Tổng quan về phạt vi phạm hợp đồng (phần 2)

P.2 – Mức phạt vi phạm và các xác định mức phạt vi phạm vi phạm trong thực tiễn

Tóm tắt: Như đã đề cập tại bài viết trước trong chuỗi bài viết liên quan đến thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng, phạt vi phạm là một trong các biện pháp phổ biến nhất để khắc phục thiệt hại cũng như để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng của các bên. Do đó, mức phạt vi phạm là một trong những vấn đề đáng quan tâm trong thỏa thuận phạt vi phạm để đảm bảo thỏa thuận phạt vi phạm của các bên được phát huy hiệu quả nhất. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản pháp luật của Việt Nam đang có quy định khác nhau về vấn đề này, từ đó dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng trên thực tế.

Xem thêm_Tổng quan về phạt vi phạm hợp đồng (phần 1)

Trong phạm vi của chuỗi bài viết liên quan đến Thỏa thuận phạt vi phạm Hợp đồng này, tác giả sẽ trình bày các quy định pháp luật cũng như thực tiễn về thỏa thuận phạt vi phạm Hợp đồng và về các định hướng xét xử của Cơ quan tài phán có thẩm quyền tại Việt Nam.

1. Mức phạt vi phạm hợp đồng theo quy định pháp luật Việt Nam

Mức phạt vi phạm hợp đồng là một trong những nội dung quan trọng của Thỏa thuận phạt vi phạm Hợp đồng. Hiện nay, mức phạt vi phạm hợp đồng được quy định trong ba văn bản pháp luật chính đó là Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại và Luật Xây dựng. Về bản chất, cả ba văn bản pháp luật trên đều quy định phạt vi phạm là một thỏa thuận và các bên có quyền thỏa thuận mức phạt trong giao dịch của mình. Tuy nhiên, quy đinh về mức phạt vi phạm tối đa trong các văn bản này lại có sự khác biệt đáng kể. Cụ thể:

a. Bộ Luật Dân Sự 2015

Bộ luật Dân sự 2015 (“Bộ luât Dân sự”) được xem là luật chung và có thể được áp dụng để điều chỉnh mọi loại hợp đồng giữa các cá nhân, pháp nhân, bao gồm cả hợp đồng thương mại, hợp đồng xây dựng và các hợp đồng dân sự khác. Nhìn chung, bất kỳ loại hợp đồng nào được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam đều chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự. 

Liên quan đến mức phạt vi phạm hợp đồng tối đa, trước đây Bộ luật Dân sự 1995 quy định mức phạt vi phạm tối đa là không quá 5% giá trị của phần nghĩa vụ bị vi phạm. Tuy nhiên, kể từ Bộ luật Dân sự 2005 trở đi, các bên được tự do thỏa thuận về mức phạt và không có giới hạn cho mức phạt vi phạm. Bộ luật Dân sự 2015 vẫn kế thừa và giữ tinh thần cốt lõi là tôn trọng quyền tự do cam kết, thỏa thuận của các bên, miễn là không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Theo đó, Bộ luật Dân sự hiện hành cho phép các bên được quyền thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Cụm từ “trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác” là một điểm mới của Bộ luật Dân sự 2015 so với phiên bản cũ trước đây 2005. Việc bổ sung này là hoàn toàn phù hợp vì mức phạt vi phạm hợp đồng còn được quy định ở các luật chuyên ngành khác như Luật Thương mại và Luật Xây dựng.

Việc Bộ luật Dân sự hiện hành không quy định mức phạt trần mà cho các bên tự do thỏa thuận cũng dẫn đến bất cập trong việc áp dụng và xử lý trên thực tiễn. Theo đó, việc tự do thỏa thuận của các bên có thể dẫn đến mức phạt quá cao so với giá trị nghĩa vụ bị vi phạm thực tế. Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc tương tự xảy ra khi một bên, thông thường là bên yếu thế, vi phạm nghĩa vụ mà không gây ra bất kỳ thiệt hại nào nhưng vẫn phải chịu mức phạt có thể gấp nhiều lần giá trị hợp đồng hoặc giá trị nghĩa vụ bị vi phạm. Hiện nay, Bộ luật Dân sự Việt Nam chưa có cơ chế cụ thể nào để xử lý việc mức phạt vi phạm quá cao hoặc quá thấp so với giá trị vi phạm thực tế. Tham khảo Bộ luật Dân sự Pháp 1804 được sửa đổi bởi Sắc lệnh số 2016-131, các bên được tự do thỏa thuận về mức phạt vi phạm hợp đồng nhưng thẩm phán có thể can thiệp điều chỉnh mức phạt theo hướng giảm nhẹ hoặc tăng hình phạt đã được thỏa thuận nếu mức phạt đấy rõ ràng là quá lớn hoặc quá nhỏ. 

