Hoá chất là nguyên liệu không thể thiếu đối với quá trình sản xuất, thúc đẩy sự phát triển cho ngành công nghiệp tại Việt Nam. Theo “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” được phê duyệt vào tháng 6/2022 đã đề ra mục tiêu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp hóa chất đạt bình quân từ 10-11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4-5% vào năm 2030.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định kinh doanh hoá chất bao gồm các hoạt động buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất để cung ứng hóa chất trên thị trường nhằm mục đích sinh lời. Do đó, doanh nghiệp có hoạt động buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất cần lưu ý các vấn đề sau:
1. Điều kiện xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp
Căn cứ theo Điều 8 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp bao gồm:
- Chất có trong Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp được ban hành tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này;
- Hỗn hợp chất chứa các chất có trong Phụ lục I và hỗn hợp chất chứa các chất có trong Phụ lục II mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 14 của Nghị định này được phân loại theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này thuộc ít nhất một trong các nhóm phân loại sau đây:
-
- Nguy hại vật chất cấp 1, 2, 3 hoặc kiểu A, B, C và D;
-
- Độc cấp tính (theo các đường phơi nhiễm khác nhau) cấp 2, 3;
-
- Tổn thương nghiêm trọng, kích ứng mắt cấp 1, 2/2A;
-
- Ăn mòn, kích ứng da cấp 1, cấp 2;
-
- Tác nhân gây ung thư, đột biến tế bào mầm, độc tính sinh sản cấp 2;
-
- Nguy hại môi trường cấp 1.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 9 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, khoản 4 Điều 8 và khoản 1 Điều 9 Nghị định 17/2020/NĐ-CP quy định về việc để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp, chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh hóa chất cần đảm bảo đầy đủ các điều kiện sau:
- Được thành lập theo quy định pháp luật;
- Cơ sở vật chất – kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện về nhà xưởng, kho chứa, công nghệ, thiết bị, dụng cụ, bao bì, bảo quản, vận chuyển hóa chất;
- Có cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán đảm bảo các yêu cầu về an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật;
- Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa hóa chất hoặc sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất đáp ứng được các điều kiện về bảo quản an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ;
- Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh hóa chất phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất;
- Nhân sự thuộc đối tượng phải được huấn luyện an toàn hóa chất phải được huấn luyện an toàn hóa chất.
2. Thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
- Văn bản đề nghị theo mẫu;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Bản kê khai về từng địa điểm kinh doanh;
- Bản sao Quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường;
- Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với từng kho chứa hóa chất thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; hoặc biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với từng kho chứa hóa chất không thuộc đối tượng bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
- Bản vẽ tổng thể hệ thống mặt bằng của từng địa điểm kinh doanh; Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng kho chứa hoặc Hợp đồng thuê kho đối với trường hợp thuê kho lưu trữ hoặc Hợp đồng hay thỏa thuận mua bán hóa chất trong trường hợp sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất;
- Bản kê khai thiết bị kỹ thuật, trang bị phòng hộ lao động và an toàn;
- Bản sao bằng trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất của người phụ trách về an toàn hóa chất;
- Bản sao hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất;
- Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm.
3. Quy trình thực hiện
- Bước 1: Nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Sở Công thương nơi đặt cơ sở kinh doanh.
- Bước 2: Sở Công thương ban hành thông báo để doanh nghiệp bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận.
- Bước 3: Thẩm định hồ sơ trong vòng 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Bước 4: Cấp giấy chứng nhận.
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.
Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Doanh nghiệp và đầu tư và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Việt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.