sản theo thỏa thuận này sẽ được xác lập tính từ ngày đăng ký kết hôn.
2. Nội dung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận
Chế độ tài sản theo thỏa thuận sẽ gồm các nội dung chính như sau:
- Về tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng: khi chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các cách sau:
- Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản của riêng vợ, tài sản của riêng chồng.
- Không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung.
- Không có tài sản chung giữa vợ và chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước và trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản riêng của người có tài sản đó.
- Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.
- Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng với tài sản riêng, tài sản chung và giao dịch có liên quan, tài sản để đảm bảo mọi nhu cầu thiết yếu của cả hai vợ chồng.
- Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản vợ chồng khi chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận.
- Nội dung khác có liên quan.
Lưu ý: Nếu phát sinh những vấn đề chưa được vợ, chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng trong quá trình thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận thì áp dụng quy định tại Điều 29, 30, 31, 32 của Luật Hôn nhân và gia đình.
3. Ý nghĩa chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận
-
Phản ánh sự tiến bộ xã hội của một quốc gia
Những quy định trong chế độ phong kiến trước đây thường mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ nên hầu như người phụ nữ không có quyền gì trong gia đình. Người chồng được xem là người nắm quyền lực cao nhất trong nhà, được đại diện cho quyền lợi của gia đình và có thể ký kết bất cứ hợp đồng liên quan đến tài sản của vợ chồng mà không cần hỏi ý kiến người vợ. Thời kỳ đó cũng không có sự bình đẳng giữa vợ chồng như hiện nay.
Chính vì vậy, việc pháp luật Việt Nam thừa nhận chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng đã thể hiện được tư tưởng tiến bộ của thời đại mới. Bởi lẽ nguyên tắc vợ chồng bình đẳng với nhau về mọi phương diện là một nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật về Hôn nhân và gia đình. Bên cạnh đó, sự bình đẳng trong tài sản của vợ và chồng cũng là một thành phần quan trọng để thực hiện và đạt được các quyền tự do, bình đẳng trong mối quan hệ vợ chồng.
-
Thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo của pháp luật
Với sự ra đời của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, vợ chồng đã có thêm sự lựa chọn khi quyết định chế độ tài sản của mình. Điều này đã thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo của pháp luật cùng với sự tiến bộ trong tư duy của các nhà làm luật. Bởi vì vợ chồng không nhất thiết phải tuân theo các quy định về chế độ tài sản của pháp luật mà họ còn được tự do lựa chọn chế độ phù hợp với tình hình thực tế miễn sao không vi phạm pháp luật.
-
Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi tham gia mối quan hệ với vợ, chồng
Khi tham gia giao dịch với người thứ ba, cá nhân người vợ hoặc chồng phải thông báo nếu vợ chồng đã thỏa thuận về chế độ tài sản trước đó. Điều này sẽ giúp giao dịch diễn ra rõ ràng, rành mạch và đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
-
Phân định rạch ròi tài sản của vợ, chồng
Người vợ, chồng phải cung cấp đầy đủ thông tin về các nguồn tài sản hiện có của mình khi lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận. Từ đó mới thành lập được văn bản thỏa thuận quy định rõ ràng đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng hay tài sản phục vụ cho nhu cầu đời sống gia đình. Nhờ vậy mà mỗi bên có thể phân định rạch ròi tài sản chung và riêng của mình. Trong đời sống hàng ngày cũng hạn chế được cãi vã liên quan đến tài sản và đề phòng được tình trạng có một bên chỉ kết hôn vì tài sản của bên còn lại.
-
Bảo vệ tài sản của vợ, chồng
Trong văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng còn đề cập đến quyền và nghĩa vụ của các bên đối với tài sản chung, riêng nên sẽ giúp bảo vệ chặt chẽ tài sản của vợ, chồng hơn.
-
Dễ dàng xử lý khi có tranh chấp phát sinh
Nếu vợ chồng đã thỏa thuận chế độ tài sản từ trước thì khi phát sinh tranh chấp, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào nội dung của thỏa thuận để giải quyết tranh chấp. Ngược lại, nếu không có thỏa thuận gì về chế độ tài sản của vợ chồng thì cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết tranh chấp dựa trên căn cứ là các quy định pháp luật hiện hành.
Trong trường hợp vợ chồng ly hôn thì Tòa án sẽ căn cứ vào văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản này để xác định đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng, đâu là tài sản phát sinh thêm để xử lý tranh chấp. Văn bản thỏa thuận cũng được xem là luật riêng của vợ, chồng và Tòa chỉ cần căn cứ vào sự thỏa thuận này nếu chúng hợp pháp.
-
Tạo sự thuận lợi cho mọi hoạt động riêng của vợ, chồng
Phần lớn mâu thuẫn của các cặp vợ chồng có nguyên nhân từ vấn đề tiền bạc như bất đồng quan điểm trong việc dùng tiền, quyết định ai là người giữ tiền,… Nếu vợ chồng đã thỏa thuận trước về chế độ tài sản thì hai bên sẽ thống nhất được ý kiến với nhau và có thể sử dụng tài sản riêng để phục vụ mọi hoạt động riêng của mình.
-
Hội nhập cùng thế giới
Việc xác định chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận có xuất phát điểm từ quan niệm của những nhà làm luật tại các nước phương Tây. Theo đó, họ xem hôn nhân cũng là một hợp đồng dân sự nhưng “long trọng” hơn. Và dù là loại hợp đồng nào thì cũng cần tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Hiện nay, quan niệm này đã xuất hiện phổ biến trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam và cũng thể hiện được xu hướng hội nhập của nước ta cùng sự phát triển chung của nhân loại.
4. Trường hợp khiến thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng trở nên vô hiệu
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 50, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng sẽ bị Tòa án tuyên bố vô hiệu nếu nằm trong các trường hợp sau đây:
- Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
- Vi phạm một trong các quy định tại điều 29, 30, 31, 32 của Luật Hôn nhân và gia đình. Cụ thể:
- Vi phạm các nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng.
- Vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
- Vi phạm về giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng.
- Vi phạm về giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu.
- Nội dung của thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng vi phạm nghiêm trọng quyền được thừa kế, quyền được cấp dưỡng, quyền & lợi ích hợp khác của che, mẹ, con và thành viên khác trong gia đình.
Trên đây là một số thông tin mà Apolat Legal muốn chia sẻ đến bạn về chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng. Mọi ý kiến thắc mắc, cần được tư vấn thêm về nội dung này, quý khách vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây.
Giải quyết tranh chấp
Thông tin liên hệ:
- Địa chỉ:
- HCM: Tầng 5, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hồ Chí Minh.
- HN: Tầng 10, số 5 Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
- Phone: 0911 357 447
- Email: info@apolatlegal.com
- Website: apolatlegal.com
Tham khảo các bài viết liên quan đến chế độ tài sản theo thỏa thuận
- Phân biệt tài sản hình thành sau hôn nhân
- Cách phân chia tài sản trong hôn nhân theo pháp luật
- Những quy định về tài sản chung vợ chồng cập nhật mới nhất
- Thủ tục thẩm quyền xác nhận tài sản riêng 2023
- Thỏa thuận tài sản riêng vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
- Mẫu hợp đồng thỏa thuận hôn nhân chi tiết năm 2023
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.