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể vận dụng được một số quy định trong Bộ luật Dân sự để điều chỉnh mức phạt vi phạm hợp đồng quá cao so với giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Cụ thể, một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực. Việc áp đặt một mức phạt quá lớn đến mức không tưởng so với nghĩa vụ bị vi phạm rõ ràng là không thiện chí trong giao dịch dân sự. Ngoài ra, một nguyên tắc cơ bản khác là “mọi cam kết, thỏa thuận không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Khi một bên có vị thế cao hơn trong giao dịch dân sự mà áp đặt một mức phạt vi phạm quá lớn lên bên còn lại thì có thể được xem là một hành vi trái đạo đức xã hội. Do đó, mặc dù Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện nay vẫn còn bỏ ngõ về rủi ro khi không quy định mức trần của mức phạt vi phạm hợp đồng, nhưng các bên vẫn có thể vận dụng các quy tắc cơ bản của pháp luật dân sự để điều chỉnh mức phạt vi phạm hợp đồng đã thỏa thuận trong trường hợp quá cao so với giá trị nghĩa vụ bị vi phạm hoặc giá trị hợp đồng.

b. Luật Thương mại 2005

Luật Thương mại 2005 (“Luật Thương mại”) có phạm vi điều chỉnh hẹp hơn và chỉ được áp dụng cho các quan hệ và hoạt động thương mại. Khác với Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại quy định mức phạt vi phạm tối đa áp dụng cho hợp đồng thương mại là không quá 8% trên giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm.

Theo đó, Luật Thương mại đã giới hạn về mức phạt vi phạm hợp đồng tối đa mà các bên có thể thỏa thuận. Tuy nhiên, Luật Thương mại lại không có hướng dẫn về cách xác định giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Trên thực tế, có nhiều nghĩa vụ bị vi phạm rất khó hoặc không thể xác định được bằng tiền. Do đó, việc thiếu quy định như vậy dẫn tới việc các bên sẽ không thống nhất về giá trị bị phần nghĩa vụ bị vi phạm và gây khó khăn cho cơ quan tài phán khi thiếu cơ sở để xác định giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm.

c. Luật Xây dựng 2014

Cũng như Luật Thương mại, Luật Xây dựng 2014 (“Luật Xây dựng”) cũng là một văn bản pháp luật chuyên ngành và có phạm vi điều chỉnh hẹp hơn so với Bộ luật Dân sự. Liên quan đến mức phạt vi phạm hợp đồng tối đa, tại Khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng quy định mức phạt vi phạm hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Tuy nhiên, mức giới hạn phạt vi phạm hợp đồng trên chỉ áp dụng cho công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước. 

Luật Xây dựng đã không những bỏ ngõ về cách xác định giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm mà còn không đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào đối với mức phạt vi phạm hợp đồng áp dụng cho các công trình xây dựng thương mại không sử dụng vốn nhà nước. Việc này đã dẫn đến thực trạng các bên, đặc biệt là trường hợp cả hai bên đều là pháp nhân thương mại, không biết phải áp dụng văn bản pháp luật nào giữa Bộ luật Dân sự hay Luật Thương mại để điều chỉnh mức phạt vi phạm hợp đồng nói trên.

Qua các quy định trên, mức vi phạm hợp đồng tối đa hiện nay có sự khác biệt đáng kể trong Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng và Luật Thương mại. Luật Xây dựng và Luật Thương mại là các văn bản pháp luật chuyên ngành nhằm điều chỉnh mối quan hệ riêng biệt và được ưu tiên áp dụng để điều chỉnh các mối quan hệ đó hơn là Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, việc thiếu hụt các quy định, hướng dẫn xác định giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm không chỉ gây khó khăn đối với các bên trong việc áp dụng thỏa thuận phạt vi phạm, mà còn là một thách thức cho các cơ quan tài phán trong việc xác định mức phạt vi phạm hợp đồng tối đa.

