Tín chấp và quy định của pháp luật dân sự về tín chấp

Theo Khoản 8 Điều 292 Bộ luật dân sự 2015, tín chấp là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không bằng tài sản (biện pháp bảo đảm đối nhân), được sử dụng chủ yếu trong các hợp đồng vay (hợp đồng tín dụng). Biện pháp bảo đảm này được dùng để thực thi các chính sách hỗ trợ người nghèo – đối tượng không có tài sản bảo đảm trong việc tiếp cận vốn vay của Chính phủ. Nó có tính chất “tương trợ”, hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn nhằm xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, hiện nay, do không nắm rõ các quy định của pháp luật nên nhiều người vẫn còn có cách hiểu không đúng về về biện pháp này. Nội dung bài viết này sẽ trình bày cụ thể các quy định của pháp luật về tín chấp để người đọc có thể nhìn nhận đúng hơn về bản chất của tín chấp trong quan hệ pháp luật dân sự. 

1. Khái niệm về tín chấp   

“Tín chấp” không phải là một thuật ngữ pháp lý được được định nghĩa cụ thể tại bất kỳ văn bản pháp luật nào. Cụm từ này chỉ có thể được hiểu thông qua định nghĩa của từng từ cấu thành nên, theo đó “tín” là uy tín, mà theo từ điển tiếng Việt, là sự tín nhiệm, tin cậy được mọi người công nhận, đặc biệt trong quan hệ tín dụng, uy tín còn thể hiện thông qua lịch sử tín dụng tốt và khả năng thanh toán nợ cao. “Chấp” đặt trong cụm “thế chấp” là dùng vật gì đó thay thế cho nghĩa vụ nếu không có khả năng thực hiện nghĩa vụ đó.  

Từ đó, “tín chấp”, hiểu một cách khái quát nhất, là việc tổ chức, cá nhân sử dụng uy tín, sự tín nhiệm của người khác cho mình để thế chấp cho việc thực hiện một nghĩa vụ nào đó đối với bên có quyền. 

2. Quy định pháp luật về tín chấp 

2.1 Điều kiện vay tín chấp  

Trong biện pháp bảo đảm tín chấp, đối tượng được các bên mang ra bảo đảm là vô hình, không có giá trị quy đổi thành tiền, không thể thu hồi và không mang tính đền bù cho việc bên bảo đảm đã vi phạm nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng vay. Tuy nhiên, để các khoản vay được bảo đảm bằng tín chấp, các bên trong quan hệ bảo đảm phải đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định, cụ thể:  

  • Bên bảo đảm: chỉ có tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở mới có thể bảo đảm bằng tín chấp. Theo Điều 45 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở gồm tổ chức ở xã, phường, thị trấn của (i) Hội Nông dân Việt Nam, (ii) Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, (iii) Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam, (iv) Hội Cựu chiến binh Việt Nam, (v) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và (vi) Công đoàn cơ sở (theo Điều 344 BLDS 2015).
  • Bên được bảo đảm: cá nhân, hộ gia đình nghèo với mục đích vay tín chấp để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật (theo Điều 344 BLDS 2015).
  • Bên nhận bảo đảm: tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân (khoản 1 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010).
  • Hình thức, nội dung tín chấp: việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành bằng văn bản có xác nhận của bên bảo đảm về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn. Đồng thời, thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng và tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp. 

2.2 Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ tín chấp 

Theo Điều 45 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ Luật Dân Sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, các bên trong quan hệ tín chấp những quyền và nghĩa vụ sau: 

a. Đối với bên bảo đảm bằng tín chấp 

  • Chủ động hoặc phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng cho vay để giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người vay. 
  • Giám sát viêc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn. 
  • Xác nhận theo yêu cầu của tổ chức tín dụng cho vay về điều kiện, hoàn cảnh của người vay khi vay vốn và các quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do luật quy định. 

b. Đối với tổ chức tín dụng cho vay

  • Yêu cầu bên bảo đảm bằng tín chấp phối hợp trong việc kiểm tra sử dụng vốn vay và đôn đốc trả nợ. 
  • Phối hợp với bên bảo đảm bằng tín dụng trong việc cho vay và thu hồi nợ và các quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do luật quy định. 

c. Đối với người đi vay: 

  • Sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống hoặc tiêu dùng phù hợp với mục đích vay. 
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng cho vay và bên bảo đảm bằng tín chấp kiểm tra việc sử dụng vốn vay.
  • Trả nợ đầy đủ gốc và lãi vay (nếu có) đúng hạn cho tổ chức tín dụng cho vay và các quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do luật quy định.

 

Khuyến cáo:

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến cs@apolatlegal.vn.

Apolat Legal là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Tư Vấn Thường Xuyên. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi tại đây và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@apolatlegal.com.

Chia sẻ: share facebook share twitter share linkedin share instagram

Tìm hiểu cách chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp của bạn

Khách hàng của chúng tôi

Liên hệ tư vấn



    Send Contact
    Call Us
    Zalo
    This site is registered on wpml.org as a development site.