04 Lưu Ý Về Điều Khoản Phạt Vi Phạm Hợp Đồng

Trên thực tế, phạt vi phạm là một loại chế tài thường được các bên lựa chọn nhằm răn đe, phòng ngừa và trừng phạt những hành vi vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, khi sử dụng điều khoản này các bên cần phải có một số lưu ý nhất định để tránh trường hợp điều khoản này không sử dụng được hoặc sử dụng không hiệu quả. Bài viết sau đây sẽ nêu ra 03 các lưu ý khi sử dụng điều khoản phạt vi phạm trong hợp đồng.  

1. Lưu ý về điều kiện sử dụng điều khoản phạt vi phạm hợp đồng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) và Điều 300 Luật Thương mại 2005 (LTM 2005), điều khoản phạt vi phạm chỉ được sử dụng khi các bên đã có thỏa thuận về việc vi phạm. Do đó, khi các bên không có thỏa thuận về điều khoản phạt vi phạm trong hợp đồng, thì không có cơ sở để bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm nộp một khoản tiền phạt.   

Ngoài ra, bên bị vi phạm phải có nghĩa vụ chứng minh bên kia đã vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng để yêu cầu nộp tiền phạt. Định nghĩa vi phạm nghĩa vụ được quy định tại khoản 1 Điều 351 BLDS 2015 là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ. Đồng thời, để bên bị vi phạm áp dụng chế tài phạt vi phạm thì hành vi vi phạm đó không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm dân sự theo quy định tại khoản 2 Điều 351 BLDS 2015 hoặc 294 LTM 2005. 

Một lưu ý khác là điều khoản phạt vi phạm không có hiệu lực trong trường hợp Hợp đồng vô hiệu. Bởi lẽ hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập – Khoản 1 Điều 131 BLDS 2015. Nghĩa là các bên sẽ không bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng, bao gồm cả thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng. Do đó, chỉ khi hợp đồng có hiệu lực thì thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng mới có hiệu lực và có giá trị pháp lý ràng buộc trách nhiệm đối với các bên. 

2. Lưu ý về mức phạt vi phạm hợp đồng

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 418 BLDS 2015, mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Do đó, các bên trong hợp đồng cần cân nhắc đến bản chất của giao dịch và pháp luật điều chỉnh để xác định mức phạt cho phù hợp. 

Cụ thể, trong lĩnh vực thương mại, mức phạt đối với hành vi vi phạm sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Hoặc trong lĩnh vực xây dựng, đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, mức phạt vi phạm không được vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. 

Hiện nay, pháp luật đang bỏ ngỏ về hướng xử lý khi các bên áp dụng mức phạt vượt quá mức phạt tối đa do pháp luật quy định. Thông thường, đối với phần vượt quá mức trần luật định của phạt vi phạm sẽ không được cơ quan tài phán chấp nhận mà chỉ chấp nhận mức phạt theo đúng mức trần theo quy định của pháp luật. Do đó các bên cần có sự cân nhắc và tính toán kỹ về mức phạt vi phạm trong hợp đồng của mình để sử dụng điều khoản này hiệu quả nhất. 

3. Lưu ý về việc xác định phần giá trị nghĩa vụ vi phạm  

Trong lĩnh vực thương mại và xây dựng, mức phạt sẽ do các bên tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức phạt trần do luật quy định trên giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Tuy nhiên, pháp luật lại bỏ ngỏ về cách xác định giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Do đó, khi soạn thảo và thương lượng về điều khoản phạt vi phạm, các bên cần cân nhắc đến giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Bởi lẽ nếu các bên không thể tự mình xác định được giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm thì cơ quan tài phán cũng không có cơ sở để chấp thuận khoản phạt mà một bên yêu cầu bên kia phải thanh toán.  

Trên thực tế, có những nghĩa vụ không thể xác định được bằng tiền, thông thường là những nghĩa vụ không phải là nghĩa vụ chính của hợp đồng nhưng lại có liên quan đến sức lao động của con người, có thể kể đến các nghĩa vụ như nghĩa vụ quảng cáo, quảng bá, tiếp thị thị trường,…. Do đó, các bên cần có những điều khoản cụ thể về giá trị của các nghĩa vụ này để có căn cứ cho việc áp dụng mức phạt vi phạm hợp đồng của mình hoặc lưu giữ các chi phí đã bỏ ra để thực hiện những nghĩa vụ trên. 

4. Lưu ý về việc áp dụng chế tài phạt vi phạm đồng thời với chế tài bồi thường thiệt hại  

Đây là sự khác biệt lớn giữa phạt vi phạm áp dụng trong quan hệ dân sự và quan hệ hợp đồng thương mại. Theo quy định tại Điều 418 BLDS 2015, khi các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng lại không có thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.  

Xem thêm: Các chế tài pháp lý có thể thực hiện khi bị vi phạm hợp đồng.

Trong khi đó, đối với lĩnh vực thương mại, khi các bên chỉ có thỏa thuận về phạt vi phạm mà không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên bị vi phạm vẫn có quyền được yêu cầu bên vi phạm nộp tiền phạt và bồi thường thiệt hại. Theo đó, LTM 2005 cho phép bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm đối với một hành vi vi phạm mà không cần thỏa thuận trước về việc áp dụng đồng thời các chế tài này.  

Từ những lưu ý trên có thể nhận thấy việc xác định quan hệ trong hợp đồng là quan hệ dân sự hay quan hệ thương mại là điều rất quan trọng đối với thỏa thuận phạt vi phạm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc xác định mức phạt vi phạm mà còn liên quan đến việc áp dụng đồng thời các chế tài khác bên cạnh phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm. 

Khuyến cáo: Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý nào. Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Rà Soát & Soạn Thảo Hợp Đồng. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.