2. Xác định mức phạt vi phạm theo giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm trong hợp đồng

Hiện nay, pháp luật chưa đưa ra bất kỳ quy định hay hướng dẫn nào về cách xác định giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm cũng như cách xử lý khoản phạt vi phạm bị vượt quá. Do đó, việc xác định giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm là công việc của các bên, luật sư cũng như cơ quan tài phán. Trên thực tế, có những nghĩa vụ có thể xác định được bằng tiền một cách dễ dàng. Ví dụ, trong hợp đồng mua bán, bên bán vi phạm nghĩa vụ giao hàng đúng thời điểm đã giao kết, hay nói cách khác là bên bán chậm giao hàng. Việc xác định giá trị nghĩa vụ bị vi phạm trong trường hợp này có thể được xác định theo giá trị phần hàng hóa bị giao chậm, từ đó xác định mức phạt vi phạm tối đa cho hành vi vi phạm của bên bán.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể xác định được giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Cụ thể, có thể kể đến một vài trường hợp mà nghĩa vụ không thể trị giá được bằng tiền, thông thường là các nghĩa vụ không phải nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng nhưng có liên quan đến sức lao động của con người, ví dụ như nghĩa vụ tiếp thị, quảng cáo trong hợp đồng dịch vụ quản lý khách sạn. Theo đó, việc không thể xác định được giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm có thể dẫn đến việc thiếu có cơ sở để cơ quan tài phán chấp thuận mức phạt vi phạm của bên bị vi phạm đưa ra.

Do đó, các bên có thể thỏa thuận về giá trị của từng nghĩa vụ trong hợp đồng để đảm bảo chế tài phạt vi phạm hợp đồng được áp dụng một cách hiệu quả nhất mà không phải tốn thời gian và công sức chứng minh giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm với cơ quan tài phán.

Liên quan đến hướng xử lý khoản phạt mà vượt quá giới hạn tối đa của luật cho phép thì về nguyên tắc, việc thiếu hụt quy định pháp luật như vậy sẽ dẫn đến 02 cách hiểu và hướng xử lý như sau: (1) vô hiệu hóa toàn bộ thỏa thuận phạt vi phạm do vi phạm về mức phạt tối đa; và (2) tương tự hướng xử lý khi vượt quá mức lãi suất trần trong Bộ luật Dân sự là chỉ vô hiệu hóa phần vượt quá và quyết định cho bên có quyền hưởng khoản tiền phạt bằng đúng 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm đối với Luật Thương mại và 12% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm đối với Luật Xây dựng. Trên thực tiễn, các cơ quan tài phán có xu hướng áp dụng hướng xử lý thứ hai đối với khoản phạt vượt quá. Theo quan điểm của tác giả, hướng xử lý này trên thực tế là hoàn toàn thuyết phục và phù hợp với tinh thần pháp luật dân sự chung. Đây cũng là điểm mới và thuyết phục của Bộ luật Dân sự 2015 so với các phiên bản trước đây về hướng xử lý đối với các phần vượt quá so với mức giới hạn của pháp luật. Hướng xử lý này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho bên có quyền mà còn mang lại sự bình đẳng, công bằng cho giao dịch dân sự, hợp đồng.

Tóm lại, ngoài các điều kiện để thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng đã được đề cập trong bài viết lần trước, mức phạt vi phạm hợp đồng cũng là một nội dung đáng lưu ý đối với các bên trong hợp đồng. Các bên cần xác định đúng pháp luật áp dụng và nắm rõ về mức giới hạn cũng như những hạn chế tồn tại được đề cập trong bài viết này về mức phạt vi phạm hợp đồng. Ngoài ra, các bên còn phải cân nhắc đến trường hợp xung đột pháp luật giữa các văn bản pháp luật trên, cụ thể là trong lĩnh vực xây dựng thương mại không sử dụng vốn nhà nước. 

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.