1. Căn cứ pháp lý
- Luật đầu tư năm 2020;
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
- Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;
2. Những trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo quy định tại Điều 37 Luật Đầu tư 2020, được nêu ra các trường hợp cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như sau:
“1. Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.
2. Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;
b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này;
c) Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
3. Đối với dự án đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này triển khai thực hiện dự án đầu tư sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư.
4. Trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định tại Điều 38 của Luật này.”
3. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Quy định tại Điều 38 Luật Đầu tư 2020 về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như sau:
3.1 Các điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Với các dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại các Điều 30, 31 và 32 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư cần đảm bảo các yếu tố sau đây:
- Dự án không thuộc những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
- Dự án đầu tư có địa điểm thực hiện.
- Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch được quy định của Luật Đầu tư 2020.
- Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có).
- Đảm bảo điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
3.2 Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là bao lâu?
Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ phụ thuộc rất nhiều vào dự án đầu tư và phân thành hai trường hợp chính:
- Trường hợp 1: thời hạn là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với dự án thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký theo quy định.
- Trường hợp 2: thời hạn là 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cấp Giấy chứng nhận của nhà đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp 1.
3.3 Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký
Quy định tại Điều 35 Nghị định 31/2021/NĐ-CP về thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư như sau:
“1. Thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư và thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện như sau:
a) Căn cứ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư;
b) Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 02 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên, căn cứ đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
2. Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đã trúng đấu giá, trúng thầu; dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Đầu tư và thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan đăng ký đầu tư nhận được văn bản đề nghị.
3. Đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp Ban quản lý khu kinh tế chấp thuận nhà đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế quyết định chấp thuận nhà đầu tư đồng thời với cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
4. Đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nếu có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bản sao hợp lệ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và bản sao hợp lệ Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có) cho cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.”
4. Nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 40 Nghị định 31/2021/NĐ-CP bao gồm:
- Tên dự án đầu tư.
- Nhà đầu tư.
- Mã số của dự án đầu tư.
- Địa điểm thực hiện dự án đầu tư và diện tích đất sử dụng.
- Mục tiêu và quy mô dự án đầu tư.
- Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động).
- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
- Tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bao gồm:
- Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn.
- Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư, trường hợp dự án đầu tư chia thành từng giai đoạn thì phải quy định tiến độ thực hiện từng giai đoạn.
- Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).
- Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).
5. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo quy định tại Điều 39 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP, được quy định về thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như sau:
- Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế có thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong khu vực quản lý, trừ một số trường hợp đặc biệt tại khoản 3 của Điều này.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ một số trường hợp đặc biệt tại khoản 3 của Điều này.
- Cơ quan đăng ký đầu tư tại địa phương mà nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, hoặc nơi có văn phòng điều hành dự án đầu tư (nếu đã được đặt hoặc dự kiến đặt) có thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:
- Dự án đầu tư được tiến hành từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
- Dự án đầu tư được tiến hành ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
- Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật này.
6. Những câu hỏi thường gặp
Dự án của nhà đầu tư Việt Nam có phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không?
Không. Các dự án của nhà đầu tư Việt Nam không bắt buộc phải thực hiện cấp Giấy chứng nhận. Tuy nhiên nếu có nhu cầu được cấp văn bản trên, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục cấp theo các thủ tục đã được quy định.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp khi đáp ứng được các điều kiện nào?
Như thông tin tại mục 3.1 Các điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của bài viết này, các điều kiện nhà đầu tư cần đáp ứng bao gồm:
- Dự án không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
- Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
- Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch;
- Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);
- Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Những tài liệu nào có thể chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư?
Để chứng minh năng lực tài chính của mình, nhà đầu tư cần cung cấp đầy đủ các tài liệu sau:
- Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất;
- Cam kết hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ;
- Cam kết hỗ trợ tài chính từ tổ chức tài chính;
- Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư (ví dụ như sao kê tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư).
7. Dịch vụ xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Apolat Legal
Như vậy, Apolat Legal đã cùng bạn tìm lời giải đáp cho các thắc mắc về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cần lưu ý rằng, dựa vào tính chất của dự án mà việc cung cấp tài liệu và chuẩn bị hồ sơ có thể khác nhau, do đó việc tìm hiểu chuyên sâu để thực hiện quy trình cấp giấy là vô cùng cần thiết.
Với nhiều kinh nghiệm và sự am hiểu sâu sắc về các vấn đề pháp luật cũng như văn hóa Việt Nam, đội ngũ các luật sư tư vấn tại Apolat Legal luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong mọi vấn đề về mặt pháp lý và đăng ký giấy phép. Nếu có bất kỳ băn khoăn nào, hãy đừng ngần ngại liên hệ chúng tôi nhé.
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.