Các chế tài pháp lý có thể thực hiện khi bị vi phạm hợp đồng

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, khi một bên không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình như thỏa thuận thì bên bị vi phạm có thể áp dụng các chế tài để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 06 loại chế tài thường được các bên áp dụng bao gồm: (i) buộc thực hiện đúng hợp đồng, (ii) phạt vi phạm, (ii) bồi thường thiệt hại, (iv) tạm ngừng thực hiện hợp đồng, (v) đình chỉ thực hiện hợp đồng, (vi) hủy bỏ hợp đồng. Tùy từng hành vi và mức độ vi phạm mà bên bị vi phạm nên cân nhắc để áp dụng loại chế tài phù hợp nhất. Bài viết sau đây sẽ trình bày về đặc điểm của từng loại chế tài trên.

1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng

Buộc thực hiện đúng hợp đồng là chế tài được áp dụng khi bên bị vi phạm quan tâm đến việc đảm bảo số lượng và chất lượng hàng hóa, dịch vụ để duy trì, vận hành việc sản xuất, kinh doanh hơn việc sẽ nhận được một khoản tiền tương đương. Đối với các hợp đồng thương mại, buộc thực hiện đúng hợp đồng là biện pháp bảo đảm hiệu lực của hợp đồng, giữ gìn uy tín của thương nhân trong hoạt động kinh doanh.

Buộc thực hiện đúng hợp đồng có thể được áp dụng trong các trường hợp như sau: giao thiếu hàng, hàng được giao không đúng chất lượng, cung ứng dịch vụ không đúng thỏa thuận giữa các bên. Khi áp dụng chế tài này, bên bị vi phạm cần gia hạn một thời gian hợp lý để bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ của mình.

Chế tài này có thể được áp dụng đồng thời với các loại chế tài khác theo quy định của Luật Thương mại 2005.

2. Phạt vi phạm

Chế tài phạt vi phạm có mục đích chủ yếu là tác động vào ý thức của các chủ thể hợp đồng, phòng ngừa vi phạm hợp đồng và trừng phạt khi vi phạm. Điều kiện tiên quyết để áp dụng chế tài phạt vi phạm là các bên phải có thỏa thuận trước về chế tài này trong hợp đồng của mình. Ngoài ra, thỏa thuận giữa hai bên phải đảm bảo các điều kiện để có hiệu lực pháp luật thì mới được áp dụng.   

Một vấn đề cần lưu ý khi áp dụng chế tài này là việc xác định mối quan hệ trong hợp đồng là loại quan hệ gì, quan hệ dân sự, quan hệ kinh doanh thương mại, hay quan hệ trong lĩnh vực xây dựng, … Việc xác định loại quan hệ hợp đồng là căn cứ để bên bị vi phạm yêu cầu mức phạt phù hợp cũng như việc áp dụng đồng thời chế tài này với các chế tài còn lại.

3. Bồi thường thiệt hại

Không giống với phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại hợp đồng là chế tài được áp dụng nhằm khôi phục, bù đắp những tổn thất do hành vi vi phạm gây ra cho bên bị vi phạm. Tổn thất này bao gồm tổn thất về vật chất và tinh thần. Chính vì vậy, không nhất thiết các bên phải có thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại mà bên bị vi phạm vẫn có căn cứ để yêu cầu quyền lợi bị mất của mình.

Bên bị vi phạm có nghĩa vụ chứng minh tổn thất của mình và yêu cầu một khoản lợi đáng lẽ mình được hưởng. Căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại là: (i) có hành vi vi phạm hợp đồng, (ii) có thiệt hại thực tế, (iii) hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

4. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là chế tài nhằm vào mục đích tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ của các bên khi có sự vi phạm. Khi tạm ngừng thực hiện hợp đồng, hợp đồng vẫn duy trì hiệu lực và bên bị vi phạm có thể tiến hành thực hiện các loại chế tài khác để bảo vệ quyền lợi.

5. Chấm dứt hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng

Hai hình thức chế tài này đều nhằm vào mục đích chấm dứt nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của các bên. Khi hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Trong khi đó, chấm dứt hợp đồng vẫn ghi nhận quá trình thực hiện hợp đồng đến trước thời điểm chất dứt. Sự khác nhau này sẽ dẫn đến các hậu quả pháp lý khác nhau cho việc các bên xử lý những nghĩa vụ đã được thực hiện.

Khi đình chỉ và hủy bỏ hợp đồng, bên bị vi phạm đều có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và áp dụng đồng thời các chế tài khác để bảo vệ quyền lợi của mình.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn

    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.